ClockThứ Tư, 30/07/2014 05:15

Em sẽ bước tiếp trên con đường của ba...

TTH - “Sau khi ba mất, có lúc em muốn buông xuôi, không còn niềm tin vào cuộc sống để bước tiếp nữa”, Lê Thị Hải Linh (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hai Bà Trưng) vừa đậu thủ khoa ngành Việt Nam học, Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, nói trong nước mắt.

Ngôi nhà của ba mẹ con Linh nằm ẩn khuất trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Ngô Cát. Ba Linh mất đột ngột vì tai nạn giao thông hồi tháng 3. Đã gần 3 tháng nhưng bầu không khí buồn bã trong nhà dường như vẫn chưa vơi.

Thủ khoa Lê Thị Hải Linh bên giá sách của ba - gia tài lớn nhất ba Linh để lại
“Ban đầu em không dự định chọn ngành Việt Nam học mà định thi ngành Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế Huế, Linh kể. - Nhưng sau biến cố ba mất, em đã xem xét lại. Em bắt đầu tìm hiểu về ngành Việt Nam học và thấy thích nó bởi nếu theo học ngành này, em sẽ có thể hoàn thành tiếp các công việc ba đang làm dang dở...”. Ba Linh trước là Trưởng phòng Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh. Mẹ Linh - chị Lê Thị Thương ngậm ngùi: “Ba Linh ra đi chỉ để lại sách và sách, các nghiên cứu về văn hoá các dân tộc ở Nam Đông, A Lưới của anh còn chưa kịp hoàn thành...”
Với Linh ba là những gì đẹp đẽ nhất, là chỗ dựa tinh thần vững chãi mỗi khi em gặp khó khăn. Vì thế, ba mất lâu lắm Linh mới có thể ngồi vào bàn để ôn thi đại học. “Mỗi khi ngồi vào bàn là em lại khóc và không thể tập trung vào học được”, Linh tâm sự. Mất một thời gian dài sau đó Linh mới có thể theo kịp bài vở trên lớp. Nhưng nỗ lực của Linh đã không uổng phí khi kết quả thi đại học đã vượt qua cả mong đợi của Linh và gia đình: Linh đỗ thủ khoa ngành Việt Nam học, khối D1 với số điểm 28 (văn 7,25; Anh văn 8 (nhân hệ số 2); toán 4,75). “Em rất bất ngờ khi biết tin mình đậu thủ khoa ngành, thực ra em không tin là mình có thể đậu thủ khoa. Khi biết tin vui này, ai cũng mừng cho em!”, Linh cười mà mắt ướt.
Linh chia sẻ: “Có được ngày hôm nay, ba mẹ là niềm động viên lớn nhất để em có thể vượt qua mất mát. Cảm ơn các thầy cô đã luôn ở bên và dang rộng vòng tay để động viên em. Đặc biệt là cô Diệp, cô giáo bồi dưỡng văn của em. Cô đã luôn khuyến khích và giúp đỡ em cả về tinh thần và vật chất. Không những không lấy tiền học phí học thêm, cô còn giới thiệu để em được nhận học bổng của một thầy giáo trong trường đã nghỉ hưu. Học bổng không nhiều nhưng với em, nó có giá trị tinh thần rất lớn!”.
Năm học 12, Linh được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn của trường và đã đoạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Với sở thích nghiên cứu văn hoá Việt Nam, Linh “mong muốn sẽ học tập tốt để bước tiếp trên con đường của ba, để không phụ lòng những người đã tin tưởng, động viên em suốt thời gian qua, để ba mẹ thấy tự hào và hãnh diện”. Sắp tới, Linh dự định sẽ tìm một việc làm thêm để phụ mẹ và tự trang trải phần nào chi phí học tập ở đại học bởi một suất lương giáo viên của mẹ (mẹ Linh là giáo viên Trường THCS Hùng Vương) nuôi 2 chị em ăn học chật vật quá...
Bài và ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn tất việc đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Dù chưa hết thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5) nhưng theo ghi nhận, học sinh lớp 12 các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất việc đăng ký. Các trường cũng giao cho giáo viên chủ nhiệm phối hợp với tổ hỗ trợ hướng dẫn học sinh trong quá trình đăng ký dự thi.

Hoàn tất việc đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Cha mẹ cần theo sát và định hướng con trên không gian mạng

Từ thành thị đến nông thôn, trẻ em được ba mẹ cho sử dụng điện thoại để truy cập internet là điều khá phổ biến hiện nay. Nhưng theo sát và định hướng con trong quá trình con tiếp cận với những trang mạng xã hội là điều không phải cha mẹ nào cũng chú tâm. Để rồi, có những hệ lụy không mong muốn đã xảy ra...

Cha mẹ cần theo sát và định hướng con trên không gian mạng
Return to top