ClockThứ Hai, 22/08/2016 05:46

Khi nào biển sạch?

TTH - Hội nghị Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sẽ được Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày hôm nay (22/8) tại TP. Đông Hà (Quảng Trị). Đây là một trong những sự kiện được trông chờ nhất, sau sự kiện công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vào ngày 30/6 vừa qua.

Sau sự cố hải sản chết bất thường kéo dài các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, hồi đầu tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tích cực điều tra để tìm ra nguyên nhân, nhằm xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân gây ra hậu quả. Đã có 7 bộ, ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước vào cuộc và sau gần 2 tháng đã kết luận. Chất độc khiến cá chết hàng loạt được xác định là phenol và xyanua, hidroxit sắt vượt mức cho phép; do Formosa Hà Tĩnh xả thải. Trước những bằng chứng thuyết phục, doanh nghiệp này đã nhận lỗi và bồi thường 500 triệu USD cho người dân các tỉnh bị thiệt hại…

Cùng với xác định nguyên nhân hải sản chết, hàng loạt các giải pháp ứng phó với sự cố môi trường biển đã được các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh triển khai cấp bách như nghiêm cấm vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng hải sản chết; có chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng; đồng thời, xác định phạm vi an toàn, vận động ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, đánh bắt ở vùng xa bờ ngoài 20 hải lý và tổ chức thu mua, phân phối, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành chức năng các địa phương đã thường xuyên lấy mẫu nước tại các vùng biển để phân tích và công bố chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Kết quả quan trắc trong thời gian qua cho thấy, nước biển tại các bãi tắm nằm trong vùng sự cố vẫn an toàn. Tuy nhiên, đó là kết quả nước tầng mặt, trong khi sự cố môi trường biển xảy ra chủ yếu ở tầng đáy. Do vậy, môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã thực sự sạch, an toàn hay chưa vẫn là câu hỏi lớn. Tại buổi làm việc với Thừa Thiên Huế hôm 4/8 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã rất quan tâm tới câu hỏi của người dân là “Khi nào biển sạch, khi nào tắm biển an toàn, ăn cá an toàn trong phạm vi 20 hải lý”

Với những kết quả đạt được trong quá trình ứng phó với sự cố môi trường biển thời gian qua; đặc biệt là sự tập trung cao độ của các bộ ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc tìm ra nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và quá trình quan trắc tiếp sau khi công bố nguyên nhân… thì sự công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế lần này chắc chắn sẽ có độ chính xác cao, giải đáp phần nào sự băn khoăn, lo lắng cho người dân, để có giải pháp phù hợp hơn trong sản xuất kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải

Ngày 6/4, trên các trục đường giao thông của các xã, thị trấn, trên các bãi biển...ở Phú Vang, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tiến hành phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch - sáng.

Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải
Return to top