ClockThứ Bảy, 02/01/2021 15:28

“Gánh nước lên non”

TTH - Khoảng cách chênh lệch giữa đô thị - nông thôn đang ngày càng xích lại khi chất lượng sống được nâng cao, trong đó có tỷ lệ người dân dùng nước sạch.

Cấp nước xuyên suốt & an toàn trong mùa mưa lũĐảm bảo an ninh nước trong mưa bãoHueWACO sẻ chia cùng cộng đồng

Thi công tuyến D1200 Quảng Tế

“Yên cái bụng”

Hội nghị về nước của Liên Hợp quốc (năm 1997) thống nhất “Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế- xã hội đều có quyền tiếp cận nước sạch với số lượng và chất lượng bảo đảm cho các nhu cầu cơ bản của mình”. Quan điểm này đang dần được hiện thực hóa khi những dòng nước sạch đã và đang phủ khắp từ những vùng bãi ngang ven biển đến vùng cao Nam Đông, A Lưới.

Từng một thời ám ảnh bởi nỗi lo nước sạch, người dân quê tôi (Điền Hải, Phong Điền) quanh năm đi gánh nước mội (nước ngầm chảy từ độn cát) về sử dụng cho sinh hoạt. Với một xã bãi ngang trước mặt là đầm phá Tam Giang, sau lưng là những trảng cát dài ven biển, muốn lên thành phố phải đi đò ngang vượt phá, việc đưa nước sạch về quả thực khó khăn.

Ông Châu Ngọc Long, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) nhớ lại, đưa nước về vùng Ngũ Điền (Phong Điền) quả thật không hề dễ. Dự kiến ban đầu của HueWACO sẽ đưa hệ thống đường ống qua phá nối từ Nhà máy nước Hòa Bình Chương qua Điền Lộc để cấp cho các xã Ngũ Điền và Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền), Hải Dương (Hương Trà). Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần kinh phí rất lớn.

Vận hành nước tại Nam Đông

Sau một thời gian nghiên cứu, HueWACO xây dựng phương án đưa đường ống từ Sịa vượt phá. Đường ống sẽ không đi đường vòng như trước mà chỉ cần đưa đường ống với chiều dài tầm 6km, trong đó 2,8km vượt phá. Với phương án này, không cần xây dựng các trạm tăng áp và kinh phí chỉ mất 6,4 tỷ đồng thay vì 60 tỷ đồng như phương án ban đầu; thời gian thi công cũng ngắn hơn nhiều. Đầu năm 1999, người dân Ngũ Điền chính thức có nước sạch.

Tiếp theo dự án (DA) băng phá, nước sạch lại băng rừng đến với đồng bào vùng cao Nam Đông, A Lưới, thay đổi dần tập quán sử dụng nguồn nước tự nhiên của người dân nhất là đồng bào dân tộc.

Ông Trần Đình Gơn, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông chia sẻ: “Chúng tôi bao đời nay vẫn dùng nước suối trong sinh hoạt. Dù biết nguồn nước này ô nhiễm vì thuốc trừ sâu, vì chăn thả gia súc… nhưng vẫn phải “bấm bụng” sử dụng. Nay nước sạch đã đến tận nhà, chỉ cần mở vòi là có nước, bà con ai cũng yên cái bụng”.

Như ông Tà Rương Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hữu, Nam Đông nói: Lâu nay người dân chỉ uống nước khe, suối không đảm bảo an toàn nên tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới của địa phương chưa thể hoàn thành. Hiện, công tác lắp đặt nước đang được triển khai, người dân cũng đầu tư hệ thống hố xí hợp vệ sinh. Nhờ đó, dự kiến trong năm sẽ hoàn thành tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường tiến tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

92% dân số toàn tỉnh sử dụng nước sạch

Theo ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO, những năm 2000, tỉnh chủ trương tập trung nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (CTMTQG) nối mạng nước máy đô thị về nông thôn. Lúc bấy giờ, toàn tỉnh chỉ có 35% dân số sử dụng nước sạch, chủ yếu cấp nước đô thị. Nhờ lồng ghép vốn CTMTQG (35%) với vốn đầu tư của HueWACO (35%) và Nhân dân đóng góp 30%, tỷ lệ cấp nước nông thôn dần được cải thiện.

HueWACO triển khai thực hiện DA nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước toàn tỉnh không phân biệt đô thị và nông thôn từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, 364 tỷ đồng đầu tư về khu vực nông thôn, chiếm 48% giá trị của DA. DA khi hoàn thành đã đưa vào sử dụng 700 km (100%), áp lực nước trên toàn mạng tăng thêm từ 0,5 bar lên 1,8-2,4 bar, cấp nước thêm gần 90.000 người, nhất là vùng nông thôn.

Với 3 vùng cấp nước là Nam Đông, A Lưới, Chân Mây không đưa được vào DA ADB để vay vốn do suất đầu tư những vùng này rất cao nhưng hiệu quả kinh tế thấp. HueWACO đề xuất UBND tỉnh đưa các DA cấp nước của 3 vùng này vào chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017- 2020 và 2021-2025. Năm 2020, HueWACO đầu tư xây dựng Nhà máy nước Thượng Long công suất 2.000 m³/ngày đêm với tổng mức đầu tư 50,8 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn đối ứng của HueWACO là 7,3 tỷ đồng.

Để kịp thời giải quyết nhu cầu cấp thiết về nước sạch cho người dân trong khi chờ Nhà máy Thượng Long đi vào vận hành, HueWACO đề nghị UBND huyện Nam Đông bàn giao và nâng cấp hạ tầng cấp nước nông thôn tại Hương Hữu, Thượng Nhật. Đầu tư lắp đặt tạm thời 2 trạm xử lý nước cơ động cấp nước cho 1.100 hộ dân trong thời gian chờ DA Nhà máy nước Thượng Long đi vào vận hành.

Đến nay, HueWACO cấp nước cho 92% dân số toàn tỉnh với gần 5.000 km đường ống, không phân biệt đô thị và nông thôn.

100% dân số toàn tỉnh được cấp nước vào năm 2022

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, phải hoàn thành cấp nước cho 100% dân số toàn tỉnh. Tại buổi làm việc với các sở ngành liên quan về kế hoạch cấp nước năm 2021 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu đến hết năm 2022, 100% dân số trên toàn tỉnh sẽ được sử dụng nước sạch.

Mục tiêu trên không hề dễ thực hiện khi vẫn còn 8% dân số toàn tỉnh với hơn 22.700 hộ dân chưa tiếp cận nước sạch, tập trung chủ yếu ở huyện A Lưới. Trong khi hiện trạng hạ tầng cấp nước tại khu vực nông thôn chủ yếu được tiếp nhận lại từ các DA cấp nước sạch nông thôn có chất lượng không đảm bảo, công suất nhỏ, không đảm bảo cấp nước bền vững an toàn, an ninh nước cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo ông Hân, dù đã đầu tư khá nhiều cho cấp nước nông thôn thông qua các DA đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017- 2020 113 tỷ đồng và 2021-2025 133 tỷ đồng nhưng việc phân bổ vốn đầu tư công vẫn chưa đảm bảo. Đơn cử, kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2017-2020 kế hoạch tỉnh sẽ bố trí 113 tỷ đồng đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước nhưng đến nay mới chỉ phân bổ 44 tỷ đồng.

Để đảm bảo mục tiêu cấp nước an toàn, bền vững cho 100% dân số toàn tỉnh, ngoài sớm thực hiện các DA đầu tư công trung hạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 133,927 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 99,016 tỷ đồng (73,9%), vốn HueWACO 34,911 tỷ đồng (26,1%), nâng tỷ lệ người dùng nước sạch lên 95%. Tỉnh cần bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư công thêm 198 tỷ đồng (vốn ngân sách 144 tỷ đồng) nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước, trong đó riêng khu vực A Lưới cần thêm khoảng 103 tỷ đồng (vốn ngân sách 91 tỷ đồng).

“Để đảm bảo cấp nước 100% dân số toàn tỉnh đến năm 2022 như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh cần nguồn vốn 465 tỷ đồng trong đó nguồn vốn ngân sách 365 tỷ,  vốn của công ty 109 tỷ đồng”, ông Hân cho biết.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024
Lo chuyện nước

Gần đây, Thừa Thiên Huế đã đổi thay trên mọi lĩnh vực; trong đó các chỉ số về cuộc sống và môi trường tăng lên. Đây là một trong những chỉ số đáng tự hào của người dân địa phương khi Huế đã xanh hơn, sạch và đẹp hơn, hấp dẫn bao du khách gần xa.

Lo chuyện nước
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khang Võ - Đơn vị tư vấn và thi công thiết bị bếp công nghiệp uy tín

Thiết bị bếp công nghiệp là những sản phẩm không thể thiếu trong các bếp ăn công nghiệp. Tất cả các sản phẩm thiết bị bếp được sản xuất chính hãng sẽ đảm bảo mang lại năng suất hiệu quả cao. Công ty Khang Võ là đơn vị tư vấn và thi công thiết bị bếp công nghiệp uy tín được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn hiện nay.

Khang Võ - Đơn vị tư vấn và thi công thiết bị bếp công nghiệp uy tín
Return to top