ClockThứ Bảy, 10/07/2021 13:45

Trồng lúa trên vùng đất chua phèn

TTH - Mô hình sản xuất các giống lúa chịu hạn, chua phèn gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh triển khai thành công, giúp nông dân gieo cấy hiệu quả trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Chuyển lúa sang trồng cây chịu hạnLúa gieo sạ chết vì khô hạn, huyện vận động người dân không bỏ ruộng hoang

Người dân thu hoạch lúa trên vùng đất khó

Nhiều vụ lúa gần đây thường mất mùa nên vụ đông xuân vừa qua, anh Trần Hiệu ở xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) định bỏ hoang 5 sào, hoặc tìm cây trồng thích hợp để chuyển đổi. Đúng lúc đó, anh Hiệu được TTKN phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Lãnh Thủy, xã Quảng Ngạn vận động triển khai mô hình trồng giống lúa mới, kết hợp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa ở những vùng khó khăn với diện tích toàn HTX 5ha. Quá trình thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông cùng với HTX tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho anh Hiệu và bà con các quy trình sản xuất, ứng phó BĐKH.

Anh Hiệu chia sẻ, xứ đồng Lãnh Thủy trước đây chủ yếu trồng các giống Khang Dân với phương thức canh tác truyền thống. Gần đây các diện tích thường bị chua phèn, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp. Vụ đông xuân vừa rồi, HTX đưa giống lúa DT100 vào sản xuất cùng với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như sử dụng giống xác nhận, sạ mật độ phù hợp, bón phân hợp lý, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM)… Năng suất lúa bình quân đạt 62 tạ/ha, tăng 5-7 tạ so với các vụ trước.

Ông Nguyễn Xê, Giám đốc HTXNN Lãnh Thủy thông tin, phần lớn diện tích trồng lúa trên địa bàn đều bạc màu, nghèo dinh dưỡng, có độ pH khá thấp tác động xấu đến sản xuất lúa. Lúa thường bị chết mầm sau khi sạ, người dân mất nhiều công sức gieo sạ lại và tỉa dặm, bón phân nhiều lần. Tuy vậy lúa vẫn sinh trưởng kém, nhiều sâu bệnh, tốn chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Vào cuối vụ, đồng ruộng thường bị nhiễm chua phèn gây hiện tượng vàng lá, chín sớm nên hiệu quả sản xuất thấp.

Mô hình trồng lúa DT100 với việc ứng dụng biện pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến đã thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Thông qua mô hình đã hỗ trợ kỹ thuật và một phần giống, vật tư, phân bón giúp nông dân có điều kiện đầu tư thâm canh theo đúng quy trình và đang tiếp tục áp dụng vào điều kiện thực tế trong sản xuất vụ lúa hè thu này.

Cùng thời điểm, TTKN phối hợp với HTXNN Tam Giang, xã Quảng Thái (Quảng Điền), triển khai thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa tại xã khó khăn với quy mô 8ha với giống Khang Dân.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN tỉnh cho rằng, Quảng Thái là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng do BĐKH, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt thường xuyên. Đất đai nơi đây phần nhiều bị bạc màu, thiếu độ phì, đất nhiễm chua phèn nặng ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Tham gia mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa tại HTXNN Tam Giang, người dân được hỗ trợ 50% lúa giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình sản suất, TTKN tập huấn kỹ thuật ngâm ủ giống, làm đất, gieo sạ, bón phân, chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh cho người dân.

Theo ông Phạm Thành ở xã Quảng Thái, tham gia mô hình, người dân còn được hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng giống lúa xác nhận để gieo cấy, bón lót phân vi sinh và NPK ngay từ đầu vụ, bón phân cân đối và áp dụng chương trình quản lý dịch hại IPM trong phòng trừ sâu bệnh. Năng suất lúa mô hình trong vụ đông xuân vừa qua đạt 65 tạ/ha, cao hơn 5-10 tạ so với so với nhiều vụ trước và đang tiếp tục ứng dụng vào sản xuất vụ hè thu.

Ông Châu Ngọc Phi đánh giá, ảnh hưởng của BĐKH, thời tiết diễn biến bất thường, các yếu tố thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ xảy ra thường xuyên gây nhiều khó khăn trong sản xuất lúa. Đặc biệt, tại các vùng ven đầm phá thường bị chua phèn nặng và hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất lúa. Việc đưa các giống lúa mới, phù hợp, chịu hạn mặn, chua phèn vào sản xuất là giải pháp ứng phó với BĐKH. Hai mô hình thành công tại HTXNN Lãnh Thủy và HTXNN Tam Giang là cơ hội để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: TRIỀU BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, rừng, kinh tế trang trại, gia trại với những chính sách cụ thể, thiết thực. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần xóa nghèo bền vững cho đồng bào miền núi, vùng DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi
Hiệu quả từ mô hình sinh kế cộng đồng

Dự án (DA) nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp, thuộc huyện A Lưới với 10 mô hình kế cho 100 hộ dân đã thực sự mang lại hiệu quả bước đầu, khi bà con thu được nguồn lợi từ các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Hiệu quả từ mô hình sinh kế cộng đồng
Nhiều mô hình, việc làm ý nghĩa

Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Phú Vang đã triển khai nhiều mô hình hay, việc làm ý nghĩa nhằm lan tỏa những phẩm chất cao đẹp của người lính; đồng thời góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều mô hình, việc làm ý nghĩa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top