ClockThứ Bảy, 25/06/2022 21:37

Khẳng định thương hiệu chợ Đông Ba

TTH - Cùng với dự án đầu tư nâng cấp, chỉnh trang chợ, thời gian qua, Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba triển khai nhiều giải pháp sắp xếp lại không gian kinh doanh, vận động tiểu thương trả lại diện tích lấn chiếm cơi nới lô quầy nhằm xây dựng chợ văn minh, thân thiện.

Tiểu thương đồng lòng “trả lại” lối đi chung ở chợ Đông BaRa mắt mô hình “Tiểu thương chợ Đông Ba văn minh - thân thiện và nói không với thực phẩm bẩn”Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các hạng mục nâng cấp chợ Đông Ba

Ban quản lý tiến hành đo đạc lại diện tích các lô hàng để chấm dứt tình trạng cơi nới, lấn chiếm

Tiểu thương đồng thuận

Sau thời gian khẩn trương sửa chữa, chỉnh trang các hạng mục ở lầu chuông trên, lầu chuông dưới, hệ thống mái tầng và một số hạng mục trong khuôn viên chợ, hiện khu vực lầu chuông trên cơ bản hoàn thành, bà con tiểu thương đã ổn định hoạt động kinh doanh mua bán trong “ngôi nhà mới”, khang trang và sạch sẽ hơn.

Cùng với việc nâng cấp hạ tầng chợ, thời gian qua, BQL đã tổ chức các cuộc họp bàn, vận động bà con tiểu thương sắp xếp lại không gian kinh doanh, trả lại diện tích trước đây lấn chiếm, cơi nới lô quầy buôn bán nhằm tạo lối đi thông thoáng, an toàn cho người dân và khách du lịch khi đến chợ.

Bà Bùi Thị Song Hỷ, ngành hàng tạp hóa cho rằng, sau mấy chục năm kinh doanh ở chợ, lần đầu tiên thấy chợ ngăn nắp, gọn gàng; các lối đi nội bộ trong khuôn viên thông thoáng, tạo không gian rộng rãi cho du khách tham quan, mua sắm và không lo nguy hiểm khi không may gặp sự cố cháy nổ.

Tiểu thương chợ Đông Ba quay trở lại kinh doanh sau thời gian sửa chữa, chỉnh trang chợ

Theo lãnh đạo BQL chợ Đông Ba, sau hàng chục năm các tiểu thương lấn chiếm diện tích, sắp xếp hàng hóa bên ngoài diện tích phân lô gây mất mỹ quan, thu nhỏ các lối đi nội bộ và rất nguy hiểm nếu như trên địa bàn chợ xảy ra các vụ cháy nổ, từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua các cuộc tiếp xúc, trò chuyện với bà con để tìm giải pháp xây dựng chợ văn minh thương mại, BQL đã tổ chức đo đạc, vận động bà con tiểu thương sắp xếp gọn gàng hàng hóa tại các ki ốt, quầy hàng qua đó trả lại lối đi nội bộ, đường thông hè thoáng, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy... Các khu vực thực hiện giải tỏa, sắp xếp gồm lầu chuông trên, lầu chuông dưới, các cổng số 1, 2 và số 12.

Trưởng BQL chợ Đông Ba, bà Hoàng Thị Như Thanh cho biết, bình quân mỗi tiểu thương trả lại từ 0,2 - 1m2, với gần 700 tiểu thương thực hiện nên diện tích trả lại rất lớn. Có được kết quả trên một phần là nhờ sự đồng thuận của bà con, được bà con “thương” và ủng hộ nhiệt tình. Xuất phát từ sự thay đổi của tập thể CBCNV - LĐ BQL, thay đổi từ cách nghĩ, cách làm nên đã tạo sự gắn kết giữa BQL và tiểu thương, sự chia sẻ của khác hàng nên công việc chỉnh trang, sửa chữa chợ cũng như trả lại diện tích lấn chiếm diễn ra suông sẻ.

Xây dựng chợ văn minh, thân thiện

Với mục tiêu xây dựng chợ văn minh, thân thiện để thu hút khách, khẳng định thương hiệu chợ Đông Ba, cùng nguồn vốn đầu tư của thành phố, thời gian qua, BQL đã huy động nguồn xã hội hóa trong đầu tư nâng cấp, chỉnh chợ. Đến nay, bà con tiểu thương đã tự nguyện đóng góp gần 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống camera, loa âm tầng ở lầu chuông trên và lầu chuông dưới; đầu tư sửa chữa cổng ra vào, cửa và hệ thống đèn năng lượng mặt trời đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy; làm lại bảng hiệu, chỉnh trang các khu vực mặt tiền…

Theo chị Đặng Thị Ngọc Thanh, ngành hàng đồ chơi trẻ em: “Chợ Đông Ba là máu thịt, là ngôi nhà thứ 2 của chị em tiểu thương. Chợ đẹp, khang trang thì khách hàng mới tìm đến, buôn bán mới phát đạt. Vì vậy, mặc dù sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song khi nghe BQL có chủ trương sửa chữa, chỉnh trang chợ, tôi đã ủng hộ 5 triệu đồng để lắp đặt đèn năng lượng mặt trời và sửa chữa các cổng, cửa, góp phần xây dựng chợ ngày càng văn minh, thân thiện”.

Cùng với dự án nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng chợ Đông Ba (giai đoạn 1) đã và đang triển khai, cuối tháng 5/2022, HĐND TP. Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang chợ Đông Ba (giai đoạn 2) nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và bà con tiểu thương, tạo bộ mặt chợ khang trang, xây dựng chợ Đông Ba trở thành chợ văn minh thương mại và là trung tâm mua sắm lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ làm mới hệ thống hành lang, cầu thang kết nối tầng 2 các khu vực; cải tạo hệ thống thoát nước bên trong chợ; cải tạo, lát gạch terrazzo sân, đường nội bộ của chợ với tổng mức đầu tư hơn 6,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Bà Hoàng Thị Như Thanh cho rằng, với phương châm “Văn minh, thân thiện mới là người Đông Ba”, từ việc thay đổi và hoàn thiện hạ tầng chợ, sắp xếp các ngành hàng theo hướng gọn gàng, ngay ngắn, BQL đang nỗ lực để thay đổi nhận thức, lan tỏa từ CBCNV BQL đến chị em tiểu thương. Trong đó, áp dụng linh hoạt cơ chế thưởng, phạt; tuyên dương những việc bà con làm tốt, phê bình những hành vi sai trái. Qua gần 1 năm nỗ lực với nhiều giải pháp cùng với sự đồng thuận của bà con, hiện không gian chợ Đông Ba đã thay đổi hẳn, sự thân thiện, mến khách đã quay trở lại và ý thức của mỗi cán bộ, tiểu thương đang lan tỏa khắp nơi, tạo ra hình ảnh đẹp trong lòng du khách.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2024)
Phụ nữ góp phần xây dựng đô thị văn minh

“Bằng những mô hình cụ thể, việc làm thiết thực và những kết quả nổi bật, phụ nữ Thừa Thiên Huế đã và đang là nhân tố tích cực thực hiện các phong trào, cuộc vận động, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Phụ nữ góp phần xây dựng đô thị văn minh
Góp sức trẻ xây dựng đô thị văn minh

Tình nguyện tham gia xây dựng đô thị văn minh là phong trào xuyên suốt được tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đẩy mạnh triển khai những năm qua, với hạt nhân là các hoạt động hưởng ứng Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”.

Góp sức trẻ xây dựng đô thị văn minh
Liên kết & nâng tầm thương hiệu

Câu chuyện về liên kết để nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề đã và đang được các doanh nghiệp (DN), làng nghề triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng cơ hội giao thương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Liên kết  nâng tầm thương hiệu
Nụ cười Đông Ba

Mệ Hoàng Thị Khanh, 81 tuổi, buôn bán cau trầu ở chợ Đông Ba kể, trước năm 1975, tiểu thương đều mặc áo dài, và Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ, là nơi gìn giữ bản sắc của di sản văn hóa Huế. Đôi khi khách phương xa đến Huế, ra chợ Đông Ba, cốt chỉ để được nghe rặt tiếng Huế của các dì, các mệ.

Nụ cười Đông Ba

TIN MỚI

Return to top