ClockThứ Ba, 15/03/2016 10:10

Hỗ trợ người nộp thuế thuận lợi trong quyết toán thuế

TTH - Lần đầu tiên, Cục Thuế Thừa Thiên Huế tổ chức Tháng hành động hỗ trợ người nộp thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, dự kiến diễn ra từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4/2016. Xung quanh hoạt động này, bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế cho biết:

Chúng tôi đã triển khai khá nhiều chương trình hỗ trợ người nộp thuế, song đây là lần đầu tiên với pháp luật thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp. Triển khai hoạt động này, chúng tôi mong sẽ góp phần giải quyết hiệu quả, nhanh gọn các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp trong việc quyết toán thuế. Đồng thời, hướng dẫn, giải thích cụ thể các chính sách pháp luật về thuế, cũng như lắng nghe, tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, góp ý của người nộp thuế để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thu ngân sách.

Bà Âu Thị Nguyệt Liên, (ngoài cùng, bên trái) hướng dẫn thủ tục quyết toán thuế cho người dân, doanh nghiệp

Thưa bà, tại sao lại là hỗ trợ người nộp thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp mà không phải là đối tượng nộp các loại thuế khác?

Bởi đây là thời điểm tập trung cao độ để quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. Đến 31/3/2016 sẽ là hạn cuối nộp tờ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2015. Tuy nhiên, nếu cá nhân có nhu cầu, Cục Thuế Thừa Thiên Huế và các chi cục trực thuộc sẽ tiếp tục nhận hồ sơ quyết toán thuế, song sẽ phải chịu phạt quá hạn thời gian quy định. Việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp kéo dài đến tháng 4/2016.

Phải chăng là do các loại thuế này có nhiều vướng mắc hơn các sắc thuế khác?

Không hẳn thế, nhưng nếu nói không có vướng mắc, phát sinh thì chưa đúng, nhất là với thuế thu nhập cá nhân.

Lâu nay, người nộp thuế cho rằng, thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân còn rườm rà, nhiêu khê. Việc kiểm tra sau khi nộp hồ sơ quyết toán đối với người nộp thuế đôi khi còn trở ngại, khiến một số hồ sơ chưa được giải đáp, hoàn thuế… Để giải quyết tất cả những vấn đề trên, chúng tôi tổ chức Tháng hành động hỗ trợ người nộp thuế để giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn khi hoàn thuế.

Bà có thể nói rõ hơn về hoạt động này?

Chúng tôi đã chuẩn bị các bộ bàn máy vi tính kết nối internet, mạng dùng chung và cài đặt phần mềm cần thiết để hỗ trợ người nộp thuế. Trong thời gian diễn ra Tháng hành động, người nộp thuế có thể đến cơ quan thuế để hỏi, tìm hiểu thông tin. Tất cả các thắc mắc, khó khăn sẽ được chúng tôi hỗ trợ. Các máy vi tính đã cài đặt sẵn phần mềm, chỉ cần đem hóa đơn hoặc cung cấp họ tên, địa chỉ, cơ quan công tác…, cán bộ của chúng tôi sẽ tra cứu, hướng dẫn kê khai để hoàn thuế.

Thuận lợi hơn nữa là lần này, chúng tôi phối hợp với các đại lý thuế giúp người dân, doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục quyết toán thuế. Xin nói thêm, đại lý thuế hoạt động như một công ty chuyên cung cấp dịch vụ, tư vấn thuế. Người nộp thuế phải chịu một khoản kinh phí để được tư vấn, làm thay các hồ sơ về thuế. Trong thời gian diễn ra tháng hành động, đại lý thuế chắc chắn có khuyến mãi đối với một số cá nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì thế nào?

Chúng tôi triển khai song hành cùng với thuế thu nhập cá nhân là bởi về cơ bản đều là quyết toán thuế. Vừa hỗ trợ, vừa để lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện việc chính sách pháp luật thuế. Cũng như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tồn tại nhiều vấn đề và chủ yếu là còn nhiều chính sách chưa đến được với người nộp thuế.

Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ý tôi là, còn rất nhiều chính sách thuế mà người dân, doanh nghiệp chưa nắm bắt, chưa hiểu hết. Tôi lấy ví dụ, rất nhiều người nộp thuế cho rằng, việc quyết toán thuế chủ yếu là để hoàn lại số tiền mình đã đóng quá quy định. Thực tế không phải vậy. Đó mới chỉ một mặt của vấn đề. Việc chấp hành chính sách pháp luật thuế là nghĩa vụ bắt buộc đối với người có thu nhập chịu thuế. Nếu cơ quan chi trả chưa trừ đủ số tiền thuế phải nộp thì người nộp thuế có nghĩa vụ phải quyết toán để nộp thêm số tiền còn thiếu, chứ không có nghĩa là chưa trừ đủ là không cần nộp.

Tức là người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp số thuế còn thiếu mà không đợi cơ quan thuế nhắc nhở?

Đúng thế, nếu thu nhập của người nộp thuế khoảng 300 triệu đồng, nhưng chỉ mới đóng thuế 200 triệu đồng, 100 triệu đồng còn lại chưa đóng, dù là do kế toán cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa trừ nhưng nghĩa vụ của người nộp thuế phải quyết toán để nộp đủ tiền thuế. Nếu không, khi thanh kiểm tra, nếu phát hiện người nộp thuế chưa thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, người nộp thiếu không chỉ bị xử phạt hành chính, truy thu số tiền còn thiếu mà còn bị tính cả tiền lãi theo ngày tháng quá hạn.

Tôi ví dụ, nếu anh A nộp thiếu 1 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm, khi bị truy thu, ngoài bị phạt 750 ngàn đồng, cộng với 1 triệu đồng truy thu, còn bị xử phạt nộp thêm phí… Tính ra tất cả cũng vài triệu đồng. Vì thế, chúng tôi tổ chức Tháng hành động hỗ trợ người nộp thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp nhằm giải thích cho người dân, doanh nghiệp rõ hơn về các chính sách thuế. Đây cũng là cách chúng tôi đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong năm 2016.

Vậy tại sao ngành thuế không hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên mà phải định kỳ mới thanh, kiểm tra để xử phạt - thưa bà?

Quy định của Nhà nước là cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan… đều phải tự kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn, nếu không chấp hành chính sách pháp luật thì sẽ bị xử lý. Tất cả đều đã có quy định. Ví như Luật Giao thông, hay bất cứ bộ luật nào, Nhà nước đã ban hành thì người dân có nghĩa vụ chấp hành, thực hiện, chứ không phải đợi kiểm tra, xử phạt mới thực hiện.

Xin cảm ơn bà!

TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”

TIN MỚI

Return to top