Nông sản muốn bán trực tuyến cần phải tuân thủ nhiều quy chuẩn
Nhu cầu cao
Những ngày tháng 3/2020, nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh ứ đọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều kênh tiêu thụ được chính quyền địa phương kết nối để hỗ trợ nông dân. Cụm từ giải cứu nông sản lại xuất hiện. Và giải cứu như thế nào trong những ngày giãn cách xã hội? Các cơ quan chức năng lựa chọn công nghệ và sàn kinh tế hợp tác ra đời với hình thức giao dịch trực tuyến.
Thực tế, trong thời đại công nghệ số, giao dịch trực tuyến đã trở nên phổ biến, là một phần của cuộc sống. Nhiều sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến thu hút hàng triệu người tiêu dùng. kinhtehoptac.com ra đời thời điểm ấy đã góp phần giúp nông sản người dân bớt tồn kho. Hàng ngàn cán bộ được kêu gọi chung tay giải cứu nông sản và người dân vơi bớt khốn khó trong những ngày dịch bệnh hoành hành.
Sự tiện lợi của giao dịch trực tuyến không chỉ ở các mặt hàng nông sản mà nhiều mặt hàng cũng được tiêu thụ rộng rãi. Không chỉ ở những sàn thương mai chính thống, những apps giao dịch trực tuyến khổng lồ mà bán hàng qua mạng xã hội cũng đã nở rộ. Điều đó chứng tỏ, nhu cầu của người tiêu dùng là rất lớn. “Tôi là một tín đồ của mua hàng online. Thói quen đặt hàng trên mạng xuất hiện vì sự tiện lợi, người tiêu dùng cùng cũng dễ dàng chọn lưa những mặt hàng mong muốn, có niêm yết giá và được phép từ chối nhận nếu cảm thấy hàng không như ý. Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát, giao dịch online đang được phần lớn người dân lựa chọn”, chị Huỳnh Thị Lài (thị xã Hương Thủy) chia sẻ.
Trở lại với sàn kinh tế hợp tác, tỉnh có nền tảng khá mạnh về “nguồn cung” cho sàn khi hàng trăm hợp tác xã, doanh nghiệp cung cấp đầu đủ các mặt hàng nông sản. Và nhiều mặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã lên sàn. Từ 20/3-1/4, sàn kinh tế hợp tác đã tiếp nhận hơn 170 đơn hàng. Và lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho rằng, sàn thương mại hợp tác giúp khách hàng không còn khoảng cách địa lý, mua hàng mọi lúc mọi nơi, theo đó khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã sẽ được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh.
Mặc dù vậy, sau đợt tồn đọng nông sản vào những ngày giữa tháng ba, dịch COVID-19 hạ nhiệt sau đó khiến việc giao dịch trên sàn kinh tế hợp tác cũng chững lại. Người ta liên tưởng đến việc sàn chỉ hoạt động từng thời điểm. Và thực sự, khi giao dịch trực tuyến phổ biến như hiện nay sàn giao dịch này hầu như ít được người tiêu dùng biết đến. Ngoài cán bộ nhà nước người tiêu dùng hầu như không click vào địa chỉ giao dịch này để mua sắm. “Công việc của tôi khá bận rộn nên nhiều khi không có thời gian chợ búa nên mua thực phẩm, nông sản trên mạng. Song, tôi chưa bao giờ mua hàng ở sàn kinh tế hợp tác và cũng chưa biết đến địa chỉ này”, chị Trần Thị Tâm (TP. Huế) nói.
Kinhtehoptac.com đang "kén" người tiêu dùng
Kiện toàn & quảng bá
Dẫu nhu cầu thị trường rất cao nhưng kinh doanh online không dễ thành công. Dịch COVID-19 là cơ hội để loại hình này kiện toàn lại phương thức kinh doanh, đặc biệt với nông sản. Song, mặt hàng bày bán trên các kênh online đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yếu tố, từ chất lượng, hình thức sản phẩm của các nhà cung cấp đến việc quảng bá. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho rằng, sàn kinh tế hợp tác của tỉnh ra đời là đúng với xu thế, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, song khâu quảng bá chưa được làm tốt nên hiệu quả của sàn giao dịch này chưa như mong đợi.
Bây giờ, dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại, giao dịch online theo đó vào thời điểm chiếm ưu thế, nhưng giữ chân được khách hàng mua bán cũng cần phải đáp ứng được quy chuẩn chung, làm sao để người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng sản phẩm một cách ổn định. Ông Đặng Văn Chính, phụ trách điều hành hợp tác xã công nghệ thông tin, đơn vị chịu trách nhiệm vận hành sàn kinh tế hợp tác cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực và khâu quảng bá. “Sau thời gian vận hành, kinhtehoptac.com mang lại những hiệu quả nhất định, song vẫn chưa như kỳ vọng và sức lan tỏa chưa cao. Sắp tới chúng tôi sẽ kiện toàn lại bộ máy vận hành để địa chỉ này trở thành nơi giao dịch trực tuyến hiệu quả cho người dân”, ông Chính nói.
Thực tế, kinhtehoptac.com được triển khai ban đầu với mục đích là không không gian kết nối những hợp tác xã, thủ công mỹ nghệ trong toàn tỉnh. Dịch COVID – 19 xuất hiện thì đây là nơi kết nối để giải quyết nông sản. “Để tồn tại tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn chỉnh, gắn liền với hệ thống điều hành tỉnh để có sản phẩm tốt cho đối tượng khách hàng đầu tiên là cán bộ công chức tỉnh. Thương mại điện tử là một “cuộc chơi” khốc liệt, để địa chỉ này mở rộng thị trường thì vai trò vận hành các đơn vị liên quan rất quan trọng. Tôi thấy sàn kinh tế hợp tác vẫn đang yếu vẫn chưa ổn, muốn đứng vững trong thời đại công nghệ hiện nay cần làm tốt khâu quảng bá và phải chọn cách tiếp cận đối tượng khách hàng phù hợp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh
Bài, ảnh: L.Thọ