ClockThứ Tư, 21/03/2012 05:31

Ký ức tháng Ba – Kỳ II: Hào khí Quảng Điền

TTH - Ngày 23/3/1975, một đơn vị quân chủ lực có xe tăng yểm trợ, sau khi giải phóng toàn bộ vùng biển Quảng Trị đã tiến thẳng vào vùng Ngũ Điền, giải phóng quận lỵ Hương Điền ở Điền Hải (Phong Điền), tiến thẳng vào cửa Thuận An, giải phóng xã Quảng Ngạn (nay là Quảng Công và xã Quảng Ngạn - Quảng Điền), mở màn giải phóng toàn bộ huyện Quảng Điền. Cùng đoàn quân giải phóng, nhân dân các xã Quảng Thái, Quảng lợi, Quảng Vinh, Quảng Phú… đã tiến công nổi dậy làm chủ địa bàn. 15 giờ, ngày 25/3/1975 cờ giải phóng được cắm trên nóc nhà dinh quận trưởng, chi khu trưởng quân sự Quảng Điền, báo hiệu sự sụp đổ của hệ thống ngụy quân, ngụy quyền nơi đây.

Vị Phó chỉ huy mặt trận cánh Bắc giải phóng Huế 1975, một người con ưu tú của Quảng Điền; vẫn dáng hao gầy, vừa mới phục hồi sau ca phẫu thuật, vẫn giọng từ tốn và còn khỏe khoắn của nhà lãnh đạo như cái tên ông Nguyễn Trung Chính (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế). Nhớ lại những ngày đầu giải phóng quê hương, không nói về mình, ông nói nhiều về những đồng chí, đồng đội và đặc biệt là người dân ở vùng địch hậu, công lao vĩ đại nhưng mộc mạc, âm thầm. Ông nói: chiến thắng lịch sử Xuân 1975 đã đi vào sử sách rồi. Đã có rất nhiều sách báo, tài liệu lịch sử ghi lại, duy có điều cho đến hôm nay, riêng tôi, vẫn còn cứ băn khoăn: chúng ta nói và viết về những người dân một lòng một dạ chịu đựng gian khổ hy sinh góp công làm nên kỳ tích còn ít quá. Các cậu là nhà báo, nhà văn, cần tìm hiểu để viết nhiều về cái đó. Đã gần bốn chục năm rồi, nhưng những nhân chứng sống vẫn đang còn đó và họ vẫn đang âm thầm, bình dị sống và tiếp tục cống hiến, hy sinh cho đến tận bây giờ. Có được chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 là sự tiếp nối của hào khí cách mạng Tháng Tám 1945, hào khí của mùa Xuân 1968. Sống trong lòng địch nhưng người dân vẫn một lòng một dạ, luôn luôn hướng về cách mạng.

Ngày 28/2/1975, Tỉnh ủy Thừa Thiên mở hội nghị bàn về công tác chuẩn bị chiến dịch tấn công và nổi dậy. Ông Nguyễn Trung Chính được chỉ định làm Trưởng ban chỉ đạo cánh bắc Huế, gồm ba huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền. Ông Nguyễn Hữu Hường (tức Thọ Hường), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hương Trà làm Phó ban; ông Trịnh Đình Phung, Tỉnh đội phó; Trần Văn Luyện, Bí thư Huyện ủy Phong Điền; Nguyễn Thanh Ba, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền là thành viên Ban chỉ đạo. Cũng vào thời điểm này, Khu ủy và Quân khu Trị Thiên Huế thành lập Bộ Chỉ huy Mặt trận cánh Bắc Huế có mật danh là Mặt trận Y. Với trọng trách Phó Chính ủy Mặt trận Y, ông Nguyễn Trung Chính được phân công chỉ huy lực lượng tác chiến tiền tuyến, vùng đồng bằng. Đại bản doanh được bí mật đặt tại Quảng Điền.

Rạng sáng 7/3, vị Phó chỉ huy tuyến trước đã luồn sâu cùng cánh quân bí mật đến địa điểm tập kết ở Triều Dương một cách an toàn mà kẻ địch dù bố phòng rất nghiêm ngặt vẫn không hay biết. Cũng ngay chiều hôm ấy, Trung đoàn 4 (Quân khu Trị Thiên), Quân đoàn II đồng loạt tấn công địch ở tuyến giáp ranh Hải Lăng (Quảng Trị). Tiếng súng rền vang rúng động cả ba huyện Phong - Hương - Quảng. Ông Nguyễn Trung Chính nhớ lại:

- Đúng vào hai giờ chiều như ngày hôm nay (8/3), tôi theo đội hình K15 (Trung đoàn 4) về xã Quảng Thái chỉ huy bao vây đồn Đông Hồ. Nửa đêm về sáng 9/3, ta đã đánh chiếm nhanh chóng hai đồn địch Đông Hồ và Sơn Tùng. Ngày 9/3, ta đã hoàn toàn làm chủ xã Quảng Thái. Nhân dân ở đây vô cùng phấn khởi, giúp bộ đội giải phóng nắm tình hình địch, cung cấp lương thực thực phẩm và cả bảo vệ cán bộ. Đây là thời kỳ ta làm chủ đồng bằng vào ban đêm. Ban ngày, địch thường tổ chức các cuộc phản kích vào những nơi nghi có lực lượng của ta, nhưng luôn bị đánh trả và bị pháo kích của quân chủ lực nên chúng chỉ chuốc lấy tổn thất và lui quân… Nói đến đây, giọng của ông Chính bỗng chùng xuống, có gì như tắc trong cổ họng ông. Ông kể: Tôi nhớ một kỷ niệm đau buồn đêm 30 tháng Giêng năm Ất Mão (12/3/1975), trong mưa gió và rét buốt, chúng tôi đưa tiễn những đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Trong đêm tối, không hương hoa, chỉ có những tiếng nấc. Những cô gái đang độ thanh xuân vừa mới hôm qua phơi phới, háo hức đợi chờ giờ phút gặp lại mẹ già và người thân… thế mà họ lại ra đi lúc này. Cô Nguyễn Thị Bé, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng bộ xã; Nguyễn Thị Tiệm, Văn Thị Vững, Lê Thị Đào là những cán bộ trong đội công tác, những con thoi nối liền người dân vùng địch hậu với hậu cứ, họ đã ngã xuống trong chiến đấu, ra đi mãi mãi tuổi hai mươi trước ngày quê hương được giải phóng. Họ là những anh hùng liệt sĩ, đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước. Đâu chỉ có những người tôi đã nhắc tên. Câu chuyện về bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Nào ở Quảng Vinh, Quảng Điền là gương điển hình của nhiều gia đình như thế. Mẹ Nào có ba người con trai, cả ba đều chiến đấu hy sinh trên đất Quảng Điền. Trong một đêm mưa gió, địch phục kích và bắn chết đồng chí Doanh, một cán bộ hoạt động bí mật ngay tại vườn nhà mẹ Nào. Kẻ địch lùng sục và phát hiện hầm bí mật tại nhà mẹ. Bọn địch tra tấn mẹ rất dã man, nhằm buộc mẹ phải khai báo việc nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cắn răng chịu đựng đòn tra, mẹ Đoàn Thị Nào nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Hầm bí mật này tao đào để giấu con tao kẻo tụi bay bắt lính, chứ nuôi giấu Việt cộng cái chi. Còn người chết trong nương (vườn) nhà thì phải chôn cất cho người ta chứ. Không làm thế thì là kẻ bất nhân, chứ tao đâu biết người chết là Việt Cộng hay Việt chi…”. Sau đó, kẻ địch đã bắt mẹ Nào giam ở lao Thừa Phủ - Huế. Hầm bí mật tại nhà mẹ Nào đã từng nuôi giấu cán bộ chủ chốt của Huyện ủy Quảng Điền. Mẹ thuộc lòng tên từng người và biết họ ở đâu, nhưng một mực không khai báo. Lòng dân Quảng Điền với cách mạng là thế đó.

Thông tin liên quan:

>> Kỳ I: Hương Xuân, cửa khẩu phía bắc giải phóng Huế

Tôi theo đoàn quân chiến thắng về thăm lại chiến trường xưa Quảng Điền vào một ngày đầu xuân. Quảng Điền nắng đẹp dát vàng trên những cánh đồng lúa xanh rờn đang thì con gái. Những cựu chiến binh một thời lửa đạn, ngực lấp lánh huân chương quây quần bên những người thân giữa cánh đồng Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Thái, Quảng Lợi… nơi một thời là chiến trận. Bên dưới cánh đồng lúa xanh mướt này vẫn còn đâu đó những đồng đội, người thân còn nằm lại. Những nén hương trên tay đồng đội đang gọi các anh về họp mặt. Nhìn những con đường được thảm nhựa, nối liền các xã về với trung tâm thị trấn Sịa cùng nhiều công trình mới đang mọc lên giữa vùng quê chiêm trũng ai cũng bồi hồi. Quảng Điền bây giờ đã thay đổi nhiều. Những xóm mạc trong chiến tranh xác xơ cây cỏ giờ đã sầm uất. Đâu đâu cũng có nhà cao tầng. Hệ thống điện đã vươn về tận từng xóm ngõ. Chị Lành, một chiến sĩ du kích từng dẫn đoàn quân về giải phóng Quảng Điền, mừng mừng, tủi tủi nói trong nước mắt: Ngày xưa đón các anh về lầm lũi trong đêm, “đi không dấu, nấu không khói”; giờ đón các anh trong cờ hoa hân hoan bạch nhật. Các anh ở lại nhé, để cùng đào hầm mắc võng, ăn cơm vắt… chắc là ấm cúng và ngon miệng hơn cả tiệc tùng hôm nay… Một vị đại tá ôm lấy chị và khóc làm cho mọi người ai cũng lấy tay lau nước mắt. Chúng tôi sẽ trở lại, trở lại với bà con Quảng Điền...

 Bài và ảnh: Tâm Hành

(Còn nữa)

 

Lễ khánh thành tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại thị trấn Sịa (Quảng Điền)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Return to top