ClockThứ Tư, 14/07/2021 06:45

Đánh giá hiệu quả từ thực tiễn

TTH - Thiếu nước tưới cộng với giá nông sản bấp bênh khiến nông dân gặp vô vàn thứ khó. Việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với điều kiện thời tiết là giải pháp được chính quyền các địa phương áp dụng. Song, hiệu quả của việc chuyển đổi đến đâu đang là một dấu hỏi.

Cánh đồng khô hạn tại HTX An Xuân (xã Quảng An, huyện Quảng Điền)

Người ta đang “đổ lỗi” cho dịch bệnh khiến đầu ra của nông sản gặp trở ngại. Điều đó không sai, nhưng trong quá khứ khi dịch bệnh chưa bùng phát, nông sản của nông dân liệu có được tiêu thụ ổn định hay không? Xin thưa là không! “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” như điệp khúc lặp đi lặp lại nhiều năm. Và đâu chỉ vậy, khi khí hậu trở nên cực đoan, một điệp khúc nữa cũng xảy đến: Thiếu nước, nhiều diện tích lúa cần chuyển đổi.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một giải pháp hữu hiệu, nhất là tại các vùng khô hạn, trồng lúa kém hiệu quả, trong khi các loại cây trồng cạn có giá trị gấp 3-5 lần cây lúa. Thế nhưng, việc chuyển đổi cây trồng tại Thừa Thiên Huế chưa thực sự bền vững.

Vụ hè thu này, tại nhiều địa phương, đồng ruộng nứt nẻ, kênh mương khô nước. Rất nhiều diện tích lúa dù gieo, sạ 4-5 lần vẫn chết, một số diện tích đành bỏ hoang. Điều lạ là chính trên những diện tích đó các năm trước cũng xảy ra tình trạng khô hạn. Và năm nào, chính quyền địa phương cũng tính đến chuyện… chuyển đổi cây trồng.

Trong số những địa phương khan hiếm nguồn nước tưới vụ hè thu, hai huyện vùng cao A Lưới và Nam Đông là những điểm nóng. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới bảo rằng, năm nào tại địa phương cũng có hàng trăm ha lúa thiếu nước vụ hè thu. Trong số đó, diện tích cần chuyển đổi sang cây trồng phù hợp là 50ha. Song, đến nay chỉ chuyển đổi được 5ha. Lý do được chính quyền địa phương đưa ra là nông dân chưa mặn mà với việc trồng cây khác ngoài cây lúa, dù có nhiều chính sách hỗ trợ.

Không chỉ vùng cao, tại các địa phương vùng đồng bằng, cứ đến vụ hè thu dễ dàng nhận thấy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha đất bị bỏ hoang vì thiếu nước. Việc lãng phí tài nguyên đất là rất rõ ràng. Ở các vùng đất này, trong kế hoạch ngắn hạn lẫn dài hạn của các địa phương vẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Chuyển đổi cây trồng là điều không cần bàn cãi, nhưng để có một kế hoạch chuyển đổi hiệu quả vẫn là bài toán khó. Trong đó, việc xác định cây trồng chủ lực của từng vùng đất, từng địa phương là điều tiên quyết. Ngoài ra, tùy theo từng loại đất mà chọn các giống cây xen canh hiệu quả. Việc này giúp đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm nước tưới, mang lại hiệu quả cao hơn cây lúa trong bối cảnh hạn hán gay gắt được dự báo vẫn còn xảy ra trong tương lai.

Ở một số địa phương, nông dân không mặn mà với việc chuyển đổi, đặc biệt ở vùng cao âu cũng có lý do. Họ trồng lúa chắc chắn sẽ có cái ăn trong mùa giáp hạt, còn chuyển sang những cây trồng khác dường như chưa tự tin sẽ kiếm được hạt cơm vào bụng trước khi tính chuyện “sinh lời”. Bởi vậy, để họ phá vỡ truyền thống không phải đơn thuần nằm ở những kế hoạch vài trang giấy. Cây bắp A Lưới nhiều lần rơi vào thế bán rẻ như cho; khoai lang, dưa hấu Quảng Điền cũng chỉ được bán bên vỉa hè; cây lạc, cây sắn Phong Điền, Hương Trà không ít năm tồn hàng, ứ đọng…

Vấn đề đặt ra đằng sau những kế hoạch tưởng chừng hợp lý ấy là thực tiễn. Nếu thiếu nước đến đâu chuyển đổi đến đó chắc chắn sẽ không hiệu quả. Nhiều địa phương bỏ qua việc quy hoạch đất chuyển đổi, nghĩa là muốn bền vững cần phải quan tâm đến việc quy hoạch vùng, xác định đối tượng chuyển đổi. Cây trồng chuyển đổi ngoài có giá trị kinh tế cao hơn cây lúa phải có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhưng không tạo ra khủng hoảng thừa. Ngoài ra, để nông dân thoát ra khỏi tư tưởng bán sản phẩm tươi thì cần có một kế hoạch hỗ trợ chế biến hẳn hoi.

Chừng nào giá trị sản phẩm được đánh giá đúng bản chất, thị trường ghi nhận thì lúc ấy những quy tắc truyền thống của nông dân sẽ bị phá vỡ. Còn bây giờ, nông dân đang chật vật tìm thị trường. Các sản phẩm nông sản, trong đó có cây trồng cạn - đối tượng mà nhiều địa phương đang hướng tới thay thế cây lúa ở vùng khô hạn giá thấp cũng khó tiêu thụ. Đó là chưa kể các giá trị đầu vào đang thời điểm tăng cao.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống

Ngày 25/6, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị tập huấn Luật Đất đai năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu trên địa bàn tỉnh.

Sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống
Mạnh dạn đột phá, tăng gia hiệu quả

Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của công tác hậu cần nói chung và tăng gia sản xuất (TGSX) nói riêng đối với việc cải thiện đời sống bộ đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác này bằng những nội dung, biện pháp thiết thực và thu được kết quả tích cực.

Mạnh dạn đột phá, tăng gia hiệu quả
Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, rừng, kinh tế trang trại, gia trại với những chính sách cụ thể, thiết thực. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần xóa nghèo bền vững cho đồng bào miền núi, vùng DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi
Return to top