ClockThứ Ba, 11/11/2014 15:16

POHE: Mô hình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

TTH - Là trường đại học (ĐH) duy nhất trong các trường ĐH của ĐH Huế được chọn thí điểm mô hình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE), những năm qua, Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Huế không ngừng nỗ lực hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới chương trình học, giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

PGS.TS.Nguyễn Minh Hiếu, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm Huế cho biết, để tiếp cận doanh nghiệp, từ việc xây dựng chương trình đào tạo đến triển khai là cả một quá trình thay đổi tư duy rất khó khăn. Nhà trường đã động viên các thầy cô giáo dành công sức và thời gian để đổi mới chương trình dạy học đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. “Chúng tôi hỏi doanh nghiệp về những yêu cầu mà họ cần ở sinh viên ra trường, từ đó phân tích, đánh giá dựa trên điều tra thị trường lao động và với sự định hướng của các giáo sư Hà Lan, nhà trường đã điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Nhiều doanh nghiệp trực tiếp về trường tuyển dụng sinh viên và đánh giá tốt”, PGS.Hiếu nói. 

Sinh viên Trường đại học Nông Lâm Huế tìm hiểu thông tin việc làm tại các đơn vị tuyển dụng trong Ngày hội việc làm 2014
Kết quả khả quan
PGS.TS.Trần Đăng Hoà, Trưởng khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm Huế cho biết, trường đã tham gia Dự án giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE2) từ năm 2005 đến nay. Trong quá trình thực hiện dự án, với sự tư vấn của chuyên gia trong và ngoài nước, trường tiến hành phát triển khung chương trình đào tạo theo hướng POHE cho ngành Khoa học cây trồng thuộc khoa Nông học. Đến nay, đã có 8 khoá với 538 sinh viên được đào tạo khung chương trình này. Trong quá trình học tập sinh viên POHE có nhiều cơ hội trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan doanh nghiệp trong và ngoài nước, như Lào, Campuchia, Thái Lan,... Thời gian qua, khoa Nông học luôn đào tạo theo phương châm “Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn” và đã ký kết được nhiều văn bản hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa khoa và doanh nghiệp. Thời gian thực tập, rèn nghề, tiếp cận thực tế của sinh viên cũng tăng lên đáng kể. Chính điều này giúp sinh viên tự tin, năng động và tìm kiếm được việc làm đúng với sở trường và ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp. 
Theo số liệu khảo sát năm 2013 của Trường ĐH Nông Lâm Huế, có 100% sinh viên được đào tạo theo chương trình POHE ra trường tìm được việc làm đúng với nghề nghiệp, được các nhà sử dụng lao động đánh giá cao về năng lực nghề nghiệp.
Số lượng các doanh nghiệp đến hợp tác đào tạo với Trường ĐH Nông Lâm tăng lên đáng kể vài năm trở lại đây. Từ khoảng 100 doanh nghiệp năm 2010, đến nay đã có gần 500 doanh nghiệp hợp tác với nhà trường ở tất cả các chuyên ngành đào tạo như trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, thuỷ sản,... Khoa Nông học có số lượng doanh nghiệp lớn nhất chiếm hơn 1/4 số lượng doanh nghiệp đến làm việc, hợp tác đào tạo với nhà trường. Việc chủ động và mạnh dạn “bắt tay” hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp trong đào tạo đã góp phần đưa sản phẩm đào tạo của trường ngày càng đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Ngày hội việc làm Trường ĐH Nông Lâm Huế lần thứ I được tổ chức vào tháng 5-2014, hơn 800 sinh viên của trường và một số trường đại học khác được phỏng vấn đã trúng tuyển vào làm tại các công ty, doanh nghiệp trong ngày hội này. 
Mở rộng đào tạo theo hướng POHE
Những lợi ích mang lại từ việc hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp là vô cùng to lớn không chỉ đối với nhà trường và bản thân sinh viên mà cả các doanh nghiệp. Theo PGS.Hoà, những lợi ích thiết thực đó là, trường ĐH có thể phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của thế giới việc làm; xây dựng được một quy trình đào tạo phù hợp gắn kết với thực tế sản xuất; có thể tận dụng cơ sở vật chất và được cung cấp cơ sở tham quan, thực tập cho sinh viên thực hành nghề nghiệp. Với sinh viên, được tiếp cận và có cơ hội tốt để phát triển kỹ năng nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường; dễ dàng kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Sinh viên còn được nhận các nguồn tài trợ hay học bổng trong học tập và nghiên cứu từ doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, có cơ hội tiếp cận nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tế công việc; có thể áp dụng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả và giảm giá thành sản xuất. Điều quan trọng nữa là xã hội không bị lãng phí nguồn nhân lực vì sản phẩm đào tạo ra đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất và được sử dụng đúng mục đích.
ThS.Trần Võ Văn May, Quyền Trưởng phòng Công tác sinh viên nhà trường cho biết, Phòng Công tác sinh viên đã thành lập tổ hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, chịu trách nhiệm quản lý và là cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp sinh viên có thể thực tập, rèn luyện và tham gia tuyển dụng tác các doanh nghiệp. Phòng cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thế giới việc làm nhằm tăng tính tương tác giữa sinh viên của trường và các doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo và tuyển dụng sau này. Trường ĐH Nông Lâm Huế chủ trương tiếp tục phát triển đào tạo theo hướng POHE cho tất cả các chuyên ngành của trường trong thời gian tới để đáp ứng kịp thời sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động.
Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Thay vào đó, xã được công nhận NTM kiểu mẫu là xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu
Ứng dụng khoa học sắp xếp vào hoạt động kinh doanh

Ngày 18/5, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề quản trị doanh nghiệp với chủ đề “Khoa học sắp xếp, bố trí không gian nhằm nâng cao hiệu quả công việc, kinh doanh”.

Ứng dụng khoa học sắp xếp vào hoạt động kinh doanh

TIN MỚI

Return to top