ClockThứ Sáu, 22/05/2020 09:25

Khơi thông thị trường xuất khẩu

TTH - Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn với việc tham gia nhiều hiệp định kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực.

Nhiều giải pháp ổn định thị trườngĐưa ra thị trường hơn 38 triệu khẩu trang vải phòng dịch Covid-19Doanh nghiệp nỗ lực kết nối thị trường mới

Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (20/5), Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thuyết minh và báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Điều này được kỳ vọng tạo cú hích cho sự phát triển kinh tế nước ta nói chung, lĩnh vực xuất khẩu nói riêng.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn với việc tham gia nhiều hiệp định kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực. Xuất khẩu là một động lực quan trọng giúp nền kinh tế nước ta phát triển mạnh về quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, tiếp nhận các công nghệ mới và các phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến.

Lợi ích thì đã rõ, nhưng tác động tiêu cực không phải là không có. Điều này thấy rõ qua đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp tạm dừng sản xuất bởi thiếu nguyên liệu đầu vào lẫn khó khăn đầu ra, do thị trường các nước ngưng trệ trong quá trình phòng chống dịch. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể tháo gỡ ngay, mà tùy thuộc vào quá trình khống chế dịch, khởi động lại nền kinh tế của các nước. Trong bối cảnh đó, nếu EVFTA được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp này thì sẽ có hiệu lực ngay sau đó 1 tháng, giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, sớm khơi thông thị trường xuất khẩu tiềm năng như EU.

Theo thỏa thuận, khi hiệp định có hiệu lực, ngay lập tức, EU dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này; Việt Nam xóa bỏ 48,5% (tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam), sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ…, tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và EU có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ.

Theo các chuyên gia, trong EVFTA, sức ép cạnh tranh không lớn, bởi tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Hàng hóa phổ biến nhất của châu Âu được bán ở Việt Nam là ô tô, máy bay, thiết bị máy móc, dược phẩm. Trong khi đó, mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang EU là giày dép, dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ…

Tuy nhiên, để tham gia vào thị trường EU, bản thân các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị tích cực để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường vốn khó tính này. Trong đó, có nhiều yêu cầu khắt khe với doanh nghiệp như bảo đảm an toàn, môi trường cho người lao động, sản xuất thân thiện môi trường, nhãn mác hàng hóa…

Chẳng hạn, với ngành chế biến gỗ nhiều tiềm năng của Thừa Thiên Huế, để xuất sang thị trường EU, các doanh nghiệp phải có chứng chỉ rừng FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng quản lý rừng quốc tế), đồng thời phải có biện pháp nâng cao thu nhập của người lao động nghề rừng. Để đáp ứng yêu cầu này, chính quyền có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Về phía doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài cuộc, mà cần có sự liên kết với người trồng rừng để chia sẻ trách nhiệm và lợi ích mới có thể duy trì được nguồn nguyên liệu lâu dài.

Để tận dụng các cơ hội từ EVFTA mang lại, đẩy mạnh xuất khẩu, cùng với việc tìm hiểu, nắm vững các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan lĩnh ngành, lĩnh vực của mình, các doanh nghiệp cần hành động ngay là rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn EU mới có thể hội nhập thành công.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4

TIN MỚI

Return to top