ClockThứ Bảy, 03/07/2021 07:00

Phú Lộc: Phát huy tiềm năng tiểu thủ công nghiệp

TTH - Giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Phú Lộc tăng từ 1.860 tỷ đồng năm 2015 lên 3.185 tỷ đồng năm 2020, tăng bình quân 12,6%/năm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra các giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả phát triển lĩnh vực TTCN, phấn đấu đến năm 2025, CN-TTCN đạt trên 5.320 tỷ đồng.

Lộc Sơn tạo đà phát triển tiểu thủ công nghiệp

Cơ sở sản xuất cơ khí Phước Phụng ở xã Vinh Hưng có doanh thu hằng năm gần 2 tỷ đồng

Năng động từ cơ sở

Vinh Hưng là địa phương sớm triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về nâng cao hiệu quả phát triển TTCN. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Đảng ủy xã Vinh Hưng chú trọng lãnh đạo chuyển đổi, phát triển các ngành nghề sản xuất TTCN tại các thôn có tiềm năng.

Bí thư Đảng ủy xã Vinh Hưng, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng ủy đã phân công các đảng ủy viên phụ trách từng địa bàn thôn quan tâm đúng mức đến việc vận động đảng viên và Nhân dân phát huy thế mạnh mở rộng kinh doanh sản xuất các ngành nghề TTCN có khả năng giải quyết nhiều lao động để tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Cơ sở sản xuất cơ khí Phước Phụng của anh Trần Sơn Phụng là một trong các cơ sở lớn ở xã Vinh Hưng được tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất. Từ việc được chính quyền địa phương hỗ trợ mặt bằng, tạo nguồn vốn vay ưu đãi, đến đào tạo nghề cho lao động thông qua chương trình khuyến công, cơ sở của anh hiện đã có nhiều hợp đồng sản với các đối tác trong và ngoài tỉnh, doanh thu hằng năm gần 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Để đẩy mạnh chuyển đổi các ngành nghề sản xuất TTCN theo chủ trương của Huyện ủy Phú Lộc, các cấp ủy Đảng ở Vinh Hưng đã có các giải pháp phù hợp về tạo mặt bằng, nguồn vốn vay, đào tạo nghề cho lao động... Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã đã phát triển hàng chục cơ sở cơ khí, gò hàn, mộc mỹ nghệ, gia công may mặc…, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Xuân Sơn và Vinh Sơn là 2/4 thôn của xã Lộc Sơn (Phú Lộc) có tỷ lệ hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh các ngành nghề TTCN như cơ khí, cán tôn, mộc mỹ nghệ, bóc ván ép, chế biến gỗ xuất khẩu, gara ô tô… chiếm hơn 40%.

Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn, ông Đỗ Ngọc Lãnh cho hay, UBND xã đề ra các giải pháp sát với tình hình thực tế như nhu cầu thị trường, khả năng đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp, tay nghề lao động... nên đã huy động được nguồn lực trong dân đầu tư phát triển các ngành nghề TTCN. Để khuyến khích bà con mở rộng đầu tư, địa phương còn chủ động lồng ghép các chương trình kinh tế của xã, nhất là chương trình trồng rừng sản xuất phát triển nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu, đầu tư hạ tầng hướng đến khuyến khích các ngành nghề có thế mạnh phát triển tại địa phương.

Phát triển các nhóm ngành có lợi thế so sánh

Theo Bí thư Huyện ủy Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, Phú Lộc xác định phát triển mạnh lĩnh vực CN-TTCN trở thành ngành kinh tế quan trọng, chủ lực của địa phương.

Địa phương đôn đốc các xã, thị trấn triển khai kế hoạch phát triển CN-TTCN nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đến năm 2025 đạt trên 5.320 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm.

Từ nay đến năm 2025, Phú Lộc ưu tiên tập trung phát triển các nhóm ngành, sản phẩm có thế mạnh của các địa phương về nguồn tài nguyên, lao động như chế biến nông lâm, thủy sản và đồ uống; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản phẩm thiết bị, máy móc và phụ tùng cơ khí; vật liệu xây dựng, dệt may - da giày.

Đối với mỗi nhóm ngành, huyện sẽ có giải pháp, chính sách phù hợp như sản phẩm chế biến nông lâm, thủy sản và đồ uống phải gắn với thị trường tiêu thụ trong nước, thế giới và vùng nguyên liệu để phát triển những mặt hàng có lợi thế so sánh, khả năng cạnh tranh cao; hình thành trung tâm đầu mối về chế biến nông sản trong khu vực. Đối với sản phẩm thiết bị, máy móc, ưu tiên đầu tư phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn quy mô vừa và nhỏ, nhất là thành phần kinh tế tư nhân. Riêng với dệt may - da giày, huyện sẽ tạo điều kiện về mặt bằng, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, lãi suất ưu đãi để phát triển các cơ sở sản xuất may mặc vệ tinh, nhằm sử dụng nguồn lao động khu vực nông thôn phục vụ cho các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp...

Bài, ảnh: QUỐC TUẤN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

200 học sinh và giáo viên ở Phú Lộc tham gia Ngày sách và Văn hóa đọc

Chiều 17/5, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện (Phú Lộc) tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Sách - nâng cao trí tuệ và lan tỏa văn hóa dân gian Việt”.

200 học sinh và giáo viên ở Phú Lộc tham gia Ngày sách và Văn hóa đọc
Khi cơ chế đặc thù được phát huy

Các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 38 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đang trở thành công cụ hỗ trợ phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Khi cơ chế đặc thù được phát huy

TIN MỚI

Return to top