ClockThứ Sáu, 11/10/2013 11:11

Mười năm vẫn chưa khắc phục

TTH - Những năm gần đây, tại xã Lộc Tiến (Phú Lộc) hình thành một số cơ sở chế biến dăm gỗ làm nguyên liệu giấy mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, do không chú trọng khâu xử lý môi trường nên đã phát sinh ô nhiễm.

Chậm khắc phục

Không ít lần người dân xã Lộc Tiến kiến nghị lên xã, lên huyện, tỉnh tình trạng nước thải, bụi ở Công ty Trồng và Chế biến nguyên liệu giấy xuất khẩu (T&CBNLGXK) Huế làm ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa, làm ô nhiễm môi trường của nhiều người dân trong khu vực. Theo phản ánh, chúng tôi đến thôn Phú Gia và được bác Tôn Thất Tuấn, Trưởng thôn Phú Gia phân trần: “Các anh về dịp này chưa thấy rõ nội tình. Vào khoảng tháng Chạp, lúc bắt đầu vụ Đông xuân, thường có những trận mưa lớn, nước từ nhà máy xả ra đen kịt, không theo mương tràn thẳng ra ruộng lúa của dân. Mùa này cũng là lúc còn mạ non, do “ngấm” nguồn nước này nên gần 2 ha mạ quanh khu vực gần nhà máy gần như mất trắng và khoảng 6-7 ha lúa lân cận cũng bị ảnh hưởng đến vài chục phần trăm”.

Bụi trong quá trình vận chuyển ảnh hưởng đến môi trường sống trong vùng

Lúc chúng tôi tiến vào nhà máy, lần lượt những chiếc xe trọng tải lớn đang chở dăm gỗ từ Nhà máy ra Cảng Chân Mây bụi bay nghi ngút. Nhiều người dân sống quanh đây từng nhiều lần chặn xe, yêu cầu đơn vị phải tưới đường để giảm bớt bụi bay, nhưng chỉ được vài lần “mạnh tay”, còn bình thường thì đâu lại vào đấy. Anh Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, thực trạng nước thải và bụi do vận chuyển gây bức xúc cho người dân thôn Phú Gia từ năm 2006 đến nay. Tuy chưa có cơ quan chuyên môn báo cáo kết quả phân tích mẩu nước thải của nhà máy, nhưng việc nước thải từ nhà máy được xả trực tiếp ra môi trường theo các mương nước tự tạo là việc làm không đảm bảo cho môi trường và thiệt hại trong sản xuất.

Nhiều ha lúa bị ảnh hưởng bởi nước thải không qua xử lý từ nhà máy

Quả thực, kể từ khi nước thải từ nhà máy đổ vào cánh đồng ruộng lúa, đã có hơn 10ha lúa ở đây của gần 30 hộ dân thôn Phú Gia giảm 30% năng suất so với trước. Số trâu bò cũng bị ảnh hưởng đáng kể về tỷ lệ sinh sản và sinh trưởng do uống nguồn nước ở các mương cạnh nhà máy. Theo anh Phan Văn Cường, nhiều lần chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp Phú Sơn và các hộ trồng lúa bị ảnh hưởng đã kiến nghị lên công ty yêu cầu xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải hợp lý, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh. Nếu tình trạng này kéo dài thì không lâu nữa diện tích một vụ lúa của người dân thôn Phú Gia sẽ bị bỏ hoang, gia súc sẽ phát triển không bình thường. 

Cần sớm giải quyết dứt điểm

Công ty Chế biến dăm gỗ đi vào hoạt động từ năm 2003, với công suất 200 nghìn tấn năm. Chức năng chính là thu mua và chế biến gỗ dăm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Quá trình chế biến, đặc thù của nhà máy là không sử dụng nước. Do nguyên liệu, sản phẩm thu mua để ngoài trời, nước mưa ngấm, nước chảy ra từ cây keo có màu đen. Phía công ty cho biết, đầu năm 2004, đơn vị đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải với kinh phí gần 200 triệu đồng. Hệ thống có 2 bể chứa và 3 bể lọc với diện tích trên 40m2. Do hệ thống xử lý có dung tích nhỏ, chỉ phục vụ vào mùa mưa, trong khi đó, thời điểm này lượng nước rỉ ra tương đối lớn nên không đáp ứng đủ, buộc phải chảy tràn ra môi trường. Hơn nữa, do lâu ngày nên đến giờ hệ thống này xem như mất tác dụng. 

Ông Tôn Thất Tuấn cho rằng, hiện nay, người dân thôn Phú Gia rất lo lắng trước tình trạng nước thải và bụi từ Công ty Chế biến dăm gỗ bởi dù đã kiến nghị, thậm chí “can thiệp” trực tiếp, nhưng phía công ty vẫn chưa hợp tác khắc phục. Theo quan điểm của người dân cũng như chính quyền địa phương, họ rất hoan nghênh và đón nhận những dự án đến sản xuất kinh doanh trên địa bàn, song làm thế nào vừa sản xuất nhưng phải đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân là điều ai ai cũng mong muốn.

Hiện nay, trên địa bàn xã Lộc Tiến còn có thêm 2 đơn vị đang hoạt động chế biến dăm gỗ xuất khẩu là Công ty PISICO và Công ty Chayyo Việt Nam - Thái Lan đóng tại thôn Tam Vị. Hai đơn vị này vẫn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ từ dăm gỗ mà tất cả đều được thải trực tiếp ra môi trường, qua hệ thống mương chảy ra sông Mỹ Gia. Vị trí sản xuất của 2 đơn vị này nằm xa khu dân cư, xung quanh không có hoạt động sản xuất nông nghiệp, nên trước mắt chưa có những ảnh hưởng về môi trường. Về lâu dài, nếu cứ để các cơ sở này xả nguồn nước thải trực tiếp ra môi trường, ra sông Mỹ Gia mà không qua hệ thống lắng lọc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của đại bộ phận nhân dân trong vùng và hệ đầm phá Cầu Hai.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Return to top