ClockThứ Ba, 28/12/2010 05:29

Mô hình đại học vùng, người trong cuộc nói gì?

TTH - Sự bất cập của mô hình đại học vùng đã âm ỉ tồn tại từ lâu và một sự thực không thể phủ nhận là nhiều trường đại học thành viên của Đại học Huế đã trở nên “bé lại”, mất hẳn danh tiếng vốn có trước đây kể từ khi gia nhập “mái nhà chung” Đại học Huế.

Từ chuyện xin ra khỏi Đại học Huế của Trường đại học Nghệ thuật

TS. Phan Thanh Bình bức xúc khi đề cập về những bất cập của mô hình đại học vùng: “5 năm trời, Trường đại học Nghệ thuật không được đầu tư xây dựng một công trình nào. Lương trả cho giáo viên, năm nào cũng thiếu, trường phải đi vay mượn để trả”. Cũng tại buổi làm việc kể trên, TS. Phan Thanh Bình dẫn chứng thêm những bất cập khác kể từ khi trở thành một thành viên của mô hình Đại học Huế, đó là việc nhà trường chỉ được cấp ngân sách bằng 50% so với các trường mỹ thuật khác trong cả nước. “Hai trường đại học Nghệ thuật ở Hà Nội và TP.HCM thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đều được Nhà nước cho quyền thu 200.000 đồng/thí sinh thi vào khối nghệ thuật, thế nhưng Đại học Huế chỉ chi cho chúng tôi 140.000 đồng, còn 60.000 đồng họ giữ lại. Nếu không thuộc Đại học Huế, trường sẽ có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, không nộp 8% tiền điều hành học phí chính quy, 4% tiền điều hành học phí không chính quy cho Đại học Huế. Thứ hai, không mất những khoản như dự án xây dựng đáng lẽ đã được đưa về trường mà không cần phải khổ nạn đối ứng”, ông Bình cho hay.
“10 tỷ đồng là số tiền Đại học Huế đầu tư cho trường từ khi gia nhập Đại học Huế năm 1994 đến nay - một con số quá nhỏ so với sự đầu tư của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - và từ 2006 đến nay, chúng tôi chưa có nguồn kinh phí bổ sung nào ngoại trừ 1 tỷ đồng trong năm nay chỉ để sửa chữa nhỏ. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần với Đại học Huế nhưng vẫn không thay đổi được”, ông Bình cho biết. Điều này dẫn đễn sự bức xúc rất lớn trong cán bộ, giảng viên và các đoàn thể, các khoa trong trường. Thật không lạ khi một cựu giảng viên của trường này đã nói thật rằng: “Nếu có ba điều ước, tôi sẽ ước: điều 1 là ra khỏi Đại học Huế, điều 2: ra khỏi Đại học Huế và điều 3 cũng là... ra khỏi Đại học Huế”.
Mô hình đại học vùng: chiếc áo quá chật!
Không chỉ Trường đại học Nghệ thuật mà từ lâu, không ít các trường thành viên khác, dù không nói ra, cũng âm thầm muốn rút khỏi mô hình đại học vùng để đứng độc lập. PGS.TS. Nguyễn Văn Tận, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, đã đặt thẳng vấn đề: “Có nên vào đại học vùng hay không khi vào đó trường trở nên nhỏ hơn?” Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Văn Tận, giờ đây nói Đại học Khoa học nhiều người không biết, chứ trước nói đến Đại học Tổng hợp Huế thì ai cũng biết tiếng tăm của nó.

Trò chuyện trên sân trường.

Trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Trường đại học Sư phạm Huế, PGS.TS. Lê Văn Anh, Hiệu trưởng nhà trường cũng đã đưa ra những hạn chế của mô hình đại học vùng: “Vào đại học vùng, tự nhiên trường bé nhỏ hẳn, vị thế cũng nhỏ đi. Kinh phí Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp cho đại học vùng quá ít trong khi đại học vùng có nhiều trường đại học thành viên...”. Một số ý kiến của các giảng viên Trường đại học Sư phạm Huế cho rằng, Trường đại học Sư phạm Huế giờ còn thua cả Đại học Sư phạm Quy Nhơn, nếu đứng độc lập không vào Đại học Huế thì giờ đây trường đã phát triển hơn nhiều!
PGS.TS. Trần Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm từ năm 2000 đến 2009 cho rằng, tồn tại lớn nhất của việc trở thành thành viên mô hình đại học vùng là sự phát triển về cơ sở vật chất của các trường bị hạn chế.
Có còn phù hợp?
Theo TS. Phan Thanh Bình, “mô hình Đại học vùng như Đại học Huế bộc lộ quá nhiều bất cập và bất công. Trong khi các trường đại học dân lập được độc lập phát triển thì những trường như chúng tôi lại bị dồn lại trong một cái “om” mô hình quá chật chội và ngột ngạt. Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tôi đã chính thức có ý kiến xin cho Trường đại học Nghệ thuật Huế ra khỏi Đại học Huế. Cũng tại buổi làm việc này, PGS.TS. Trần Văn Phước, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ đưa ra ý kiến, trường nào có thể tự chủ thì nên giao thẳng quyền tự chủ cho trường đó. Việc trực thuộc Đại học Huế khiến cho vị trí các trường đại học trở nên thấp hơn các trường độc lập khác, kinh phí về trường cũng chậm và ít hơn những trường độc lập cũng chính là lý do lãnh đạo một số trường thành viên khác của Đại học Huế đưa ra đề nghị, Đại học Huế nên trao thêm quyền tự chủ cho các trường thành viên.
Không phủ nhận hoàn toàn mô hình đại học vùng, ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Trần Văn Minh cho rằng, ý tưởng hình thành những trung tâm đào tạo đại học có tầm cỡ ở Việt Nam, đặc biệt là những vùng lớn, như đại học vùng là ý tưởng hay và là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, sự chuẩn bị cho nó và cách làm chưa tốt nên trong quá trình vận hành còn nhiều trục trặc mà chính những trục trặc ấy làm chậm quá trình phát triển của những trường thành viên được quyết định tham gia vào đại học vùng. “Hai đại học quốc gia là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã phải tổ chức lại, điều này có nghĩa là nhiều trường thành viên trong Đại học Quốc gia đó được quyết định ra khỏi đại học quốc gia và hiện tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh từ chỗ có 7-8 trường thành viên, giờ chỉ còn 2-3 trường nằm trong đại học”, PGS.TS. Trần Văn Minh đưa ra dẫn chứng. Cũng theo ông thì bây giờ không nên đặt vấn đề là có hay không có mà vấn đề là làm sao để nó vận hành tốt: các trường vẫn là những trường mạnh có thể phát triển được, và Đại học Huế - trung tâm đại học này vẫn phát triển được. Bàn theo hướng ấy hay hơn là bàn theo kiểu có nên bỏ nó hay không vì 14 năm bao nhiêu công sức, tiền của đã bỏ ra. Đương nhiên là không nên “phình” bộ máy cán bộ hành chính của Đại học Huế. Đại học Huế phải là cơ quan chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và điều tiết, kiểm tra và tạo những cơ hội thuận lợi cho các trường thực hiện chức năng nhiệm vụ về cơ sở đào tạo của mình thì hay hơn là làm thay công việc của các trường. Các trường phải có quyền của cơ sở đào tạo đại học mà muốn như vậy, đội ngũ Đại học Huế phải tinh”.
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế, cũng đã thừa nhận có nhiều mâu thuẫn giữa các trường đại học thành viên và Đại học Huế về quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi trong tương quan với các trường đại học đơn ngành trực thuộc Bộ; nhiều chồng chéo trong các hoạt động điều hành, quản lý giữa Đại học Huế và các trường thành viên. Từ đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn đã kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết mô hình đại học vùng theo hướng xây dựng mô hình hai cấp trên cơ sở tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đại học và có cơ chế đặc thù về tài chính; đề nghị Bộ có cơ chế về tài chính cho một số ngành năng khiếu đặc thù như ngành nghệ thuật, các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư và khối ngành cơ bản; xác định vị trí của các trường đại học thành viên thuộc đại học vùng trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học... Cũng tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc hình thành các khu đại học tập trung là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, phải làm rõ sự tham gia của Đại học Huế vào việc tổ chức hoạch định của các trường thành viên, sự quản lý của Đại học Huế đối với các trường đến đâu. Đại học Huế nên dành quyền tối đa cho các trường. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành khác trong sự quản lý, tăng tự chủ cho các trường đại học nhưng tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm của trường hai cấp...
Dù khá muộn nhưng Hội nghị tổng kết 15 năm mô hình đại học vùng sắp tới được xem là rất cần thiết nhằm tổng kết những mặt được và chưa được của mô hình đại học vùng, từ đó đưa ra những sự thay đổi lớn đối với mô hình vốn còn tồn tại nhiều bất cập này...
Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Return to top