ClockThứ Năm, 11/10/2012 06:03

Đèn đỏ rồi mà nhận thức còn xanh

TTH - LTS: Tỉnh ta đang phấn đấu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Một số huyện Hương Thủy, Hương Trà đã trở thành thị xã, nghĩa là trở thành đô thị.Người dân ở hai thị xã này đường đường là thị dân. Cả tỉnh lên thành phố là vấn đề lớn. Về quy hoạch xây dựng, hay phát triển kinh tế, nếu có tiền, có quyết tâm là làm được. Nhưng về văn hóa, văn minh thì phải có quá trình. Trong đó quan trọng nhất là nếp sống thị dân.

Nếp sống thị dân là tất cả những ứng xử của mỗi cá nhân, phù hợp với sự phát triển của cộng đồng đô thị. Làm sao để nếp sống cộng đồng ngày càng văn minh hơn là trách nhiệm của mỗi thành viên trong xã hội. Người dân sống trong đô thị phải tuân thủ những quy tắc ứng xử, thành văn và không thành văn về nếp sống, nếu không sẽ gây tai vạ cho người khác. Do nhu cầu đó, Báo Thừa Thiên Huế từ số này sẽ mở chuyên mục nếp sống thị dân. Mời các bạn đón đọc và gửi bài đóng góp cho chuyên mục.

Ở đô thị bao giờ cũng rất đông người tham gia giao thông trong một lúc. Đường thì hẹp, nên ngã ba, ngã tư khi nào cũng đông chật người. Mỗi người có công việc riêng cần đi nhanh, nên nếu không có đèn đỏ - xanh thì dễ sinh ra va chạm, gây tai nạn giao thông. Nghiêm chỉnh chấp hành “đỏ - đứng”, “xanh - đi” là một bộ phận của văn hóa giao thông. Những cột đèn đỏ - xanh (dừng và đi) ở các đô thị tỉnh ở nước ta mới có khoảng chục năm nay. Còn thế giới thì đèn đỏ - xanh có từ cả trăm năm trước. Họ quen nếp sống đến mức, cứ đèn đỏ là dừng, dù chỉ một mình trên đường.

Cẩn trọng khi tham gia giao thông. Ảnh: P. Anh

Nước Lào được người coi là “kém phát triển” hơn Việt Nam. Nhưng người Lào cũng có những cái rất tiến bộ mà người Việt hôm nay không thể sánh được. Ấn tượng nhất là người dân Lào chấp hành luật giao thông rất nghiêm. 4 giờ 30 sáng, tôi đi bộ thể dục từ khách sạn Mina trên đường Lanexang (Lạng xạn là tên cổ của nước Lào, đây là con đường trục ở thủ đô Viên Chăn) đến Khải Hoàn Môn hơn cây số, đèn đỏ đèn xanh ở các ngã tư vẫn hoạt động. Có chiếc ô tô đi làm sớm, đến gặp đèn đỏ, dù ngã tư bốn phía trước sau chẳng có xe nào, người lái xe vẫn cho xe dừng lại, chờ đèn xanh mới vượt. Tôi đứng quan sát và ngẩn ngơ thán phục ý thức tham gia giao thông của anh lái xe Lào quá. Đó chính là nếp văn minh đô thị. Đó là ý thức tham gia giao thông từ trong máu thịt. Nước Lào họ giáo dục công dân răng mà giỏi rứa hè?

Còn ở Việt Nam ta thì sao? Ở Việt Nam nếu sáng sớm, đường phố vắng như trường hợp anh lái xe ở Viên Chăn, thì trăm lái xe đều vượt đèn đỏ. Cả ban ngày ban mặt, người đi đường đông đúc, một số người đèn đang đỏ vẫn vượt với tốc độ cao, nếu quan sát thấy không có công an. Ngày xưa có câu chuyện vui là một ông cụ đảng viên xứ Nghệ, lần đầu ra Hà Nội thăm cháu. Đi qua ngã tư, ông thấy đèn đỏ liền đạp xe qua. Công an thổi còi: “Bác vượt đèn đỏ, phải nộp phạt vì vi phạm luật giao thông”. Ông cụ xứ Nghệ ngẩn tò te bảo “Tôi tưởng đèn đỏ là để đảng viên qua, đèn vàng là đối tượng đảng qua, còn đèn xanh là quần chúng đi! Tôi thấy Hà Nội ít đảng viên thật!”. Có chuyện vui đó là vì ông cụ ở nhà quê lên phố, mới không biết luật giao thông. Còn người dân đô thị, ngày nào cũng ra phố mà cứ vượt đèn đỏ thì lạ thật.

Ở Huế, từ chỗ tôi ở 73- Phan Bội Châu muốn đến Hội Văn nghệ phải qua hai chỗ đèn đỏ - xanh là ngã tư Phan Bội Châu - Nguyễn Huệ và ngã tư Lê Lợi - Hà Nội. Ngày nào tôi cũng gặp người vượt đèn đỏ, cả thanh niên, trung niên, phụ nữ, trong đó nhiều nhất là thanh niên, học sinh. Có lần tôi chở vợ lên Bệnh viện Trung ương Huế, một chàng trai trẻ com-lê, cà vạt hẳn hoi, phóng rất nhanh, lạng lách qua đèn đỏ ngã tư Nguyễn Huệ, trong khi phía đường Phan Bội Châu đèn xanh, người đang vượt ngã tư rất đông. Tôi bực quá hét lên: “Đèn đỏ, không thấy à?”. Chàng trai quay lại nhìn tôi như nhìn người ngoài hành tinh khác đến rồi một tay cầm lái xe máy, một tay giơ nắm đấm dứ dứ về phía tôi. Vợ tôi bảo: “Anh coi chừng nó đấm cho thật đấy!”. Sợ thật. Nghĩa là tình trạng vượt đèn đỏ đã đến lúc báo động. Còn học sinh đến lớp hay tan học đi xe đạp qua ngã tư coi như mặc kệ đèn đỏ, “đường em em cứ vịn tay nhau hàng ba mà đi”. Nghĩa là đèn đỏ rồi mà ý thức của người tham gia giao thông còn xanh quá.

Có lẽ đã đến lúc phải bỏ bớt những môn học vô bổ, đưa chương trình văn hóa giao thông dạy chính thức ở các cấp học từ tiểu học đến sinh viên đại học. Phải mở các khóa về luật giao thông cho thanh niên các phường xã. Trên VTV tôi thấy có một câu quảng cáo về tai nạn giao thông rất hay, rất ý nghĩa là: “Nhanh một phút mà chậm một đời”. Hãy làm cho mọi thị dân hiểu rõ điều đó.

Ngô Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển

Ngày 2/5, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức công bố quyết định kiểm toán Dự án (DA) thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 (DA đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình) và đường 2 đầu cầu (DA Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An).

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

TIN MỚI

Return to top