Lúa hè thu được mùa, nông dân có lãi
Giúp dân vùng giãn cách
Vụ hè thu năm 2021 toàn tỉnh đưa vào sản xuất khoảng 25 nghìn ha lúa.
Sau ngày 5/9, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong, chỉ còn lại khoảng 1.200ha tập trung một số địa phương ở Phú Lộc, A Lưới.
Tại các vùng giãn cách, để đảm bảo tiến độ trong điều kiện phòng, chống dịch, các địa phương đã chủ động huy động máy móc, nhân lực giúp dân thu hoạch lúa.
Ông Huỳnh Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hương Sơ (TP. Huế) thông tin, từ đầu tháng 9, các hội cựu chiến binh, nông dân cùng các đoàn thể đã huy động lực lượng giúp 20 hộ dân ở khu vực tổ 5 - vùng giãn cách hạn chế đi lại, thu hoạch 10ha lúa.
Quá trình thu hoạch, địa phương chủ động tuyên truyền đảm bảo khoảng cách và thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả. Do không tiến hành thu hoạch đại trà nên cứ bình quân 1 sào địa phương bố trí từ 6-7 hội viên, kết hợp với người thân các hộ dân vùng giãn cách giúp bà con gặt lúa. Đến thời điểm hiện tại, toàn phường có 110ha lúa đã thu hoạch cơ bản xong, riêng vùng giãn cách hạn chế tiếp xúc, các hội viên cũng giúp nông dân phơi, thu gom và bán lúa.
"Các chủ ruộng, chủ máy gặt đều phải ký cam kết đảm bảo an toàn chống dịch trước khi tiến hành thu hoạch lúa. Với việc giám sát chặt chẽ của địa phương, công tác thu hoạch lúa vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch", ông Huỳnh Minh khẳng định.
Tại huyện miền núi Nam Đông, đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch xong 220ha lúa, dự kiến ngày 15/9 mới thu hoạch xong khoảng 300ha toàn huyện. Đối với các hộ dân có diện tích ruộng ở khu vực giãn cách (36 hộ dân) ở xã Thượng Long, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng, đoàn thể thu hoạch xong diện tích lúa đã chín cho người dân.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, ngoài lực lượng công an, quân đội đã ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, địa phương chủ động huy động thêm các đoàn thể, hội viên nông dân tham gia giúp dân vùng giãn cách vừa thu hoạch nông sản, vận chuyển tập kết cho các hộ dân, vừa đảm bảo an toàn chống dịch.
Để hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản trong điều kiện an toàn chống dịch, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lượng máy gặt hiện có tại chỗ và có phương án sắp xếp, bố trí máy gặt hợp lý. Có kế hoạch chủ động huy động các lực lượng tại cơ sở (thanh niên xung kích, dân phòng, lực lượng quân đội, công an…) vừa sẵn sàng giúp dân thu hoạch lúa kịp thời đối với những vùng thực hiện giãn cách xã hội theo quy định, những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Cơ giới hóa vào đồng ruộng, đảm bảo tiến độ gặt lúa hè thu
Được mùa, giá giảm nhẹ
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm nay, vụ hè thu được mùa và giá lúa có giảm nhẹ.
Khảo sát ở các địa phương cho thấy, giá các giống lúa truyền thống, giống chất lượng cao giảm từ 1-2 nghìn đồng/kg. Bù lại, tại nhiều địa phương, năng suất lúa tăng, có nơi đạt 72-73 tạ/ha nên nông dân cơ bản có lãi, khoảng 20 triệu đồng/ha.
Tại HTX NN Đông Phú (Quảng An, Quảng Điền), vụ hè thu 2021 sản xuất 240ha lúa với cơ cấu 2 giống lúa TH5 và VNR10. Riêng giống lúa TH5, năng suất lúa hè thu có nơi lên đến 72-73 tạ/ha.
Khảo sát giá lúa các địa phương vụ hè thu năm nay, đối với các giống lúa truyền thống như Khang Dân 18, TH5, giá lúa khô từ 5,5-6 nghìn/kg, giảm từ 1-2 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, vào cuối vụ khi nông dân thu hoạch đại trà, giá lúa giảm nhiều hơn. Trong khi đó, các giống lúa chất lượng cao như HT1, HG12, VNR20… giá bán không biến động nhiều (khoảng 8-9 nghìn đồng/kg lúa khô) do người dân được các doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và thu mua với giá cố định.
Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) thông tin, so với mọi năm, giá các giống lúa truyền thống có giảm (đặc biệt là giống Khang Dân 18) do ảnh hưởng dịch, khó lưu thông. Các giống lúa chất lượng cao, có hợp tác liên kết sản xuất để bao tiêu sản phẩm thì ổn định đầu ra, do được thu mua với giá hợp đồng ký kết.
Xử lý rơm rạ sau thu hoạch
Vụ hè thu 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch”. Mô hình được thực hiện tại 11 HTX NN trên địa bàn với quy mô diện tích khoảng 100ha. Các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa (máy cuộn rơm) trong việc thu gom, vận chuyển. Ứng dụng chế phẩm để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sở NN&PTNT hướng dẫn nông dân sau khi thu hoạch lúa, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học như Trichoderma, Fito-Biomix RR,… để xử lý rơm rạ dư nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng.
|
Bài, ảnh: Hà Nguyên