Được mệnh danh là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử của cả nước, Thừa Thiên Huế hiện còn lưu giữ hàng vạn hiện vật, cổ vật trong đó có nhiều cổ vật đặc biệt quý hiếm được xếp hạng bảo vật quốc gia. Thế nhưng một thực tế đáng buồn khi việc đầu tư cho bảo tàng – một thiết chế văn hóa quan trọng vẫn còn sơ sài dẫn đến rất nhiều khó khăn, trở ngại trong phát huy giá trị của hiện vật, cổ vật.
Trong số những bảo tàng công lập tại Huế hiện nay, phần nhiều rơi vào cảnh ở nhờ, thậm chí có bảo tàng đến nay vẫn chưa có không gian trưng bày dù đã thành lập khá lâu, với số lượng hiện vật được các chuyên gia đánh giá rất giá trị, tạo nên bản sắc của vùng đất kinh đô xưa.
Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi làm việc với Huế đã đến thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và đề nghị: Lập dự án xây dựng bảo tàng, trả lại không gian cho di tích.
|
|
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế |
So với các thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, việc đầu tư cho bảo tàng ở Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều khó khăn, khiêm tốn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhận định thẳng thắn khi trò chuyện với Báo Thừa Thiên Huế Online liên quan đến thiết chế bảo tàng cho vùng đất với bề dày văn hóa lịch sử như Huế.
Trước những khó khăn kéo dài hàng chục năm qua, người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, trong giai đoạn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025 - Huế sẽ quan tâm tập trung nguồn lực để xây dựng các bảo tàng xứng tầm với vùng đất văn hóa. Ông Phương nói: “Hy vọng trong điều kiện mới, thời cơ mới, tỉnh sẽ đầu tư hơn nữa cho hệ thống bảo tàng để làm cơ sở bảo tồn, gìn giữ hệ thống di sản của tỉnh nhà”.
Phần nhiều các bảo tàng công lập trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh “tạm trú” di tích hoặc chưa có không gian. Khó khăn này vì đâu, thưa ông?
Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã được xây dựng mới năm 2000, thì Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế sau hơn 45 năm hoạt động đặt tại di tích Quốc Tử Giám - một công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được công nhận di tích cấp Quốc gia đặc biệt nên gặp nhiều khó khăn trong công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ hiện vật, xây dựng và cải tạo các hệ thống trưng bày, các phòng làm việc cho cán bộ, nhân viên.
Bảo tàng Mỹ thuật Huế được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 có 3 không gian trưng bày, gồm không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng (số 15 Lê Lợi), không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị (số 17 Lê Lợi) và không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật. Tuy nhiên không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật hiện vẫn chưa có địa điểm để tổ chức hoạt động và trưng bày. Trong khi đó, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đang tổ chức trưng bày và hoạt động tại ngôi điện Long An được xây dựng năm 1845, vì vậy cũng gặp khó khăn trong việc tổ chức hoạt động bảo tàng.
Khó khăn kéo dài từ lâu nay nằm ở việc bố trí quỹ đất để xây dựng bảo tàng, ngoài ra kinh phí cũng là một vấn đề. Trước tình hình đó, gần đây tỉnh đã có rất nhiều cuộc họp để lần lượt tháo gỡ những vướng mắc.
Và thời điểm hiện tại, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã được bố trí đất tại vị trí 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế để cải tạo xây dựng bảo tàng.
Riêng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tỉnh đang chỉ đạo các ban ngành liên quan lập Dự án đầu tư xây dựng cũng như xác định vị trí phù hợp để xây dựng bảo tàng.
Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương dựa vào nhiều tiêu chí đặc thù, trong đó có văn hóa nói chung, bảo tàng nói riêng. Mục tiêu này hiện được quan tâm đến đâu?
Để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy, thời gian qua, việc đầu tư phát triển hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh đã từng bước được quan tâm.
Để có được thiết chế bảo tàng phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai, tỉnh đã tiến hành lập quy hoạch chung. Trong đó bố trí địa điểm thuận lợi, đủ lớn để xây dựng bảo tàng đảm bảo yêu cầu của một thiết chế văn hóa, bảo tồn tính đặc trưng của văn hóa Huế.
Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành hỗ trợ ngành văn hóa, trong đó chú trọng công tác số hóa hệ thống hiện vật, tài liệu, sưu tầm bổ sung hiện vật để trưng bày cho một bảo tàng mới phù hợp với đô thị trực thuộc Trung ương. Do đó, khi bảo tàng mới được xây dựng sẽ có đầy đủ hiện vật và tư liệu để trưng bày, giới thiệu đến công chúng.
Mới đây, khi làm việc với Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị xây dựng đề án nâng cấp chất lượng trưng bày để Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế xứng đáng là nơi trưng bày, giới thiệu và nghiên cứu khoa học về cổ vật cung đình Việt Nam dưới thời Nguyễn. Sau đề nghị này, tỉnh sẽ triển khai cụ thể ra sao?
Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 3/2023, tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Sau khi dành thời gian thị sát tại bảo tàng này, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh về chủ trương xây dựng khu vực trưng bày mới cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế theo hướng phù hợp với không gian di sản, việc trưng bày phải đạt được tính hấp dẫn, hiện đại.
Sau chuyến làm việc của Thủ tướng, Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lập Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa và phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời xác định vị trí xây dựng Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế phù hợp với tình hình thực tế.
Tỉnh đã lựa chọn vị trí tiếp giáp với bảo tàng hiện nay đó là khu vực đường Lê Trực - Đoàn Thị Điểm - Đinh Công Tráng bên trong Kinh thành Huế, với diện tích gần 3.000m2. Đây là khu vực được xác định sẽ giải tỏa các hộ dân, tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang thực hiện. Vì thế, tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng để lấy quỹ đất xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Song song với việc giải phóng mặt bằng, tỉnh đang chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng đề xuất dự án và thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn có đẳng cấp, năng lực, kinh nghiệm chuyên ngành, thiết kế bảo tàng theo hướng khoa học, hiện đại, kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hòa với tổng thể di tích cố đô Huế. Sau khi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục lập dự án đầu tư xây dựng bảo tàng theo quy định.
Một số chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh không gian bài bản, vấn đề nhân lực cho bảo tàng cũng cần được lưu tâm. Ông nghĩ sao?
Đúng như thế. Theo tôi, nguồn nhân lực của bảo tàng nói riêng và nguồn nhân lực cho văn hóa nói chung là vấn đề nhức nhối không chỉ của tỉnh Thừa Thiên Huế mà của cả nước.
Với Huế, nguồn nhân lực hiện đang hoạt động tại các bảo tàng công lập cơ bản vẫn đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ của bảo tàng.
Thế nhưng vẫn phải nhìn nhận nguồn nhân lực chuyên sâu về công tác bảo quản, khảo cổ học…vẫn còn thiếu hụt, cán bộ bảo tàng chưa được thường xuyên tiếp cận với các khóa đào tạo về trưng bày bảo tàng hiện đại.
Do vậy, bên cạnh việc lựa chọn nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, phù hợp với vị trí việc làm, hàng năm, trong chương trình kế hoạch của các bảo tàng và của ngành văn hóa luôn chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác này. Bên cạnh các lớp tập huấn nghiệp vụ do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các chuyên gia hàng đầu cả nước cũng như quốc tế để tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Việc đào tạo chuyên sâu, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ này cần được duy trì.
Ngoài chuyện đầu tư cho bảo tàng, việc để bảo tàng “sống được” và có đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, có lẽ cũng được tính toán đến?
Có thể nói, bảo tàng là thiết chế văn hóa quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng và là điểm đến trong phát triển du lịch dịch vụ. Do đó, tỉnh luôn quan tâm đầu tư để phát triển mạng lưới bảo tàng phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Do tính chất của các loại hình bảo tàng, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghiên cứu học tập của từng đối tượng có nhu cầu đến bảo tàng mà tỉnh định hướng phát triển cho phù hợp (đặc biệt là bảo tàng ngoài công lập).
Để bảo tàng sống được và đóng góp cho sự phát triển của địa phương, tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập đồng thời giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn xây dựng đề án tự chủ của từng bảo tàng phù hợp với loại hình hoạt động nhằm tạo nguồn thu, tăng thu nhập cho người lao động và tiến tới tự chủ 100% trong tương lai.
Huế hiện đã có Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Vậy, có thể huy động quỹ này để đầu tư cho xây dựng bảo tàng không, thưa ông?
Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập theo Nghị định 84/2022/ND-CP ngày 20/10/2022 và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản văn hóa Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
Ngoài ra, Nghị quyết 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã nêu rõ: “Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế để hỗ trợ Quỹ. Nguồn thu của Quỹ chỉ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản văn hóa Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ”.
Do đó, theo tôi bảo tàng là nơi bảo tồn, trưng bày và giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử, do đó nếu có điều kiện, việc sử dụng nguồn huy động của Quỹ bảo tồn di sản Huế để đầu tư, xây dựng bảo tàng là hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ của Quỹ theo quy định. Tuy nhiên việc đầu tư sẽ căn cứ vào khả năng huy động nguồn lực, danh mục, kế hoạch được cấp có thẩm quyền thông qua.
>> Mong cuộc “đổi đời” cho bảo tàng xứ Huế - Kỳ I: Một bảo tàng đúng nghĩa: Biết đến bao giờ
>> Mong cuộc “đổi đời” cho bảo tàng xứ Huế - Kỳ II: Phải có tầm nhìn chiến lược
Nội dung: PHAN THÀNH - LÊ THỌ
Ảnh: PHAN THÀNH - N. MINH - N. HIẾU
Video: BẢO THÀNH
Thiết kế: QUANG THIỀU