ClockThứ Năm, 07/11/2013 11:20

Ì ạch những công trình giao thông

TTH - Đã đến cuối năm 2013 nhưng nhiều dự án giao thông được triển khai thi công từ những năm trước vẫn ì ạch. Sự chậm chạp của nhiều dự án không chỉ ảnh hưởng đến lưu thông đi lại mà còn gây lãng phí trong đầu tư, hiệu quả mục đích xây dựng bị giảm sút...

 

Hiệu quả giảm sút

 

Chúng tôi trở lại công trình đường Thủy Phù - Vinh Thanh sau gần 3 năm triển khai nâng cấp. Công trường ngừng thi công. Đoạn qua xã Thủy Phù, taluy 2 bên lòng đường cũ được đào sâu gần 1 mét để xử lý mở rộng lòng đường nhưng vẫn để vậy, cỏ đã lên xanh. Từng đoàn ô tô, xe máy cứ ì ạch tránh nhau để qua đoạn đường hẹp.... Theo thiết kế mới, nền đường này được mở rộng từ 7 mét lên thành 12 mét, mặt đường được thảm 2 lớp bê tông nhựa; gia cố lề mỗi bên 2 mét; bố trí hệ thống an toàn giao thông và các hạng mục khác, với tổng mức đầu tư hơn 155 tỷ đồng. Công trình do Công ty cổ phần Thành Đạt trúng thầu thi công trong thời gian 3 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 năm mà mới nâng cấp đoạn từ cầu Đại Giang đến TL10 và thảm bê tông nhựa 4km đoạn qua Vinh Thanh, với giá trị thực hiện khoảng 65 tỷ đồng... Ông Hoàng Ngọc Lợi, Chỉ huy trưởng công trường nói: Công trình đã buộc phải tạm dừng nhiều tháng nay, vì không có vốn!

 

Đường Thủy Phù - Vinh Thanh đã được đào sâu 2 bên để mở rộng mặt đường nhưng đã ngừng thi công

 

Nguyên thủy đây là tỉnh lộ 18, điểm đầu nối với QL1A tại nút giao thông tuyến tránh Huế và điểm cuối nối với QL49B tại xã Vinh Thanh. Tuyến đường được nâng cấp với mục tiêu thực hiện chức năng giao thông phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn, phát triển hạ tầng giao thông làm tiền đề xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho nhân dân khu vực đầm phá, ven biển… Do thi công ì ạch nên hiệu quả của công trình bị giảm sút theo thời gian...

 

Bước vào mùa mưa năm nay, người dân thôn Vinh Phú, xã Phong Xuân (Phong Điền) cũng kêu trời với tuyến đường nối từ TL11B ngang thôn. Đây là tuyến đường chính, lâu nay vẫn đi lại bình thường. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, tuyến đường được mở rộng ra có đoạn đến 9 mét. Sau khi vận động người dân giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương đã cho xe máy vào múc đất đôn lên mặt đường rồi để vậy. Do không được san ủi kịp thời nên đã hình thành chỗ cao chỗ thấp, mưa xuống đất đỏ nhão ra, gây khó khăn cho đi lại. Ông Trần Quang Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho hay: “Tuyến đường này trước mắt chỉ làm đến đó thôi, sau này có kinh phí mới thảm nhựa hoặc bê tông. Các thôn đã thống nhất từ trước, tự ra ban ủi để đi...” Trong lúc, người dân thấy thực trạng tuyến đường như vậy cứ nghĩ là chưa xong, nên vẫn đợi chờ. Có người nói: “Mùa nắng không thi công, đợi đến mùa mưa mới thi công, thà đừng làm còn hơn(!)...”

 

Chỉnh trang, nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ (TP Huế) được xác định là một trong những công trình trọng điểm trong năm 2012. Tuy nhiên, đến nay đã cuối năm 2013 rồi mà dự án vẫn “án binh bất động”. Ông Nguyễn Đình Cáng, Giám đốc Ban Đầu tư Xây dựng TP Huế cho biết: “Nguyên nhân chính khiến công trình Điện Biên Phủ chậm triển khai thi công là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng quá chậm. Nếu công tác này được hoàn thành sớm thì dự án sẽ hoàn thành sớm...” Được biết, để xây dựng được công trình đường Điện Biên Phủ thì phải giải tỏa, đền bù 367 trường hợp; trong đó, có 20 hộ dân phải bố trí tái định cư nơi khác. Song đến nay, công việc định giá đền bù cũng như bố trí đất tái định cư đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và Tái định cư thành phố Huế đang nỗ lực để hoàn thành sớm có mặt bằng cho đơn vị thi công trong năm nay...

 

Lời kết

 

Ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho rằng, nguồn vốn khó khăn là trở ngại rất lớn trong triển khai thi công các dự án. Tinh thần chung của sở là vốn đến đâu thi công hoàn thành đến đó, theo kiểu cuốn chiếu; không thi công dàn trải, ảnh hưởng đến lưu thông đi lại. Trong năm nay, sẽ ưu tiên giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng QL1A; đồng thời, tập trung hoàn thành cầu Đông Ba, cầu Tả Trạch và một số công trình vừa và nhỏ khác. Sắp tới, Bộ GTVT hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế khoảng 15 tỷ đồng vốn bảo trì đường bộ, dự kiến để tu bổ một số tuyến đường xuống cấp, bảo đảm giao thông êm thuận...

 

Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp thì việc tính toán cũng như nâng cao hiệu quả của các dự án là rất quan trọng. Trước tiên là lựa chọn, ưu tiên những tuyến giao thông cần thiết cho phát triển. Đối với công trình chuyển tiếp, nếu khối lượng còn nhỏ thì nên tạm ứng vốn hoàn thành nốt, để sớm phát huy hiệu quả công trình. Một vấn đề nữa là quan tâm hơn nữa đến công tác giải phóng mặt bằng. Thực tế có nhiều dự án, do công tác giải phóng mặt bằng quá chậm mà phải kéo dài, giá vật liệu thay đổi, phải điều chỉnh nguồn vốn, gây lãng phí, làm cho nguồn vốn đã hạn hẹp lại càng khó khăn hơn. Vấn đề chọn thời điểm để thi công cũng rất cần thiết. Nên hạn chế khởi công, thi công trong mùa mưa để khỏi chịu sự ảnh hưởng của thời tiết đến tiến độ chất lượng của công trình; cũng như ảnh hưởng đến lưu thông cho người và phương tiện do công trình dở dang gây ra.

Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

TIN MỚI

Return to top