ClockThứ Bảy, 06/01/2018 13:00

Ngày xuân, thăm quê nhà thơ Tố Hữu

TTH - Tất nhiên đây là chuyến du Xuân năm trước. Tuy vậy, một sự ngẫu nhiên thú vị là khi tôi đang viết những dòng này thì đúng 80 năm trước, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Kim Thành (tên thật của nhà thơ Tố Hữu) sáng tác những bài thơ đầu tay, về sau in trong tập “Từ ấy”...

“Một lối đi riêng” của Hải Như trong thơ về Bác HồNhững kỷ niệm với nhà thơ Hải NhưRa mắt tập thơ “Giấc mơ của trái tim em” của nhà thơ Lưu Ly

Nơi đây, cội nguồn đầu tiên của “hồn thơ” Tố Hữu

 

Về Quảng Thọ (Quảng Điền), đến nhà cụ thân sinh nhà thơ Tố Hữu, tôi thoáng chút ngần ngại đứng lặng bên hai bụi “cán giáo” (loại tre cây nhỏ, thẳng tắp) sum suê dựng thành vòm cổng xanh um trước khu vườn. Dè dặt và chậm rãi, tôi đi qua lối nhỏ giữa khu vườn các loại rau. Căn nhà ngói thấp bé vắng ngắt, một lát mới có một phụ nữ đã đứng tuổi từ phòng trong ra tiếp. Cả chủ và khách đều thoáng chút bỡ ngỡ. Tôi xưng danh và xin được thắp hương lên bàn thờ. Được biết, người chủ căn nhà này gọi nhà thơ Tố Hữu bằng chú. Ông đang đi chơi hàng xóm.

Chị chủ nhà kể qua và có ý phàn nàn là căn nhà xập xệ, ngói dột, tường nứt, nhưng chưa có ai lo… Tôi không tiện hỏi kỹ vì e có điều “tế nhị”. Nhà Lưu niệm Tố Hữu thì đã được khánh thành từ tháng 10/2009, trong khuôn viên gia đình nhà thơ tại Làng Quốc tế Thăng Long (Cầu Giấy - Hà Nội). Cho dù vậy, trước khi rời cái “cổng xanh” kết bằng lá tre sum suê, ngoái lại nhìn căn nhà vắng lặng khuất phía trong, lòng tôi cứ có chút băn khoăn, bỗng nhớ đến những câu thơ da diết của Tố Hữu viết về quê hương:

“Huế ơi! Quê mẹ của ta ơi!

Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín, mười

Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng

Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi..."

Không phải là tất cả, nhưng chính quê hương với tiếng mẹ ru, với sông núi, mây gió, với tiếng hò man mác… mới là nguồn cội khơi dậy sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ vì vậy mà Khu Di tích thi hào Nguyễn Du được xây dựng bên sông Lam. Chi hội nhà văn Việt Nam tại Huế cũng đã từng về thăm Nhà lưu niệm Nam Cao tại làng Đại Hoàng (huyện Lý Nhân, Hà Nam) quê hương Nam Cao) và Nhà lưu niệm Nguyễn Bính tại làng quê Thiện Vịnh (huyện Vụ Bản) để thấy tận mắt nơi từng có vườn chuối và cái lò gạch “của Nam Cao” và những dậu mồng tơi “của Nguyễn Bính”…

Nói điều này, chẳng phải để đề nghị xây dựng Nhà Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu tại làng Phù Lai, khi nhà lưu niệm ông đã có ở Hà Nội; tuy vậy, lòng tôi  vẫn có chút chi đó không yên trước một “khoảng trống” không có dấu tích gì của Tố Hữu, ngay chính tại quê nhà. Quê hương - nguồn cội, đâu nhất thiết phải là nơi ta sống nhiều năm; mà mỗi con người gắn bó, được nuôi dưỡng bởi quê hương với rất nhiều nguồn mạch vô hình, đa dạng và có thể nói là thiêng liêng.

Trước thềm Xuân 2018, gặp một vị lão thành từng công tác ở Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, quê ở Quảng Thọ, ông cho biết có đồng chí lãnh đạo tỉnh vừa nói với ông rằng, năm 2020 sắp tới là kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, không biết có nên tính tới việc xây Nhà lưu niệm ở quê không? Con cháu nhà thơ thì ở xa, trao đổi với huyện Quảng Điền, UBND huyện cũng chưa biết làm sao…

Vậy ra không chỉ riêng tôi có chút băn khoăn về “khoảng trống” lưu niệm nhà thơ nổi tiếng ở quê nhà. Có thể đây sẽ là nội dung của một cuộc họp sắp tới để tìm ra một “phương án” tối ưu. Tôi bỗng hình dung đó sẽ là một phương án tốn ít tiền của nhất, giản dị, nên thơ và gần gũi với mọi người, đúng theo tinh thần mấy câu thơ cuối cùng của nhà thơ. 

Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho và chết cũng là cho.

Và tôi tưởng tượng mùa Xuân hai năm nữa, du khách sau khi thăm Nhà trưng bày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra cổng, sẽ thấy tấm biển chỉ dẫn “Đường đến nơi tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu”; và bên cái “vòm cổng tre xanh” được giữ nguyên như cũ, có tấm biển ghi đại ý: “Nơi đây, cội nguồn đầu tiên của hồn thơ Tố Hữu”; bên trong khu vườn, các em học sinh Quảng Thọ đang chăm hoa và cây cảnh; có thể xen kẽ với cây cảnh, hoa là những bảng khắc một số câu thơ tiêu biểu nhất của Tố Hữu; còn căn nhà “xập xệ” đã được “trùng tu” có thể dành một phòng hay xây thêm một phòng nhỏ để treo một số ảnh đặc sắc về cuộc đời nhà thơ và đặt tủ sách trưng bày đầy đủ thi phẩm của Tố Hữu và các sách báo, các luận án viết về sự nghiệp của ông…

Một “công trình” như thế, có lẽ không cần dùng đến ngân sách Nhà nước. Mấy năm trước, chỉ một mình nhà thơ Ngô Minh “kêu gọi”, hàng trăm người yêu thơ Phùng Quán đã góp được mấy trăm triệu đồng, xây khu mộ khang trang cho cả hai vợ chồng nhà thơ trên một khu đồi rất đẹp của quê hương ông, huống chi là “chủ tướng” nền thi ca cách mạng Tố Hữu.

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thơ xứ Huế - những hoa trái ngọt lành

Thành lập từ năm 2018 với tiền thân là câu lạc bộ (CLB) Thơ Facebook xứ Huế, sau 5 năm phát triển và hoạt động tích cực, Hội thơ xứ Huế đã đạt được những cột mốc đáng nhớ trong sự phát triển chung của văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà.

Hội thơ xứ Huế - những hoa trái ngọt lành
Họ “đã hóa thành những làn mây trắng”

“Khoảng trời, hố bom” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Biết bao nhiêu năm trôi qua, tiếng súng, tiếng bom đã tắt, nhưng hồi ức về cuộc chiến vẫn day dứt trong trái tim thi sĩ. Giờ đây, khi bà đã đi xa, câu chuyện về những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ vẫn được gửi gắm cho hậu thế qua những vần thơ của bà.

Họ “đã hóa thành những làn mây trắng”
Return to top