ClockChủ Nhật, 15/05/2022 16:14

Cha mẹ phải là chỗ dựa tinh thần tin cậy cho con

TTH - Học sinh ở độ tuổi vị thành niên bắt đầu có những rung động đầu đời, nhưng chưa đủ khả năng để xử lý khi rắc rối xảy ra. Các em cần sự đồng hành của phụ huynh và giáo viên.

Một cách dạy conLắng nghe con trẻ

Các em cần được cung cấp kiến thức về giới tính trong trường học (ảnh minh họa)

Yêu sớm - ảnh hưởng học tập, sức khỏe, tinh thần

Em Trần Văn M., học sinh lớp 8 Trường THCS H. kể, giữa năm học em thích một bạn gái cùng lớp. Ngồi học không tập trung, lúc nào cũng muốn nhìn về bên bạn, muốn nắm tay khi gần gũi... Nhưng em rất sợ thầy, cô và gia đình phát hiện, vì lúc nào mẹ em cũng cho rằng mới “nứt mắt” mà bày đặt yêu đương.

Cũng theo M., trong lớp, rất nhiều bạn có người yêu, quen trong lớp cũng có, khác lớp, khác trường cũng có, thậm chí quen biết nhau trên mạng xã hội với những nick name ảo, không rõ lai lịch...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh THCS và THPT yêu sớm, như: Do các em học sinh sớm ý thức được về sự phát triển giới tính; ảnh hưởng của không gian mạng, đặc biệt là các dạng ấn phẩm giải trí không lành mạnh; học sinh chịu áp lực từ học tập, thiếu các hoạt động ngoại khóa, vì quá căng thẳng khiến các em tìm đến tình yêu để giải tỏa sự căng thẳng; giáo dục giới tính vẫn chưa được triển khai một cách bài bản và thường xuyên.

Thực tế có khá nhiều bạn thể hiện tình cảm với nhau ngay trong lớp học. Có cặp đôi, cô vào lớp vẫn ngồi thân mật, cầm tay nhau, khi cô yêu cầu mới chịu bỏ ra. Mới đây, hiệu trưởng của một trường THCS ở TP. Huế tiết lộ, camera được lắp quanh khuôn viên trường nhưng thỉnh thoảng vẫn phát hiện ra có “cặp đôi” kéo nhau vào góc khuất để... hôn nhau.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý & Giáo dục (Trường ĐHSP – Đại học Huế), học sinh THCS và THPT xuất hiện tình yêu sớm đang là vấn đề khiến cho cha mẹ, thầy, cô giáo và nhà trường lo lắng. Trên thực tế, khi các em định hướng sai đã dẫn đến những hệ lụy không tốt cho sự phát triển giới tính ở giai đoạn này, như mang thai ngoài ý muốn, lây nhiễm các bệnh tình dục, sa sút về học tập, mất tập trung… Cá biệt có nhiều trường hợp lạm dục thuốc tránh thai, hoặc đến các cơ sở y tế không đạt chuẩn để nạo, phá thai và dẫn đến tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản trong tương lai của các em.

Theo cô Trần A. D., giáo viên chủ nhiệm lớp 9, có nhiều phụ huynh khi được thông báo việc các cháu có người yêu, không chú tâm học hành thì mới “ngã ngửa” vì cứ nghĩ con mình chỉ cắm đầu vào học. Có nhiều cách để khuyên nhủ, dẫn dắt học trò đi vào con đường đúng đắn, nhưng không phải là mắng mỏ hay quát tháo, dọa dẫm các em. Đôi khi, chỉ cần một thái độ đồng cảm của giáo viên cũng giúp các em giữ được thăng bằng sau khi chia tay những mối tình học trò, cô D. chia sẻ.

Làm bạn cùng con

Chị Trần Ngọc A. ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế) trải lòng, con tôi học lớp 10 và con đã biết yêu. Cháu thích một chị học lớp 11 vì bảo thích người chững chạc. Sau khi trò chuyện cùng con, tôi nghĩ nên  ủng hộ và theo sát con, còn hơn mù tịt không biết con làm gì, nghĩ gì.

Đã có biết bao câu chuyện đau lòng, chỉ vì cha mẹ ứng xử không khéo. Ở lứa tuổi thích chứng tỏ mình, các em khi bị ngăn cấm sẽ phản kháng bằng những hành động dại dột. Từ những điều đó, học sinh sẽ hình thành bức tường bảo vệ mình, không chia sẻ với ba mẹ, lén lút yêu đương. Nhớ một lần, tôi gặp em Nguyễn Ngọc N. khi được mẹ dẫn đến bác sĩ tâm lý để tư vấn. Bà mẹ trẻ vẫn còn thất thần chứng kiến cặp mắt vô hồn của con khi nói chuyện với bác sĩ. Chị kể, cháu mới lớp 7 đã yêu một bạn cùng lớp học. Sợ con yêu đương sớm để lại hậu quả nên chị đã phản đối kịch liệt để cháu bỏ cuộc. Không ngờ con sốc dẫn đến trầm cảm nặng và tự hủy hoại bản thân...

Theo TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, khi phát hiện con yêu sớm, cha mẹ cần bình tĩnh. Không đoán già, đoán non hoặc tưởng tượng tình huống yêu đương của con, tránh hình dung điều tệ hại. Trước tiên, hãy tìm hiểu mối quan hệ của con và đối phương để biết con đang yêu ở mức nào, chỉ là nắm tay hay đã thân mật hơn... Tìm hiểu mục tiêu học tập và quan điểm sống của cả hai bên rồi hướng dẫn con cách yêu đương lành mạnh, định hướng giá trị sống. Bình tĩnh để trở thành chỗ dựa tin cậy của con. Bình tĩnh để giúp con vượt qua những thương tổn, đổ vỡ trong tình yêu... Dù rằng, làm cha mẹ bình tĩnh vốn chẳng dễ chút nào.

Cần những phòng tư vấn

Nhớ lại chuyện một học trò trường mình bị một thanh niên lớn tuổi lừa tình, TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng vẫn còn lo sợ. “Cô bé đã bị một thanh niên lừa vào nhà nghỉ với lý do để chụp ảnh làm người mẫu. Cũng may em đã quyết liệt phản ứng, nhưng sau đó em liên tục bị đe dọa. Trong bí bách, em đã gọi điện thoại đến chúng tôi cầu cứu...

Nếu như trước đây, học sinh tìm đến tổ tư vấn thường chỉ để tư vấn nghề nghiệp thì bây giờ các em có nhu cầu tư vấn tâm lý ở tuổi mới lớn. Trường THPT Hai Bà Trưng có tổ tư vấn tâm lý lên đến 60 người, không chỉ phục vụ các em trong trường  mà từ điện thoại được công khai rộng rãi, học sinh ở các trường lân cận cũng gọi đến để được giải tỏa tâm lý. Nhiều em thừa nhận, các em không biết cân bằng giữa việc học và yêu, làm cách nào để duy trì tình yêu khi bố mẹ cấm đoán; làm thế nào khi bạn trai muốn vượt giới hạn và cả những cách thức giúp các em thoát khỏi nguy hiểm khi bị kẻ xấu lợi dụng, tấn công.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, các trường cần phải chú trọng hơn nữa trong công tác giáo dục giới tính, để định hướng cho học sinh trong việc chăm sóc bản thân và ứng phó với sự thay đổi cơ thể ở giai đoạn phát triển dậy thì. Đặc biệt là mời các chuyên gia về tâm lý, các bác sĩ chuyên khoa để hỗ trợ tư vấn cho các em. Gia đình và nhà trường thường xuyên phải có sự trao đổi thông tin, nắm bắt những biểu hiện khác thường của học sinh để kịp thời đưa ra giải pháp xử lý. Các trường THCS và THPT cần phải phát huy hiệu quả của các phòng tư vấn trong trường, để khi các em gặp khó khăn trong vấn đề tình bạn khác giới sẽ được hỗ trợ kịp thời.

Cấm đoán con sử dụng mạng xã hội, không dùng điện thoại… đã không còn phù hợp. Tương tự như vậy, việc yêu sớm ở tuổi học trò đã được các chuyên gia chỉ ra với những phân tích cụ thể, đó là một phần biểu hiện của những thay đổi tâm sinh lý theo từng độ tuổi, có thể khác nhau với mỗi người. Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình bằng cách thường xuyên trò chuyện, quan sát những hành động, lời nói, thậm chí biểu hiện của con. Để từ đó, nhận ra những khác lạ trong suy nghĩ, nhận thức của con nhằm có định hướng phù hợp.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm bạn cùng con tuổi teen

Bạn sẽ làm gì khi con nói dối; khi con yêu sớm; khi con không vâng lời; khi con mất kết nối... Rất nhiều tình huống khó đã được đặt ra tại buổi chia sẻ “Làm bạn cùng con tuổi teen” với hai diễn giả đến từ ngành giáo dục.

Làm bạn cùng con tuổi teen
“Mẹ đừng lo lắng!”

Có lần, khi tôi bế mẹ từ giường ra nhà tắm, đặt mẹ lên tấm xốp mềm để chuẩn bị tắm rửa cho mẹ, thấy mẹ có vẻ rất hoang mang.

“Mẹ đừng lo lắng ”
Học làm cha mẹ

Được triển khai từ đầu năm 2024, lớp tập huấn “Làm cha mẹ tích cực” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh triển khai đón nhận nhiều sự ủng hộ và tín hiệu tích cực từ người lao động cấp cơ sở.

Học làm cha mẹ
Cha mẹ đồng hành cùng con

Nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội “Phụ nữ Thừa Thiên Huế trên hành trình khởi nghiệp xanh và chuyển đổi số”, chiều 28/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Ngày hội “Cha mẹ đồng hành cùng con” năm 2024.

Cha mẹ đồng hành cùng con
Cha mẹ cần theo sát và định hướng con trên không gian mạng

Từ thành thị đến nông thôn, trẻ em được ba mẹ cho sử dụng điện thoại để truy cập internet là điều khá phổ biến hiện nay. Nhưng theo sát và định hướng con trong quá trình con tiếp cận với những trang mạng xã hội là điều không phải cha mẹ nào cũng chú tâm. Để rồi, có những hệ lụy không mong muốn đã xảy ra...

Cha mẹ cần theo sát và định hướng con trên không gian mạng
Return to top