ClockThứ Hai, 31/07/2017 13:31

Xóa bỏ các lò gạch, ngói ở Hương Vinh: Khó tìm nghề mới mưu sinh

TTH - Sau gần 2 năm chấm dứt hoạt động theo chủ trương của Chính phủ, chủ sơ sở các lò gạch, ngói thủ công ở xã Hương Vinh (Hương Trà) cũng như hàng trăm lao động tại đây vẫn canh cánh nỗi lo tìm một công việc phù hợp để mưu sinh.

Việc thực hiện xóa bỏ các lò gạch, ngói thủ công tại xã Hương Vinh- nơi từng được mệnh danh “thủ phủ gạch ngói” của tỉnh góp phần rất lớn trong cải thiện môi trường.

Lò gạch của ông Phan Văn Ba chưa phá dỡ sau 4 năm giải thể

Khó khăn riêng, nỗi niềm chung

Thôn Thủy Phú- nơi một thời “hoàng kim” của gạch ngói, với 29/34 lò trên toàn xã nay trở nên vắng lặng. Nhiều lò gạch bỏ hoang, cỏ dại phủ xanh.

Ông Phan Văn Ba, một trong những chủ lò có bốn đời gắn bó với nghề sản xuất gạch ngói truyền thống ở Hương Vinh trầm tư: “Chi phí bỏ ra cho mỗi lò gạch (lò đôi) trên dưới 1 tỷ đồng, thế nhưng, sau khi giải thể, cả một gia tài chỉ còn là một đống gạch không giá trị. Chưa kể, nguồn sống cả gia đình đều dựa vào đó, nay vợ chồng con cái đều thất nghiệp, không có việc làm thường xuyên. Bây giờ, đừng nói vốn đầu tư sản xuất mới mà ngay cả chi phí để phá dỡ, cải tạo mặt bằng (gần 30 triệu đồng/lò) chúng tôi cũng không biết lấy đâu ra”.

Gắn bó với các lò gạch gần 20 năm, giờ ở tuổi gần 60, bà Trần Thị Ngạt, xã Quảng An (Quảng Điền) đành chọn công việc thu gom chai bao để kiếm thêm thu nhập. “Lúc trước, tui đi làm thuê trong các lò gạch, mỗi ngày cũng kiếm được 100-120 ngàn đồng. Chừ “vô” nghề mới, thu nhập chưa bằng một nửa so với trước, nhưng vẫn còn may so với nhiều lao động hiện vẫn thất nghiệp”, bà Ngạt bày tỏ.

Trưởng thôn Thủy Phú-ông Cao Thắng kể: Trước đây, mỗi lò gạch, tùy vào quy mô và mức độ sản xuất sẽ phải thuê 15-25 lao động. Sau khi lò “tắt lửa”, số lao động này phải tự kiếm việc làm mới để mưu sinh. Tuy nhiên, do đa phần không có trình độ, lại là lao động trung niên nên việc chuyển đổi nghề và tìm một nghề mới không hề dễ dàng.

Những chủ lò gạch còn khó khăn hơn khi quay về “vạch xuất phát”: Công việc không có, đất canh tác cũng không (do phần lớn diện tích đất ruộng để sản xuất trước đây đều được các chủ lò sử dụng để lấy đất và mặt bằng sản xuất gạch, ngói). Nếu muốn quay trở lại trồng lúa cũng chịu vì đất màu đã sử dụng hết.

Mong được hỗ trợ vốn vay

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh Nguyễn Thị Hồng Oanh, địa phương vận động các hộ ngừng sản xuất gạch ngói, tháo dỡ vỏ lò và san gạt mặt bằng để chuyển mục đích sử dụng đất; khuyến khích bà con chuyển đổi ngành nghề, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp sau khi ngừng sản xuất. Tuy nhiên, do khó khăn, hiện vẫn còn 18/34 lò chưa tháo dỡ.

Chủ lò Phan Văn Ba cho hay: “Chúng tôi tự nguyện chấm dứt hoạt động từ năm 2013, thế nhưng, đến nay, không riêng gia đình tôi mà nhiều chủ lò, người lao động khác vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Do đó, rất mong Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp, tạo điều kiện về mặt bằng để chuyển đổi nghề cũng như hỗ trợ kinh phí phá dỡ lò để gỡ khó phần nào cho các cơ sở giải thể”.

Thời gian qua, UBND thị xã cùng các ngành liên quan và chính quyền địa phương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, như: thông qua chương trình khuyến công (hộ ông Cao Thắng đầu tư máy ép củi trấu với kinh phí được hỗ trợ trên 50 triệu đồng và xã đang đề xuất hỗ trợ 50 triệu đồng cho trường hợp khác), hỗ trợ thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (50 triệu đồng) để các hộ chuyển đổi ngành nghề kinh doanh; giao đất, cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp và trồng sen (7 hộ)...

UBND thị xã Hương Trà cũng đã xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho các hộ làm nghề gạch ngói thủ công và phương án tháo dỡ các lò gạch trên địa bàn. Tuy nhiên, cho đến nay, cả phương án và đề án đều chưa đi đến thống nhất và chưa giải quyết được tâm tư, nguyện vọng của những người bị ảnh hưởng.

“Đảm bảo đời sống an sinh của người dân, trong thời gian tới, rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các cấp, các ngành để các chủ lò và người lao động sớm có việc làm ổn định, yên tâm sản xuất”, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh đề xuất.

Hiện, 26/34 chủ lò tại Hương Vinh còn lúng túng trong việc chuyển đổi nghề. Rất ít lao động trên tổng số gần 500 nhân công của các lò gạch trước đây tìm được công việc phù hợp, ổn định. Chỉ một số hộ có điều kiện về mặt bằng, vốn hiện chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng, buôn bán nhỏ, sản xuất nông nghiệp, trồng sen cao sản...   

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang lo ngại về thị trường tour nội địa, khi trần giá vé máy bay nội địa điều chỉnh tăng từ ngày 1/3/2024. Nỗi lo lớn nhất là lượng khách nội địa sẽ sụt giảm khi sắp vào mùa du lịch và doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc “ôm” vé giá rẻ như mọi năm.

Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa
Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó

Trên lý thuyết thì trồng lúa hữu cơ (LHC) nghe có vẻ dễ, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì muôn vàn khó khăn.

Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó
Trốn lệnh truy nã, khó thoát

Tưởng chừng sau nhiều năm lẩn trốn lệnh truy nã, cơ quan chức năng sẽ “quên”. Thế nhưng, các đối tượng đã bị lực lượng công an nhanh chóng phát hiện, bắt giữ khi tìm cách trở về địa phương.

Trốn lệnh truy nã, khó thoát
Khó cũng thưởng tết cho công nhân

Tình hình hiện tại và dự báo thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp (DN) đều cho biết sẽ cố gắng duy trì để có một khoản thưởng trong dịp tết ít nhất bằng mọi năm, nhằm động viên người lao động.

Khó cũng thưởng tết cho công nhân
Khó định giá đất

Định giá đất (ĐGĐ) là khâu quan trọng để có cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính của các dự án liên quan đến đất đai, như thuê đất, đấu giá đất, thu hồi đất… Tuy vậy, thời gian qua việc ĐGĐ gặp nhiều vướng mắc, bất cập mà hiện nay không ít địa phương, doanh nghiệp mong muốn sớm sửa đổi quy định về giá đất và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật ở lĩnh vực này một cách hợp lý.

Khó định giá đất

TIN MỚI

Return to top