ClockThứ Sáu, 28/06/2019 19:18

Lập đề án tổng thể tổ chức giao thông TP. Huế và vùng phụ cận

TTH.VN - Chiều 28/9, liên quan đến các vấn đề Báo Thừa Thiên Huế nêu về việc thu hút đầu tư hệ thống giao thông tỉnh bằng nguồn xã hội hóa, biện pháp xử lý ùn tắc giao thông, bố trí thích hợp tuyến đường Nguyễn Huy Tự, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Đình Bách cho biết, tỉnh đang lập đề án tổng thể tổ chức giao thông toàn TP. Huế và vùng phụ cận.

Tìm giải pháp cho bãi đỗ xeSớm triển khai các bãi đỗ xe trên địa bàn TP HuếCần xử lý triệt để “xe dù”, “bến cóc”Giao thông tĩnh sẽ hết "tĩnh"?Bãi đỗ xe ô tô: Sớm quy hoạch với lộ trình lâu dàiBãi đỗ xe cho TP Huế: Đã là điều bức thiết

TP. Huế đang thiếu hệ thống giao thông tĩnh, trong khi bến xe Nguyễn Hoàng có dấu hiệu quá tải

Khó xã hội hóa vì giá thuê đất quá cao

Báo Thừa Thiên Huế quan tâm về việc tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư, xã hội hóa xây dựng bãi đỗ xe những có điểm giá thuê đất lên đến 3 tỷ đồng mỗi năm, khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư? Tỉnh đã có kế hoạch gì nhằm đáp ứng nơi đỗ xe tại TP Huế khi lượng xe cộ càng ngày nhiều?

Ông Nguyễn Đình Bách khẳng định, xã hội hóa các dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe nhằm giải quyết giao thông tĩnh cho địa bàn TP. Huế đã được UBND tỉnh nghiên cứu và cho chủ trương từ nhiều năm qua, nhưng việc thực hiện chưa triển khai được do chưa có cơ chế thích hợp để khuyến khích các nhà đầu tư.

Cụ thể, dự án bãi đỗ xe cầu Dã Viên tại công viên Phú Xuân với quy mô rộng khoảng 4.500m2, kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 8 tỷ đồng phục vụ đỗ xe du lịch giảm tải cho bến Nguyễn Hoàng và trung chuyển khách du lịch bằng xe điện tham quan Đại Nội ra Cửa Nhà Đồ. Đây là dự án rất thiết thực và cấp bách hiện nay, tuy nhiên việc kêu gọi đầu tư không khả thi được do giá thuê đất để đầu tư quá cao, dự kiến 3 tỷ đồng/ năm (do tính giá thuê đất đầu tư điểm đỗ xe được tính như giá đất thương mại dịch vụ).

Do đó, UBND TP. Huế đã có văn bản trình UBND tỉnh xem xét tham mưu điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc nghiên cứu cơ chế trích một phần kinh phí từ nguồn thu phí tham quan di tích để hỗ trợ xây dựng các thiết chế phục vụ du lịch.

Vấn đề này, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải lập đề án tổng thể tổ chức giao thông toàn TP. Huế và vùng phụ cận, trong đó có quy hoạch bãi đỗ xe, phân lại luồng giao thông...

Xem xét sử dụng hiệu quả đường Nguyễn Huy Tự

Đường Nguyễn Huy Tự hiện vẫn là đường nội bộ của Bệnh viện Trung ương Huế

Việc tuyến đường Nguyễn Huy Tự giữa Bệnh viện Trung ương Huế với UBND tỉnh lâu nay chưa được sử dụng hợp lý, ông Nguyễn Đình Bách cho rằng, năm 2010, Bệnh viện Trung ương Huế có văn bản gửi UBND tỉnh, UBND TP. Huế, Sở Giao thông vận tải về việc tạm thời được sử dụng đường Nguyễn Huy Tự để thi công xây dựng công trình Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế và đã được UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản.

Năm 2014 sau khi bệnh viện đã xây dựng xong Trung tâm Điều trị, UBND phường Vĩnh Ninh đã có văn bản về việc xin mở lại đường Nguyễn Huy Tự nhằm mục đích đảm bảo trật tự đô thị và giảm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại đường Ngô Quyền. Thế nhưng, từ đó đến nay tuyến đường này vẫn chưa được mở mà trở thành tuyến đường nội bộ của Bệnh viện Trung ương Huế.  

Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Đình Bách cho biết, hiện UBND tỉnh đang triển khai quy hoạch và dự kiến xây dựng tuyến đường A2 phía sau UBND tỉnh, giữa Bệnh viện Quốc tế và UBND tỉnh nối đường Lê Lai và đường Nguyễn Huy Tự. UBND tỉnh sẽ làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế để thống nhất phương án triển khai thực hiện. Riêng đường Nguyễn Huy Tự, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để có hướng sử dụng hợp lý tuyến đường này.

Có phương án phân luồng giao thông hợp lý

Một số tuyến đường trung tâm TP. Huế cần bố trí giao thông hợp lý để tránh ùn tắc. Trong ảnh: Xe cộ lưu thông trên đường Lê Lợi

Hiện nay, tình trạng đường xá chật hẹp hay gây nên tình trạng ùn tắc trên một số tuyến đường (như đường Ngô Quyền, đường Lê Lợi đoạn trước mặt khách sạn Century). Tỉnh xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Bách thông tin, từ ngày 20/7/2016, UBND tỉnh đã có quyết định về việc giao cho UBND TP. Huế trực tiếp tổ chức quản lý các tuyến đường đô thị kể từ ngày 25/7/2016. Theo đó, đối với đường Ngô Quyền, UBND TP. Huế đang nghiên cứu, dự kiến sẽ: Đoạn từ đường Hà Nội đến đường Hai Bà Trưng: Phân luồng giao thông một chiều cho xe ô tô; đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Phan Bội Châu: Phân luồng một chiều cho xe ô tô và cấm xe ô tô trên 16 chỗ. Ngoài ra, cấm đỗ xe trên toàn tuyến đường Ngô Quyền; chỉ được đỗ xe đối với những vị trí có hạ vỉa hè làm giao thông tĩnh.

Đối với đường Lê Lợi, giữ nguyên hiện trạng. Hiện trạng tuyến đường Lê Lợi có điểm đầu giao Bùi Thị Xuân, điểm cuối giao đường Nguyễn Công Trứ dài 2,26km mặt đường 4,5+10,5+6m. Tổ chức giao thông trên tuyến đường Lê Lợi gồm: đoạn từ cầu Ga đến Nguyễn Huệ cắm biển hạn chế tải trọng 15 tấn; đoạn còn lại từ Nguyễn Huệ đến Nguyễn Công Trứ cắm biển báo cấm xe tải. Ngoài ra, cắm biển báo cấm dừng, cấm đỗ: hướng Nguyễn Huệ đến Cầu Ga; các đoạn cắm biển báo cấm đỗ xe gồm: hướng từ Đội Cung đến Chu Văn An, hướng Đập Đá đến Chu Văn An và hướng Nguyễn Đình Chiểu đến Bà Huyện Thanh Quan.

Trong đề án tổ chức giao thông, UBND TP. Huế sẽ nghiên cứu cụ thể và đưa ra giải pháp thích hợp.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà, tiếp nhận 319 đơn vị máu đợt 3

Ngày 4/4, Hội Chữ thập đỏ thị xã Hương Trà phối hợp với Trung tâm Huyết học truyền máu – Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 3 năm 2024.

Hương Trà, tiếp nhận 319 đơn vị máu đợt 3
Return to top