ClockThứ Năm, 23/06/2016 04:21
CƯỠNG CHẾ CÁC HỘ DÂN CỐ TÌNH KHÔNG BÀN GIAO MẶT BẰNG:

Không đánh trống bỏ dùi

TTH - Một lần nữa, lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì phiên họp về những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Huế, nhằm cho chủ trương cụ thể đối với từng dự án để giải quyết dứt điểm. Tinh thần của lãnh đạo tỉnh là cương quyết cưỡng chế đối với những hộ dân đã thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, nhưng vẫn cố tình không bàn giao mặt bằng.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Sau buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao với lãnh đạo TP. Huế cũng về công tác giải phóng mặt bằng, với những chỉ đạo cụ thể, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế, đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, cơ bản giải quyết được một số vướng mắc, giảm số dự án còn vướng mắc từ 21 xuống 7. Trong đó, một số dự án dai dẳng, gây nhiều trở ngại cho quá trình giải phóng mặt bằng.

Dự án chỉnh trang “Phố Tây” triển khai thực hiện ở những vị trí đã bàn giao mặt bằng

Đáng chú ý, có dự án chỉ còn một vài hộ chưa bàn giao mặt bằng nhưng kéo dài từ năm này sang năm khác, khiến công trình chậm tiến độ, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, như dự án xây dựng tuyến đường mặt cắt 26m vào Khu nhà ở An Đông. Quyết định bồi thường hỗ trợ có từ năm 2012, với 17 hộ bị ảnh hưởng trên tổng diện tích bị thu hồi hơn 15.000m2, song, đến nay, vẫn còn 5 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó, có 3 hộ đã có quyết định cưỡng chế của UBND TP. Huế, nhưng vẫn chưa thực hiện.

Dự án chỉnh trang vỉa hè và đầu tư hệ thống thoát nước tuyến phố Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu chỉ còn 1/105 hộ bị ảnh hưởng, chưa hợp tác, đó là ông Võ Minh Hoài, có địa chỉ thường trú ở Quảng Bình. Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế cho biết, dù đã gửi văn bản mời họp nhiều lần song ông Hoài không đến giải quyết. Để đảm bảo tiến độ, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan vẫn tiến hành chỉnh trang, xây dựng hệ thống thoát nước ở những vị trí đã bàn giao mặt bằng. Hiện, một số hạng mục đã triển khai, như thoát nước đường Chu Văn An, Võ Thị Sáu.

Tương tự, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tái định cư Bàu Vá, giai đoạn 1 đến nay chỉ còn hộ ông Nguyễn Viết Hiền chưa bàn giao mặt bằng vì cho rằng giá đền bù chưa sát với giá thị trường và xin giữ lại phần đất ngoài đường quy hoạch. UBND TP. Huế sau khi xem xét các chính sách bồi thường, gồm bố trí một lô đất vị trí mặt tiền ở Khu quy hoạch Bàu Vá, có diện tích lớn hơn diện tích thu hồi, hỗ trợ tài sản trên đất và đất hơn 540 triệu đồng, kết luận: yêu cầu, đòi hỏi của gia đình ông Hiền là không có cơ sở xem xét. Khi trình bày trường hợp này với lãnh đạo tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận, phải cương quyết cưỡng chế.

Có kế hoạch, thời gian cưỡng chế cụ thể

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Huế và các ban ngành liên quan về những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ ra rằng, với các dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của TP. Huế, cơ quan này cần chủ động các giải pháp để thực hiện. Tinh thần này trong buổi làm việc trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cũng lưu ý khi địa phương này, hầu như dự án nào cũng xin ý kiến chỉ đạo từng trường hợp cụ thể.

Do chậm cưỡng chế, đường mặt cắt 26m vào khu nhà ở An Đông còn một đoạn nhưng mãi chưa thi công  

Ông Phan Ngọc Thọ cũng cho rằng, với những trường hợp đã thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, nhưng người dân đòi hỏi quá đáng, cần kiên quyết cưỡng chế để làm gương cho những dự án khác và đảm bảo công bằng với những hộ chấp hành tốt chủ trương bàn giao mặt bằng sớm và đúng hạn. Vấn đề là, thời gian cưỡng chế lúc nào cho phù hợp.

Theo dõi khá nhiều dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Huế, điều chúng tôi ghi nhận được là hầu như không có dự án nào không chậm tiến độ và có một vài hộ cố tình chây ỳ, đòi hỏi quyền lợi quá quy định. Các quyết định cưỡng chế sau đó được ban hành nhưng hầu như rất ít khi phải thực hiện. Có nhiều lý do, một trong số đó là việc vận động người dân tự di dời, phần khác là do chọn thời điểm hợp lý…

Trở lại với các dự án vừa nêu, hầu như dự án nào UBND TP.Huế cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhưng việc triển khai thực hiện chưa được tiến hành, dù một số trường hợp đã ghi rõ thời gian cưỡng chế, như trường hợp các gia đình ông Hồ Quang-bà Lê Thị Huế, ở 177 An Dương Vương, bà Lê Thị Quýt, Hồ Thị Mai bị ảnh hưởng dự án xây dựng tuyến dường mặt cắt 26m Khu nhà ở An Đông từ cuối tháng 4/2016, song vẫn chưa thực hiện. Riêng trường hợp ông Võ Minh Hoài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kết luận, nếu đúng thời hạn trong giấy mời mà ông Hoài không đến giải quyết, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế tiến hành kiểm đếm để áp giá đền bù theo quy định, sau đó cưỡng chế thu hồi đất.

Liên quan đến nguyên nhân chậm tiến hành thực hiện quyết định cưỡng chế, lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế nói, Nhà nước ưu tiên thực hiện các giải pháp mềm dẻo, chủ yếu là vận động thuyết phục để người dân tự di dời, bàn giao mặt bằng. Trường hợp thực sự cần thiết mới tiến hành cưỡng chế. Quá trình này có khá nhiều thủ tục, phương tiện, nhân lực, chuẩn bị đầy đủ các phương án hiện trường để đối phó, xử lý khi có tình huống xảy ra…

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Nhiều hộ dân ở Hương Xuân thiếu nước sạch

Dù đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhưng hiện nay hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Hương Xuân (Nam Đông) vẫn thiếu nước sạch để sử dụng, gây khó khăn cho đời sống, sản xuất của các hộ dân.

Nhiều hộ dân ở Hương Xuân thiếu nước sạch
Return to top