ClockThứ Năm, 25/06/2020 14:15

Giàu nhờ nuôi vịt

TTH - Sau những năm trồng lúa, anh Cao Bá Quốc (xã Lộc An, Phú Lộc) chuyển hướng kết hợp nuôi vịt đàn.

Gia cầm tăng giáNuôi vịt không nghèo

Anh Cao Bá Quốc kiểm tra trọng lượng vịt nuôi để bán cho thương lái

Trang trại của anh Quốc (thôn Châu Thành, Lộc An) - một trang trại vịt tổng hợp nằm giữa vùng đồng chiêm trũng.

Bước ngoặt đổi đời từ sau năm 2000, anh Quốc chuyển nơi ở cũ (thôn Bắc Hà, Lộc An) sang thôn Châu Thành bây giờ, nơi vùng đất chưa mưa đã ngập lụt và không điện, không đường để lên kế hoạch nuôi vịt.

Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Quốc gặp vô vàn khó khăn không chỉ địa hình mà còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Để biến quỹ đất khó ở Châu Thành trở thành đất sinh lợi như bây giờ là điều không tưởng.

Anh Quốc chia sẻ, thời điểm ấy, anh đã “đổ” không biết bao nhiêu công sức để gầy dựng trang trại vịt đàn, như mở đường, đào hồ, làm lán trại... Để tiết kiệm chi phí thức ăn cho đàn vịt (khoảng 1-2 trăm con), không kể nắng mưa, anh Quốc thường lùa vịt ra các cánh đồng trong, ngoài xã khi lúa đã gặt xong.

Với anh bữa ăn trưa giữa đồng với nắm cơm nguội hay gói mì tôm là chuyện thường ngày. Vất vả nhưng có đồng ra đồng vào nên vợ chồng anh cũng chịu khó. Lãi từ lứa vịt này, anh đầu tư nuôi lứa vịt khác. Đến năm 2010, vợ chồng mở rộng quy mô nuôi lên 2 lứa/năm, gần 3 nghìn con; trong đó có hơn 1 nghìn vịt đẻ; đồng thời làm khoán 3 mẫu ruộng để ổn định lương thực cho gia đình và đàn vịt.

Công việc đồng áng đan xen nuôi vịt đàn của anh Quốc thuận lợi dần, mỗi ngày thức dậy là có tiền bỏ túi.

Khi tôi nhắc câu nói người xưa: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, anh Quốc cười cho rằng có phần đúng.

Theo anh, để khá lên nhờ vịt cũng lắm gian truân, đòi hỏi người nuôi phải chịu khó và nhìn xa trông rộng. Anh Quốc đơn cử như chuyện anh nhân rộng đàn vịt đẻ cũng là điểm nhạy bén với thị trường.

Đó là thời điểm thấy bà con nói dạo này nguồn trứng nhiều nơi không rõ nguồn gốc tràn lan, người tiêu dùng không yên tâm, anh nảy ra ý định sản xuất trứng vịt. Sau mấy tháng tìm tòi học hỏi, anh đã gây được đàn vịt đẻ hơn 1 nghìn con. Hành trình đó hao tốn nhiều công sức, tiền bạc bởi khâu chọn giống tốt, đẻ khỏe vô cùng khó khăn.

Gần 3.000 con vịt giống nuôi trưởng thành, sau đó chọn những con vịt mái giữ lại để nuôi tiếp tầm 8-10 tháng nữa để cho đẻ trứng. Thời gian đầu, chúng cho trứng không đều, có hôm chỉ thu chưa đến 1 trăm quả, chất lượng lại không đồng đều. Anh tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để khắc phục bằng cách tăng cường các loại thức ăn đủ chất dinh dưỡng mà vịt ưa thích, như lúa trộn với cám cùng ốc đồng đập nhỏ. Sau đó đàn vịt bắt đầu đẻ đều và trứng cũng to hơn, có ngày chúng đẻ đạt 80%, gần 800 quả.

Có thời điểm đàn vịt mắc dịch bệnh chết hàng loạt không thể cứu chữa kịp thời nhưng anh không nản, dồn vốn liếng để nuôi tiếp. Kinh nghiệm sau những lần thất bại của anh là chia thành nhiều đàn vịt, mỗi đàn có một ao để chúng bơi và tắm vì vịt là loài ưa bơi lội và cũng để tăng thêm dinh dưỡng khi chúng ăn những sinh vật nhỏ trong ao. Các ao cách nhau và thường xuyên được thay nước nhờ có con sông gần đó. Ngoài ra, phải chú ý đến hệ thống chuồng thoáng mát và tiêm phòng cho vịt...

Dẫn chúng tôi thăm khu chăn nuôi vịt được xây dựng quy củ, gồm có nhà kho, chuồng trại ươm giống, sân, máng ăn, rãnh thoát nước và tủ thuốc thú ý..., anh Quốc cho biết, hiện gia đình anh đang nuôi 8.500 con vịt thịt và gần 3 nghìn con vịt đẻ. Để có nguồn giống tốt, anh ra Hà Nội chuyển về thuê công chăm sóc, tiêm phòng; sau đó chuyển sang các trại nuôi.

Riêng vịt nuôi thịt lúc nào cũng có cung cấp cho thương lái, giá 60-70 nghìn đồng/kg. Còn nguồn vịt đẻ, trong năm cho trứng với thời gian không dưới 4 tháng, bình quân mỗi ngày đàn vịt đẻ từ 2.000-2.100 trứng; mỗi trứng bán ra ở trại là 2-2,3 nghìn đồng, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, như tiền thuê nhân công, thức ăn..., bình quân mỗi năm gia đình anh lãi không dưới 300 triệu đồng.

Ông Lại Đình Cẩm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Châu Thành, Lộc An, Phú Lộc cho biết, anh Cao Bá Quốc hiện nay không chỉ là điển hình làm giàu ở huyện Phú Lộc mà còn là người đi đầu hỗ trợ giúp đỡ kinh nghiệm chăn nuôi cho người dân địa phương. Tham vọng của anh Quốc sắp đến sẽ xây dựng mô hình cung cấp vịt giống, vịt thịt và trứng cho các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
Return to top