ClockThứ Hai, 12/12/2016 14:22

Không để phụ nữ đầm phá thiệt thòi

TTH - Xóa mù chữ, tập huấn nâng cao nhận thức, hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế… là những việc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Lộc chú trọng thực hiện để nâng cao năng lực và sự tự tin cho hội viên phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương vùng đầm phá của huyện.

Trẻ em vùng đầm phá được các cấp hội phụ nữ tập huấn về quyền trẻ em

Xóa mù chữ

Một trong những kết quả nổi bật của Hội LHPN xã Lộc Trì trong năm nay là xóa mù chữ thành công cho 14 hội viên phụ nữ vùng đầm phá thôn Lê Thái Thiện. Theo chị Lê Thị Bích, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Trì trong 8 thôn của xã có hai thôn Đông Hải và Lê Thái Thiện người dân sống chủ yếu dựa vào con tôm, con cá. Trước đây cuộc sống còn nhiều khó khăn, suốt ngày “theo đuôi con cá” nên nhiều chị không biết chữ. Đây là thiệt thòi rất lớn, khiến các chị thiếu tự tin trong cuộc sống. Năm 2016, được sự hỗ trợ của lãnh đạo xã, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, Hội LHPN xã mở lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ thôn Lê Thái Thiện. Qua 6 tháng nỗ lực, lớp học đặc biệt này đã hoàn thành với 100% học viên biết đọc biết viết.

Bà Huỳnh Thị Dáng được xóa mù chữ ở tuổi 65 vui mừng: “Từ nay cầm thiệp cưới họ mời không còn phải chạy quanh nhờ người đọc nữa”.  Bà kể: “Lúc đầu, thấy tôi đi học, nhiều người nói, già rồi học làm chi. Học có kiếm được tiền không, cả đêm theo đuôi con cá mệt rồi, ngày tranh ngủ, nghỉ cho khỏe. Nhưng tôi kiên quyết đi học cho bằng được. giờ thì đã biết đọc, biết viết, tôi còn hát được karaoke nữa”.

Chị Nguyễn Thị Yến, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Hòa Mậu, người trực tiếp tham gia xóa mù chữ cho các chị thôn Lê Thái Thiện nhớ lại: “Lúc đầu tôi sợ các chị không đủ kiên trì theo đuổi lớp học vì hầu hết đều lớn tuổi nhưng thực tế ngược lại, ai cũng chịu khó đến lớp. Nỗ lực chiến thắng bản thân của các chị cũng là động lực giúp tôi vượt gần chục cây số đều đặn đến lớp hàng tuần”. Theo chị Bích, sắp tới, Hội LHPN xã Lộc Trì tiếp tục mở thêm lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ thôn Đông Hải.

bằng tình thương và trách nhiệm, chị Nguyễn Thị Nhung Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Vĩnh đã xóa mù chữ cho gần chục hội viên phụ nữ thôn tái định cư Cù Dù. Chị chia sẻ: “Mỗi lần thấy các chị điểm dấu tay thay chữ ký để nhận chế độ tập huấn, hay cam kết khi vay vốn ngân hàng tôi thương vô cùng. Đó là lý do để tôi kiên trì vận động các chị chịu khó học để biết đọc, biết viết, đồng thời, luôn tự động viên bản thân phải nỗ lực giúp các chị xóa mù chữ cho bằng được. Hiện nay không có hội viên phụ nữ nào của xã Lộc Vĩnh phải điểm chỉ tay thay cho chữ ký”.

Không chỉ xã Lộc Trì, ở Lộc Vĩnh, nhiều hội viên phụ nữ vùng đầm phá huyện Phú Lộc đã biết đọc, biết viết nhờ những cán bộ hội nhiệt tình, tận tâm như chị Yến, chị Nhung…

Nâng cao nhận thức về mọi mặt

Để nâng cao nhận thức về mọi mặt cho hội viên phụ nữ vùng đầm phá, Hội LHPN huyện Phú Lộc đã tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án AC (Thụy Điển), dự án Lúc – xăm – bua thành lập 5 câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ đảm đang”, 4 CLB “Quyền trẻ em” ở các xã có tỷ lệ hội viên vùng đầm phá cao… Thông qua các buổi sinh hoạt, Hội đã cụ thể hóa các nội dung của Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, kiến thức nuôi dạy con, kỹ năng sống, xây dựng gia đình hạnh phúc để các chị dễ tiếp thu. Chị Hồ Thị Nhung, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Điền cho biết: “Trước đây, tất cả mọi cuộc họp thôn, xóm ở xã hầu hết là đàn ông tham dự nhưng nay đã khác. Tỷ lệ các chị tham gia cuộc họp đã tăng, nhiều chị còn mạnh dạn phát biểu thể hiện chính kiến của bản thân. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua hầu hết phụ nữ xã Lộc Điền đều chủ động đi bỏ phiếu, sáng suốt lựa chọn các đại biểu mình tin tưởng”.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho phụ nữ vùng đầm phá phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Hội LHPN huyện Phú Lộc không ngừng quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên dưới nhiều hình thức, trước hết là hỗ trợ vay vốn ưu đãi qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn các dự án, vốn tiết kiệm vì phụ nữ nghèo… Hội cũng phối hợp với Trường đại học Nông Lâm Huế, Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư tỉnh... mở các lớp tập huấn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, dạy nghề cho phụ nữ ở địa phương. Qua đó, vận động hội viên, phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất, kinh doanh. 

Chị Cái Thị Diệu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc khẳng định: “Sự nỗ lực của các cấp hội đã giúp phụ nữ các vùng đầm phá tự tin, mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. nhiều chị đã tự tin, mạnh dạn thể hiện vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Không ít chị đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc như chị Hoàng Thị huệ ở xã Lộc Thủy, chị Trần Thị Hà ở thị trấn Lăng Cô…”.

HẢI THUẬN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Return to top