ClockThứ Năm, 27/06/2013 11:41

Một nửa chông chênh

TTH - Sum họp, yêu thương, đỡ đần nhau trong cuộc sống là mơ ước, hạnh phúc của tất cả mọi gia đình. Nhưng vẫn có những người kém may mắn khi khuyết “một nửa yêu thương”.

Chòng chành nón không quai

Nghe tiếng chị C, chồng mất đã mười ba năm, một mình nhưng vẫn vững chãi bằng nghề “xe ôm”, chống chèo nuôi ba con ăn học nên người, chăm sóc mẹ chồng (là vợ liệt sĩ) chu đáo, chúng tôi tìm về xã Lộc Thủy (Phú Lộc). Phó Chủ tịch xã dẫn chúng tôi “lùng” mãi mới gặp chị C đang đỗ một khách xe ôm xuống chợ. Gỡ mũ bảo hiểm và chiếc khẩu trang lớn quấn kín mặt che nắng, chị C cười nhưng vẫn thoáng nét ngậm ngùi: “Không chỉ chạy xe ôm, tui còn phải vào vườn người ta mua chè xanh xuống chợ bán. Làm quần quật từ ba giờ rưỡi sáng đến tối mịt, nhiều khi thấy mệt mỏi vô cùng”. Ánh mắt người phụ nữ tuổi ngoài năm mươi chùng xuống nói về sự mỏi mệt thể xác lẫn tinh thần, khi phải một mình gánh luôn phần việc của đàn ông bươn chải mưu sinh nuôi cả gia đình, dạy dỗ con, phụng dưỡng mẹ già mù lòa. Câu chuyện với chúng tôi, ngay bên vệ đường, trong âm thanh ồn ào của chợ, cũng gấp gáp, vì có mối khách xe ôm quen đang đợi chị.

 Chị Kim (xã Lộc Thủy) lấy nước đưa ra chợ bán

Men theo con đường hẹp quanh co, chúng tôi tìm đến nhà chị Kim (xã Lộc Thủy) cũng hoàn cảnh chồng bị bệnh mất, bảy năm qua một mình nuôi ba đứa con ăn học, phụng dưỡng cha chồng già yếu. Thửa vườn rộng mát nhưng căn nhà thì cũ kỹ. “Ba tụi nhỏ mất đi, gia đình tui mất người trụ cột, chơi vơi lắm. Tất cả mọi việc đổ hết lên vai tui. Từ chăm sóc con cái đến tối tăm mặt mũi với công việc làm vệ sinh ở chợ, xách nước kéo từ giếng nhà bán cho các tiểu thương trong chợ, nuôi heo, trồng trọt các thứ rau trong vườn… Đôi khi, thấy gia đình người ta có đôi có cặp, cùng nhau san sẻ gánh nặng, tui tủi phận lắm.”

Mỗi năm Tòa án nhân dân TP Huế tiếp nhận khoảng 1 nghìn đơn ly hôn. Không có con số thống kê, nhưng thực tế xét xử các vụ án hình sự cho thấy, rất nhiều trẻ chưa thành niên hư hỏng dẫn đến phạm tội, nguyên nhân do cha mẹ ly hôn, gia đình thiếu quan tâm, uốn nắn kịp thời. Có cháu chưa bao giờ được gia đình (cha mẹ đã ly hôn) tổ chức sinh nhật, vì khao khát nên đã đi cưỡng đoạt xe đạp của học sinh nhỏ hơn, lấy tiền cùng bạn tổ chức sinh nhật.

Cùng cảnh một mình “hai vai” vừa cha vừa mẹ trong gia đình, nhưng nỗi niềm của những người có hoàn cảnh ly hôn càng chông chênh hơn. Chị H, chị L (công chức, làm việc tại TP Huế) tâm sự: “Những người ly hôn phải một mình gánh vác mọi khó khăn vất vả đã đành, lại phải gánh thêm tâm lý mặc cảm chồng bỏ, bỏ chồng, gia đình không hoàn thiện, không cho con được một mái ấm đầy đủ, con phải thua thiệt, ray rứt lắm…”

Niềm ước

Mặc dù kém may mắn, mất đi một nửa trụ cột gia đình, nhưng chị Kim, chị C chị H… đều nuôi dạy con rất tốt. Con cái của họ học hành giỏi giang, thành đạt. Cô con gái đầu của chị Kim tốt nghiệp Đại học Sư phạm, hiện đã đi dạy tại Đà Nẵng. Con trai thứ hai đang học năm cuối Đại học Kinh tế Đà Nẵng và con trai út của chị năm nay thi vào đại học. “Mấy đứa đều hiểu hoàn cảnh gia đình nên rất thương mẹ. Khi ở nhà, đứa mô cũng tranh thủ giúp mẹ việc nhà. Giờ anh chị đều đi làm, đi học xa, chỉ còn thằng út, hắn càng có ý thức hơn. Buổi sáng, lúc mô hắn cũng kéo nước dưới giếng lên, xách ra chợ cho mẹ rồi mới đi học. Thanh niên vậy, nhưng hắn không nề hà, rảnh nỗi lúc nào lại chạy ra chợ giúp mẹ quét, dọn đồ” - Chị Kim lấp lánh nụ cười hạnh phúc. “15 tuổi, lại là con trai, nhưng hiểu hoàn cảnh của gia đình mình nên con tôi rất tình cảm và chu đáo với mẹ. Cháu thường thủ thỉ nói chuyện với mẹ, không quên những lời chúc mừng trong ngày sinh nhật mẹ hay những ngày lễ dành cho phụ nữ…”, chị H kể.

Nhưng đã có những giọt nước mắt âm thầm khi con trẻ phụng phịu hỏi “răng nhà mình không có ba?”. “Nhiều lúc, dọn mâm cơm lên chỉ có mấy mẹ con với nhau, không hiểu sao nước mắt cứ ứa ra, phải vội quay đi chỗ khác. Cứ ước vợ chồng đừng xảy ra chuyện, để mình và các con cũng có một gia đình không “thiếu thốn””- chị L tâm sự.

Dù ở nông thôn hay thành thị, lao động chân tay hay trí thức, những gia đình “khuyết” vì ly hôn, hay “nửa kia” mất do bệnh tật (mà chúng tôi tìm gặp), đều có một điểm rất chung: ước muốn một gia đình trọn vẹn, sum họp, cha mẹ con cái cùng nắm tay nhau đi qua khó khăn và tận hưởng hạnh phúc. Nhưng với rất nhiều gia đình, điều đó chỉ mãi là… niềm ước. 

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy

TIN MỚI

Return to top