ClockThứ Hai, 15/02/2021 11:47

Một Huế hạnh phúc

TTH - Nói gì thì nói, muốn hạnh phúc thì trước tiên “cái bụng phải no” đã. Rồi dần dà, chẳng những no vật chất đơn thuần mà phải no theo cách ngon, sung sướng, thưởng thức, khoa học… Nghĩa là, không chỉ ăn no mặc ấm mà phải ăn ngon mặc đẹp. Thế là một bước tiến lớn về chất lượng sống rồi còn gì!

Cơ hội thực hiện “Giấc mơ Huế”Huế & khát vọng tư tưởng xanh

Chờ đón năm mới. Ảnh: Văn Trung

Nhưng chúng ta cũng không ngây thơ mà tin rằng, cứ ăn cho no, cho sung sướng… là hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ là của riêng một người mà còn bao hàm yếu tố xã hội nữa, nó mới trọn vẹn. Sống ở một nơi an ninh trật tự tốt, yên tâm hơn rất nhiều. Nhìn quanh mình ai cũng vươn lên khá giả, chúng ta sẽ đỡ chuyện “đèo bồng” giúp đỡ nhau hơn; sống với một cộng đồng vui tươi, hiểu biết, chia sẻ vui buồn… chúng ta sẽ càng thú vị hơn. Sống trong một môi trường sạch sẽ, nề nếp, trong lành chúng ta sẽ thấy cuộc sống này đáng yêu hơn biết chừng nào!

Và rồi, cái đời sống tinh thần nữa. Đời sống tinh thần chỉ trở nên phong phú khi nó được nuôi nấng trên một bề dày văn hóa. Đời sống ấy không đứng yên mà ngày càng bồi đắp dày thêm, bổ sung thêm những giá trị mới. Nói thẳng ra hạnh phúc là phải đạt được và hài hòa cả hai yếu tố - vật chất và tinh thần.

Đời sống vật chất của Huế, của người dân Huế giờ đây thế nào?

Có thể chưa bằng một số đô thị khác, nhưng Huế có đầy những yếu tố thế mạnh cho sự cạnh tranh  phát triển, trong cả hiện tại và tương lai. Đó là nhờ một Huế khác biệt – nền tảng văn hóa phong phú được vun đắp suốt chiều dài lịch sử; cảnh quan thiên nhiên trời phú đẹp và mở rộng; rồi hàng loạt trung tâm có thế mạnh như giáo dục, y tế chuyên sâu; khoa học công nghệ… được xác định; một thành phố Festival của cả nước. Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng chúng ta thấy hạ tầng của Huế, từ thành thị đến nông thôn được đầu tư rất mạnh trong thời gian qua để bây giờ có một cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Chỉ tính từ năm 2016 đến 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã đạt hơn 100.000 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng trung bình 11% năm.

Năm 2020 so với năm 2016, quy mô kinh tế có mức tăng 1,6 lần. Thu nhập bình quân đầu người tính ra cũng gần 2.170 USD, đứng thứ 3 ở vùng Duyên hải miền Trung. Nhưng điều đáng kỳ vọng để cho cái túi ngân sách của tỉnh, cái túi của người dân chặt hơn trong tương lai, đó là miếng bánh kinh tế có nhiều cơ hội phát triển với tốc độ nhanh hơn: ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư vào Huế, điều này sẽ tạo nên một sức bật mạnh mẽ. Cầu tiêu dùng kỳ vọng sẽ tăng cao khi du lịch phát triển mạnh, thu nhập của người dân nhiều hơn. Chúng ta có thể hình dung quy mô kinh tế của Thừa Thiên Huế thời gian tới nó như thế này: Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của tỉnh xác định trong 5 năm tới, phấn đấu đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8,5%/ năm. Nếu đạt được con số đó thì đến năm 2025, quy mô kinh tế sẽ gấp đôi so với 10 năm trước (2016). Nói nôm na, nếu năm 2016 chúng ta chỉ có một cái bánh, thì giờ được hai cái…

Nhìn về vật chất là vậy. Còn đời sống văn hóa tinh thần và yếu tố xã hội của sự hạnh phúc thì chúng ta sẽ hình dung nó ra sao? Riêng tôi thì tưởng tượng rằng, Huế sẽ có một hấp lực. Điều này không hề là một sự bay bổng. Một nơi đẹp về cảnh quan thiên nhiên, giàu có về những giá trị văn hóa; an ninh đảm bảo, thân thiện (một thành phố thông minh, với sự tham gia kiểm soát của các thiết bị công nghệ sẽ kiểm soát được điều này). Đến Huế để học tập trong các trung tâm giáo dục đào tạo, tắm đẫm trong những không gian gợi cảm để làm khỏe mạnh hơn đời sống tâm hồn. Có một Huế cổ xưa, trầm mặc nhưng cũng có một Huế sôi động đầy sức sống, không thiếu chỗ cho suy tư và cũng không thiếu chỗ cho sự sôi động…

Gọi là Huế nhưng chúng ta không chỉ có Huế với không gian hiện tại, Huế sẽ mở rộng không gian gấp vài lần theo định hướng phát triển đô thị. Huế sẽ kéo dài về hướng biển. Huế sẽ mở rộng ra hướng Bắc, về hướng Nam… và có khi, cũng có một Huế ở đô thị Lăng Cô đang ngày càng thu hút du lịch và nhiều dự án lớn về cảng biển, năng lượng, kết nối với một đô thị trực thuộc Trung ương sôi động là Đà Nẵng. Huế cũng đã được Bộ Chính trị định hướng và Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần. Xa hơn nữa là kết nối với đô thị cổ Hội An về phía nam, với di sản thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng phía bắc. Có gì thuận lợi hơn với một vị trí có địa chính trị như vậy?

Khi tôi viết bài này, trời Huế vẫn đang mưa. Nhớ những ngày sau bão lũ tháng 10 của năm qua, đi trên đường bắt gặp rất nhiều đoàn xe với những dòng chữ “Hướng về miền Trung”, “Vì miền Trung thương yêu”... trước và bên hông xe. Tôi hiểu sâu sắc thêm về cái điều rằng, hạnh phúc không chỉ là của riêng một người mà còn bao hàm yếu tố xã hội, yếu tố cộng đồng nữa.

Đầy đủ về vật chất, vui tươi trong tâm hồn, cuộc sống đầy sự chia sẻ… thì là hạnh phúc, như Huế (trong một nghĩa rộng) đang được đón nhận và chia sẻ vậy!

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Return to top