ClockThứ Bảy, 08/01/2022 09:38

Đảm bảo nguồn cung oxy trong dịp Tết Nguyên đán

Tình trạng khan hiếm, thiếu hụt oxy cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 là có thực, diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam.

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh bàn giao trang thiết bị y tế hỗ trợ phòng chống dịchCOVID-19: Anh cam kết 105 triệu bảng hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thươngSớm đưa Dự án “ATM OXY Thừa Thiên Huế” vào hoạt động

Thành viên Tổ hỗ trợ theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà ở phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kiểm tra bình oxy trước khi mang đến hỗ trợ F0 cách ly y tế, điều trị tại nhà. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Thời gian qua, ngành công thương, các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất khí đã nỗ lực, trách nhiệm, chủ động chia sẻ khó khăn với ngành y tế, các địa phương… trong sản xuất, cung ứng oxy ở mọi hoàn cảnh phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Nguồn cung oxy về cơ bản đáp ứng nhu cầu ở mức nhất định. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm, thiếu hụt oxy cho việc điều trị bệnh là có thực, diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam nên có lúc, có nơi còn khan hiếm.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh tại Hội nghị Cung ứng oxy cho bệnh nhân COVID-19 và các giải pháp đảm bảo nguồn cung oxy trong dịp Tết Nguyên đán do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/1 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Khan hiếm cục bộ

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện có 12 nhà máy sản xuất oxy thương phẩm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Do vậy, lượng oxy có thể cung cấp bình quân 1.150 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày. Cụ thể, tại miền Bắc 570 tấn/ngày; miền Trung 98 tấn/ngày; miền Nam 685 tấn/ngày.

Qua thống kê từ một số nhà phân phối lớn tại Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh…, tổng lượng oxy cung cấp đến các cơ sở y tế trong các ngày cao điểm từ 380 - 400 tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, trong điều kiện không bùng phát dịch, lượng oxy sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay do các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất khi ngành công nghiệp phục hồi; trong đó, ngành thép là ngành sử dụng lượng lớn khí công nghiệp từ các nhà cung cấp khí trong nước nên một số thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Ông Đàm Chiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội có 8 đơn vị sản xuất, kinh doanh ôxy với sản lượng khoảng 58.000 tấn/năm và có thể nâng công suất tối đa 75.000 tấn/năm đang là nguồn cung cấp khí y tế, đặc biệt là khí ôxy phục vụ cho các bệnh viện trên địa bàn.

Đáng chú ý, các đơn vị cũng chủ động  liên hệ tới các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, đảm bảo việc cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng hiệu suất sử dụng, kho dự trữ và có phương án cấp hàng kịp thời cho các bệnh viện trong các tình huống xảy ra.

Cụ thể, TP. Hà Nội đã ban hành phương án số 187/PA-UBND ngày 13/8/2021 về việc đáp ứng oxy y tế với nhiều kịch bản; trong đó kịch bản cao nhất có 40.000 người bệnh COVID-19 sẽ có 3.120 người bệnh phải dùng oxy y tế, tương ứng nhu cầu sử dụng khoảng 65 tấn/ngày, tương đương 9.058 chai 40 lít.

Với tình hình sản xuất, cung ứng hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy trên địa bản hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu trong trường hợp có 40.000 người bệnh COVID-19 theo phương án đã được phê duyệt.

Là địa bàn lớn nhất trên cả nước, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh đã giảm, nhu cầu oxy cũng giảm theo. Nếu như 2 tuần trước đây, nhu cầu ôxy của thành phố là 68 tấn/ngày, 1.500 lít/ngày thì hiện nhu cầu là 900 lít/ngày. Đến nay, tình hình nhu cầu oxy của các cơ sở y tế bình thường và nguồn cung oxy trên địa bàn cơ bản đảm bảo cho các hoạt động, sử dụng tại các bệnh viện.

Đại diện Công ty cổ phần Kỹ nghệ que hàn (Sovigaz) cho hay, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, nhu cầu oxy y tế tăng cao, đơn vị đã chuyển đổi 100% công suất sản xuất oxy.

Với năng lực sản xuất đó so với nhu cầu thực tế tại TP Hồ Chí Minh là 350 tấn/ngày, cùng với các doanh nghiệp khác, cơ bản doanh nghiệp đủ khả năng đảm bảo nguồn cung oxy. Thế nhưng, công ty đề nghị các doanh nghiệp giảm nhu cầu, điều tiết sản xuất oxy phù hợp để tập trung sản xuất oxy lỏng cho y tế.

Đảm bảo nguồn cung

Đánh giá cao sự vào cuộc, đồng hành kịp thời của Bộ Công Thương trong việc đưa ra giải pháp cung ứng oxy y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: Trong bối cảnh dịch bùng phát tại phía Nam, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc họp với địa phương, nhà sản xuất, cung ứng oxy và ban hành các văn bản đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tăng cường sản xuất, điều phối mặt hàng này. Đặc biệt, triển khai phần mềm oxy, thường xuyên cập nhật số liệu về nhu cầu oxy để nắm bắt kịp thời.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế sẽ tăng cường, chủ động cung cấp số liệu nhu cầu oxy theo vùng miền cũng như các tiêu chuẩn oxy y tế theo quy định để các nhà sản xuất, đơn vị quản lý nắm bắt.

Trước đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, từ giữa tháng 12/2021 đến nay, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động điều hành vĩ mô đối với các hoạt động sản xuất, điều phối, cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Cụ thể, Bộ đã chủ động nắm bắt tình hình để can thiệp, hỗ trợ việc cung ứng oxy từ các cơ sở sản xuất cho các cơ sở y tế. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị một số Công ty sản xuất thép lớn tại miền Nam điều chỉnh kế hoạch sản xuất để ưu tiên nguồn ôxy cung cấp cho bệnh nhân COVID-19.

Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nhằm tăng cường cung ứng kịp thời nguồn cung ôxy phục vụ chữa bệnh trong những tình huống khẩn cấp, ban hành văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và UBND các tỉnh liên quan có cơ chế chính sách linh hoạt cho xe vận chuyển oxy đến các cơ sở điều trị kịp thời…

Để đảm bảo chủ động cung ứng đủ oxy trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị ngành y tế, các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình, dự báo, tổng hợp nhu cầu và đặt hàng cụ thể với các cơ sở sản xuất, cung ứng oxy để có kế hoạch sản xuất. Đồng thời, ban hành khung giá, chỉ ra đầu mối, điều phối tiếp nhận.

Đặc biệt, nguồn oxy cho điều trị bệnh nhân có yêu cầu tiêu chuẩn rất khắt khe nên ngành y tế và các đơn vị chức năng phải chịu trách nhiệm kiểm định, cấp phép… để các cơ sở sản xuất cung ứng yên tâm sản xuất, cung ứng cho các địa phương và cơ sở điều trị.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Cục Hóa chất chịu tránh nhiệm chính trước Bộ Công Thương trong việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về lĩnh vực sản xuất, cung ứng ôxy cho y tế. Hơn nữa, tiếp tục tham mưu để lãnh đạo Bộ, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng có chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo phù hợp.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Công nghiệp, Cục Công Thương địa phương và các đơn vị khác liên quan thuộc Bộ Công Thương triển khai ngay các giải pháp chống găm hàng, nâng giá, hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo bình ổn thị trường.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá dầu tăng khi rủi ro địa chính trị gây thêm lo ngại về nguồn cung

Theo Hãng thông tấn Reuters, giá dầu đã tăng trong đầu phiên giao dịch châu Á ngày 25/3, trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn do xung đột leo thang ở khu vực Trung Đông và cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi số lượng giàn khoan của Mỹ sụt giảm góp phần vào áp lực tăng giá.

Giá dầu tăng khi rủi ro địa chính trị gây thêm lo ngại về nguồn cung
Du xuân ở bảo tàng

Ngoài các điểm du xuân vui nhộn, trang trí đẹp mắt, những năm gần đây một trong những điểm đến vào dịp Tết Nguyên đán được nhiều người tìm tới đó chính là bảo tàng. Bảo tàng vì thế cũng mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.

Du xuân ở bảo tàng

TIN MỚI

Công ty quà tặng doanh nghiệp grand cru
Return to top