ClockThứ Năm, 31/12/2015 14:29

Hướng đến cấp điện an toàn và ổn định

TTH - Nhiều năm qua, một số công trình điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh xuống cấp và không đảm bảo an toàn, sau khi Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (Công ty Điện lực) tiếp nhận và quản lý, hàng chục tỷ đồng được đầu tư sửa chữa và thay thế các thiết bị điện góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, mang lại sự an toàn và cấp điện ổn định cho người dân.

Sửa chữa và cải tạo lưới điện tại các địa bàn nông thôn

An toàn lưới điện

 “Sau khi bàn giao cho ngành điện quản lý, đường dây điện và các tuyến rẽ nhánh đều được sửa chữa đảm bảo an toàn, đồng hồ điện được thay mới tạo vẻ mỹ quan cho thôn xóm. Trước đây, các tuyến rẽ nhánh thường sử dụng đường dây trần nên thường xuyên xảy ra sự cố, chập cháy ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì nay được bọc dây an toàn và đảm bảo đúng khoảng cách quy định nên chúng tôi rất yên tâm”, ông Nguyễn Phương Hoa trú tại xã Thủy Tân (Hương Thủy) chia sẻ. Chị Hoàng Thị Chúc ở thôn Tân Tô, xã Thủy Tân phấn khởi: “Sau khi bàn giao chúng tôi được trả tiền điện theo giá của Nhà nước quy định, điện ổn định và thời gian cúp điện đều thông báo trước”.

Thủy Tân là một trong 11 xã còn lại của tỉnh thống nhất bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý vận hành để bán điện tận hộ dân nông thôn từ tháng 8/2015 với số lượng 1.199 khách hàng. Sau khi bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, Công ty Điện lực giao cho Điện lực Hương Thủy liền lập phương án đầu tư, cải tạo lưới điện bảo đảm an toàn cấp điện cho các hộ dân, nâng cao chất lượng điện năng. Theo đó, đã thay toàn bộ công tơ cũ của HTX với nhiều chủng loại, không đạt chuẩn đo lường bằng công tơ điện tử RF với kinh phí 1,172 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đã bổ sung vào kế hoạch năm 2015 để sửa chữa lớn lưới điện thay dây dẫn kém chất lượng bằng cáp vặn xoắn với chiều dài 3,5 km, kinh phí trên 450 triệu đồng; đầu tư phát triển các nhánh rẽ để giảm bán kính cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng với quy mô 3,8 km đường dây với tổng vốn trên 400 triệu đồng.

Cải tạo, sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận tại xã Thủy Tân

 Giám đốc Điện lực Hương Thủy, ông Nguyễn Thanh Thành cho biết: “Sau khi tiếp nhận từ HTX Nông nghiệp Thủy Tân, đơn vị đầu tư trên 2 tỷ đồng cải tạo lưới điện nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trong đó suất vốn đầu tư cải tạo sửa chữa lưới điện cho một hộ dân bình quân đạt 1,7 triệu đồng. Ngoài việc đầu tư cải tạo lưới điện, đơn vị tăng cường thêm đội ngũ công nhân nhằm đáp ứng các kiến nghị của khách hàng khi có sự cố xảy ra, đồng thời việc thu tiền điện hiện đại hóa hơn như gửi thông báo qua tin nhắn và thu tại nhiều địa điểm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng”.

Đẩy nhanh tiến độ tiếp quản

Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có thêm trên 50 ngàn hộ dân có điện nhờ triển khai dự án thành phần nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng mức đầu tư 157,5 tỷ đồng và dự án đấu nối cải tạo lưới điện sau công tơ theo chương trình hỗ trợ giảm nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản (OBA) với tổng mức đầu tư 13,58 tỷ đồng, bình quân đầu tư cấp điện 3,41 triệu đồng/hộ dân. Hiện, công ty đã bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại 143 xã, phường, thị trấn, chiếm 94% số xã có điện với 157.135/157.207 hộ dân nông thôn toàn tỉnh có điện và chiếm tỷ lệ 99,95%. Vì vậy, Thừa Thiên Huế được xếp vào nhóm đầu của cả nước về điện khí hóa nông thôn.

Hiện, công ty đã hoàn tất việc tiếp nhận lưới điện tại 2 xã Phong An và Phong Sơn (Phong Điền), đến quý I/2015 sẽ triển khai đầu tư cải tạo với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến từ 3-5 tỷ đồng với 5.800 công tơ nhằm hướng đến mục tiêu cấp điện an toàn và ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của các DN người dân.

Ðối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2015 có 30/93 xã thí điểm chương trình đạt tiêu chí số 4 về điện và đến năm 2020 sẽ có 63 xã còn lại đạt tiêu chí số 4 về điện xây dựng nông thôn mới. Nhờ động lực từ xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã đẩy nhanh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng nhanh năng suất lao động.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực, ông Đồng Sỹ Tuấn cho biết: “Đến thời điểm này, Công ty Điện lực đã tiếp nhận và quản lý lưới điện tại 113/122 phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đây là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo độ an toàn đối với khách hàng nhờ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Hiện, trên địa bàn tỉnh còn lại 7 xã và 2 thị trấn của huyện Phú Lộc chưa bàn giao. Song, đến cuối năm 2015 Nhà nước sẽ không bố trí vốn để tiếp nhận cải tạo lưới điện nông thôn nên các đơn vị này nếu có nhu cầu bàn giao thì phải thỏa thuận với ngành điện và công ty chỉ tiếp nhận khi có sự đồng ý của Tập đoàn điện lực Việt Nam”.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 1,84%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn
Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế
Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

Để ươm mầm cho học sinh đi thi và đoạt giải quốc tế, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế xây dựng lộ trình bồi dưỡng bài bản. Đằng sau những tấm huy chương là không ít mồ hôi, công sức của thầy và trò.

Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế
Chủ nhà COP29 năm nay sẽ bảo vệ các khoản đầu tư vào dầu khí

Hãng tin Reuters dẫn lời Chính phủ Azerbaijan, chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2024 (COP29) cho biết, nước này sẽ bảo vệ quyền của các quốc gia sản xuất dầu khí được đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời nhấn mạnh, bất chấp các mục tiêu về khí hậu, nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch vẫn còn đang rất cao.

Chủ nhà COP29 năm nay sẽ bảo vệ các khoản đầu tư vào dầu khí

TIN MỚI

Return to top