ClockThứ Năm, 16/01/2020 05:45

Hỗ trợ sinh kế để bảo tồn thiên nhiên

TTH - Dự án Trường Sơn Xanh (DA TSX) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ mô hình sinh kế, phát triển du lịch sinh thái (DLST) cộng đồng; tập huấn và hỗ trợ trang thiết bị ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) cho người dân.

Hỗ trợ sinh kế để bảo vệ rừng

Chế biến các món ăn dân dã đậm chất văn hóa A Nôr

Khởi sắc A Nôr

Thôn A Nôr, xã Hồng Kim đã khoác lên diện mạo mới từ mô hình DLST cộng đồng - hướng phát triển sinh kế bền vững. Ông Hồ Văn Duy, người dân tham gia mô hình vui mừng vì đã biết làm du lịch, phát triển sinh kế. Hộ ông Duy và các hộ Lê Quang Nhuận, Hồ Thị Trâm… được DA TSX hỗ trợ thiết bị cho mô hình kinh doanh lưu trú tại nhà dân (homestay).

Thôn A Nôr vốn nổi tiếng với thác A Nôr ba tầng, đập Tà Rê và còn mang đậm nét văn hóa của người Pa Kô như tục xông răng bằng lá dân gian, gội đầu bằng lá rừng ngay tại thác...

Trước đây, người dân Anor chủ yếu sống dựa vào rừng. Tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép và săn bắt động vật hoang dã diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, DA TSX đã lựa chọn thôn A Nôr, xã Hồng Kim để xây dựng mô hình thí điểm DLST dựa vào cộng đồng nhằm hỗ trợ sinh kế, góp phần giảm áp lực sinh sống dựa vào rừng.

Khoảng 30 học viên (60% nữ giới) là cán bộ cấp huyện, xã, trưởng thôn và thành viên ban quản lý mô hình DLST đã tham gia các lớp tập huấn về định hướng DLST cộng đồng và kỹ năng quản lý, vận hành điểm du lịch. Nổi bật là kỹ năng trình diễn văn nghệ truyền thống, homestay; tiếp đón khách, hướng dẫn du lịch và kỹ năng marketing du lịch; quảng bá điểm đến nhằm đảm bảo các nhóm DLST cộng đồng có thể tự vận hành sau khi hoàn thành mô hình thí điểm.

DA TSX kêu gọi các đơn vị tư nhân và cộng đồng địa phương đóng góp kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại địa phương. DA cung cấp và thay mới trang thiết bị cho ba homestay; hỗ trợ cải tạo cảnh quan, nâng cao dịch vụ du lịch như: trang bị xe đạp leo núi, dụng cụ sơ cấp cứu, bảo hộ và các trang thiết bị phục vụ trình diễn nghệ thuật.

Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam VCTC đã hỗ trợ nâng cấp và xây mới nhiều nhà vệ sinh, sân vườn và hệ thống thoát nước thải. Cộng đồng địa phương đóng góp vật liệu, công lao động tham gia trồng cây cảnh quan và vệ sinh vườn nhà, thôn bản. Mới đây, chính quyền địa phương đã đầu tư 3,2 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp đường giao thông vào điểm du lịch và bãi để xe... DA TSX phối hợp với Sở Du lịch đã tổ chức khai trương điểm DLST cộng đồng A Nôr.

Nhiều hỗ trợ thiết thực

Chuyên gia BĐKH - DA TSX, ông Phạm Thành Nam đánh giá, Thừa Thiên Huế là một trong các tỉnh thường xuyên chịu tác động của thiên tai xảy ra hàng năm, các loại thiên tai ngày càng nặng nề hơn dưới tác động của BĐKH. DA TSX tổ chức nhiều hoạt động tập huấn ứng phó khẩn cấp cho các đội ứng phó thiên tai cộng đồng tại 5 xã vùng ven biển, đầm phá. DA còn hỗ trợ cung cấp trang thiết bị cảnh báo sớm thiên tai như các phương tiện truyền thông, hệ thống cảnh báo lũ và các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để chính quyền và cộng đồng chuẩn bị ứng phó hiệu quả khi thiên tai xảy ra.

Chương trình hợp tác “ba bên” giữa DA TSX, Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua các chương trình khởi nghiệp, phát triển "chuỗi giá trị" và tiếp cận tài chính được triển khai từ tháng 4/2019. DA hướng đến hai đối tượng chính là ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc hệ thống nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm giúp tăng cường năng lực quản lý nguồn vốn vay ủy thác. Nhóm đối tượng thứ hai là những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, chủ yếu phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển các hoạt động sinh kế, mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi làm “đòn bẩy” phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay, DA đã tổ chức 140 lớp tập huấn về quản lý nguồn vốn vay ủy thác cho 3.500 người (58% là nữ) là thành viên ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, 43 lớp tập huấn về kỹ thuật nông, lâm nghiệp và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho 1.400 người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Kết quả đánh giá sau tập huấn, hơn 95% người tham gia hiểu biết đầy đủ về các nội dung được tập huấn và có khả năng áp dụng trong thực tiễn.

DA TSX hỗ trợ triển khai 17 sáng kiến, đề xuất nhằm cải thiện sinh kế, gắn liền với mục tiêu quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải. Những người sống phụ thuộc vào rừng, người nghèo, người dân tộc thiểu số được khuyến khích và tạo cơ hội để tham dự các lớp tập huấn, hội thảo liên quan đến quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học. Đã có 11.682 người, trong đó 48% phụ nữ và 42% người dân tộc thiểu số được tập huấn và áp dụng các kiến thức, kỹ năng được học trong quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học…

DA TSX do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Từ năm 2016-2020, DA đã tài trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế tổng vốn 10 triệu đô-la Mỹ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường;  triển khai nhiều chương trình, hoạt động nâng cao tính bền vững về sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng; huy động các nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và khối tư nhân nhằm hỗ trợ các mô hình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch bảo tồn và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, bảo vệ thiên nhiên; hỗ trợ tăng cường năng lực ứng phó với tác động của BĐKH cho các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top