ClockThứ Năm, 17/12/2020 06:15
CHƯƠNG TRÌNH “MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM” GIAI ĐOẠN 2019-2020:

Hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra

TTH - Để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn, từ năm 2018, tỉnh đã rà soát, thống kê danh mục với hơn 100 sản phẩm có tiềm năng của các chủ thể kinh tế tham gia chương trình, là những sản phẩm chủ lực của trục sản phẩm địa phương cấp xã, mang đặc trưng khác biệt, có tính truyền thống tại địa phương và có khả năng phát triển thành hàng hóa.

Có giải pháp chiến lược, đột phá phục vụ mục tiêu phát triển bền vữngPhát triển sản phẩm OCOP ở Hương TràPhát triển hợp tác xã gắn với xây dựng chuỗi liên kết

Chương trình OCOP tạo sức lan tỏa, nâng giá trị nông sản

Nâng cao giá trị nông sản

Tại cửa hàng nông sản an toàn do Hội LHPN huyện A Lưới (thị trấn A Lưới) phối hợp với HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn xây dựng, có 3 sản phẩm đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh (CCQLCLNLTS, Sở NN&PTNT) công bố chuỗi sản phẩm nông sản an toàn, đó là sản phẩm thịt gà kiến, trứng gà và chuối A Lưới.

Đối với sản phẩm chuối A Lưới, từ tháng 9/2020, địa phương đã hoàn thiện hồ sơ để thông qua hội đồng của huyện đánh giá, gắn sao xếp hạng sản phẩm theo quy trình thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, trước đây người dân địa phương này trồng rất nhiều loại chuối. Tuy nhiên, để tìm ra giống chuối phù hợp, có triển vọng phát triển thị trường để đầu tư mở rộng diện tích, UBND huyện phê duyệt 6 xã trồng chuối, và giống được lựa chọn là chuối già lùn. Tổng diện tích hiện trồng tại địa bàn là 378 ha.

Trong đó, mô hình chuối già lùn cho hiệu quả cao, chiếm 115 ha. Bình quân mỗi năm, cho thu hoạch 280 tấn/ha. Sản lượng tổng thể trên địa bàn toàn huyện đạt gần 11.000 tấn, doanh thu khoảng 41 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp huyện, hiện các địa phương không trồng dàn trải như trước mà tập trung vào các xã có điều kiện phù hợp, chú trọng sản xuất theo mô hình công nghệ cao.

Nhờ có công bố chuỗi nông sản an toàn, hiện sản phẩm chuối già lùn A Lưới được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, có mặt tại nhiều cửa hàng trên địa bàn huyện và ở TP. Huế; đặc biệt, đã được chào hàng thành công với số lượng lớn tại Siêu thị Big C.

Cùng với sản phẩm chuối già lùn A Lưới, mô hình tổ liên kết nuôi gà kiến thịt và trứng gà kiến cũng vừa được triển khai trên địa bàn thị trấn A Lưới vào đầu năm 2018. Tổng cộng có 18 hộ dân đăng ký tham gia với quy mô vài nghìn con. Mô hình hiện đã được đăng ký chất lượng với CCQLCLNLTS.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành xây dựng “Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó có nội dung “Hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP”. Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ XI vào tháng 12/2020.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng CCQLCLNLTS cho biết, triển khai chu trình OCOP các cấp, từ năm 2019 đến 2020, có 34 chủ thể đăng ký tham gia chương trình với 36 sản phẩm. Hầu hết là các sản phẩm đã có, được hỗ trợ các dự án chuẩn hóa và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP.

Các nhóm sản phẩm đều thuộc các ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải, may mặc. 100% các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng tại cấp huyện, tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 13 sản phẩm 3 sao. Dự kiến, cuối năm 2020, tiếp tục đánh giá phân hạng cho 16 sản phẩm tham gia chu trình OCOP năm 2020.

So với mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2019-2020 đã vượt kế hoạch, về cả sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và sản phẩm phấn đấu 4-5 sao.

Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm OCOP, có 3 HTX, 2 tổ hợp tác được thành lập với mục đích huy động sức mạnh cộng đồng tham gia, liên kết phát triển (HTX mắm và nước mắm Tân Thành, HTX mắm và nước mắm Phú Thuận, HTX thủy sản Phú Hải, tổ hợp tác thịt bò A Lưới, tổ hợp tác bún Vân Cù). Các chủ thể kinh tế là HTX được đánh giá, phân hạng cao (4/4 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đều là HTX).

Ông Phạm Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thông tin, Thừa Thiên Huế là 1/12 tỉnh chỉ đạo điểm của Trung ương về Chương trình OCOP, theo đó có 4/26 sản phẩm được Trung ương lựa chọn phát triển thành sản phẩm 5 sao. Có 2 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (nước mắm và mắm làng nghề Tân Thành, nước mắm và mắm làng nghề Phú Thuận). 1 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ (mây tre đan Bao La) và 1 sản phẩm là dịch vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với vùng du lịch tại TP. Huế.

Đến nay, đã có 1 sản phẩm (mây tre đan Bao La) được đánh giá và phê duyệt phân hạng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao. Tỉnh lựa chọn, hỗ trợ và xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2020, tỉnh phân khai hơn 1,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và bố trí hơn 9,7 tỷ đồng từ kinh phí địa phương để hỗ trợ 3 chủ thể kinh tế thực hiện các dự án chuẩn hóa, nâng cấp sản phẩm với mục tiêu đạt sản phẩm 5 sao. Dự kiến hoàn thành dự án năm 2020 và tham gia đánh giá, phân hạng năm 2021.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top