ClockThứ Ba, 12/05/2020 14:25

Mong muốn bình dị

TTH - Qua vệt nắng chiếu từ góc vườn, làn da của Kim ngăm hẳn lại sau vụ lúa vừa thu hoạch.

“Lâu rồi, em chưa được đi biển – Kim nói – Chị tính con cái đùm đề như ri, lúc mô em cũng loay xoay mãi mới hết việc. Mà xuống biển, từ nhà em phải gần 30 km; rồi còn tiền ăn, nước uống cho lũ nhỏ. Chả lẽ cái chi mình cũng bới theo hết? Muốn có chỗ ngồi được được chút thì cũng phải ghé đỡ một cái quán nào đó, kêu thiệt là ít nhưng như rứa cũng gần hai ngày công của chồng em rồi…”.

Qua vệt nắng chiếu từ góc vườn, làn da của Kim ngăm hẳn lại sau vụ lúa vừa thu hoạch. Cô đang trong một công việc mở, làm nửa ngày trong thành phố để buổi chiều có thể lo việc nhà. Khi đã gần hơn, Kim kể chiếc xe mà cô đang đi, hai vợ chồng góp sắp xong. Mấy thứ trong nhà, như quạt điện, nồi nấu cơm… đều có được từ góp, có cái theo tháng, có thứ theo tuần. “Rứa mà nhiều khi em cũng phải giật tạm chỗ ni chỗ tê để kịp trả cho người ta, nhưng cũng mừng vì dần dà qua được hết chị à!".

Không biết có phải vì ở quê, hay đã quen với việc cất nép, thu vén, nên Kim gom từng chút những gì được cho; có chút gì ngon được mời, cô lại dành dụm mang về cho mấy đứa nhỏ. Có hôm tôi tìm mãi mới được chiếc áo rộng nhất đưa Kim mặc tạm vì chẳng may áo cô bị toạc một đường chỉ. Vậy mà hai chiếc mua mới tôi gửi sau đó, mãi chưa thấy Kim mặc. Hỏi thì cô bẽn lẽn “em dành lại, để khi mô đi có việc chi…”.

Kim làm tôi nhớ lại hình ảnh của mình, hơn 30 năm trước. Ngày đó, dì tôi gửi sang cho đứa cháu hai bộ đồ cũ. Má tôi cầm ra chợ, thuê người ta sửa lại. Tôi hồ hởi đi kiếm một bì rau đầy cho lũ heo ở nhà từ lúc 1 giờ chiều để sớm được mặc chúng. Nhớ luôn cảm giác khát khao và thèm muốn có một bộ áo quần đẹp như người ta mà mình nhìn thấy trên đường. Tôi cũng đã nghĩ mãi về chiếc quần jeans đầu tiên và chỉ có thể sở hữu nó sau một tháng đi làm việc…

Chiều qua, lũ trẻ nhà Kim phấn khích cười nói và nhún nhảy trên xe ô tô trên đường ra biển. Mọi thứ với chúng đều lạ lẫm. Chồng Kim tự nhiên nói ít hơn ngày thường. Tôi nhìn qua gương chiếu hậu, thấy Kim ôm đứa nhỏ nhất và đôi mắt trông thật là vui. Mà cả hai vợ chồng Kim nữa, bảo thấy Thuận An bữa nay sao lạ quá, đường xá đẹp hơn, quán xá cũng ngăn nắp và con đường từ bãi cát xuống biển cũng sạch tưng chứ không đầy rác được xả ra như một ngày đó, rất xa mà vợ chồng em từng thấy.

Có những việc với người này là quá đỗi bình thường, nhưng với người khác lại là một cái gì đó quá đỗi xa vời. Nên nếu có thể, hãy dừng lại và chia sẻ với nhau, một chút, để biết cuộc đời này còn nhiều điều để vui, và thương.

An Bình Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cá nục - món ngon bình dị

Khi những chú ve bắt đầu dạo nhạc báo hiệu mùa hè đang đến, những chú cá nục béo ngon nung núc cũng đã có mặt khắp các rổ trong hàng cá. Mấy bà nội trợ lại kháo nhau: “Hôm ni cá nục xanh chợ!”.

Cá nục - món ngon bình dị
Cử tri mong muốn nhiều hơn những chính sách đột phá

Nhiều vấn đề trọng tâm đã được đưa ra bàn bạc, thảo luận, cho ý kiến; nhiều nội dung được thông qua bằng nghị quyết, đặc biệt những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh tại Kỳ họp thứ 5 phần lớn được giải quyết. Song, thực tiễn hiện nay, cử tri vẫn còn nhiều kỳ vọng.

Cử tri mong muốn nhiều hơn những chính sách đột phá
Đáp đền tiếp nối

Mong muốn xoa dịu nỗi đau, mất mát của những cá nhân, gia đình đã hiến dâng xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, phường Hương Chữ luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác “đền ơn, đáp nghĩa” với nhiều hoạt động thiết thực.

Đáp đền tiếp nối
Bình dị giữa phố phường

Giữa bao hối hả của dòng người qua lại, đâu đó trên những góc phố có những con người lặng lẽ với những công việc mà mình lựa chọn. Họ làm để mưu sinh, để tìm niềm vui thường nhật và để khẳng định ý nghĩa của cuộc sống là được làm việc, được lao động như bao nhiêu người khác.

Bình dị giữa phố phường
Return to top