ClockChủ Nhật, 24/07/2016 14:04

Ngư dân xuất ngoại “ngóng” biển quê nhà

TTH - Có lẽ, không có một thứ nghề nào nghĩa tình, thủy chung hơn nghề đi biển. Trong những ngày “hậu” sự cố môi trường biển ở miền Trung, những ngư dân xuất ngoại ở vùng bãi ngang Phú Vang đang “ngóng” biển quê nhà...

“Cặp anh em” làm giàu từ biển

Về làng chài Phương Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) - nơi có hơn 100 chiếc thuyền bãi ngang đang ngày ngày bám biển, khác với vẻ lo toan của dân làng chài, ngư dân Nguyễn Thanh Vy (65 tuổi) vẫn thong dong vào ra nơi đầu con sóng, bàn tay thoăn thoắt đan cho xong trộ lưới để ngày mai vươn khơi. Hỏi ra mới biết, ông vừa làm xong hồ sơ “xuất ngoại” theo nghề biển cho người con trai là anh Nguyễn Thanh Mùi (26 tuổi).

Anh Phạm Tuấn (trái) làm tài công cho chủ tàu cá là ông Trương Phẩm tại Hawaii

Nhà ông Vy có cả thảy 5 người con, trong đó 3 người con trai, đều lấy nghiệp theo đuôi con cá mưu sinh. Ba năm trước, từ lời giới thiệu của những ngư dân “đánh cá hải ngoại” cho chủ tàu cá ở xã Vinh An, anh Nguyễn Thanh Tịnh (29 tuổi), con trai ông Vy làm hồ sơ ra nước ngoài lao động nghề biển ở đảo Hawaii (Hoa Kỳ). Hợp đồng từ 3-5 năm được các lao động ký một lần với chủ tàu cá. Qua một thời gian, Tịnh được chủ tàu đào tạo thêm nghề đánh cá ngừ, cá thu, kỹ năng sử dụng các thiết bị hiện đại trên tàu cá. Thấy công việc thuận lợi, Tịnh gọi điện về nhà, bảo gia đình chuẩn bị hồ sơ để đưa em trai mình qua lao động cùng.

Vừa trở về sau 3 năm, nhìn làng biển quê nhà, Tịnh tâm sự: “Bên đó mình làm mỗi tháng từ 7 đến 8 trăm đô. Nếu là tài công thì 1 đến 1,2 nghìn đô, chi phí ăn uống chủ tàu lo. Mình làm giỏi, siêng năng thì chủ tàu thưởng thêm. Công việc khá vất vả, đi trên biển suốt cả tháng, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên tàu với việc móc và gỡ câu, nhưng đổi lại thu nhập khá. Được tiếp xúc với máy móc hiện đại mới thấy vùng biển quê mình còn thiếu nhiều thứ lắm, nhất là máy móc phục vụ nghề”.

Theo nghề biển ở nước ngoài, anh Tịnh hàng tháng gửi tiền về đều đặn, nuôi được hai người em gái học đại học. Điều quan trọng hơn, chính nhờ những đồng tiền từ biển của con mà ông Vy có thể đầu tư mới ngư lưới cụ, cải hoán được tàu thuyền vươn khơi, tiếp tục nghề của cha ông.

Những cặp anh em làm giàu từ biển ở Phương Diên còn phải kể đến ngư dân Ngô Văn Dũng (44 tuổi) và Ngô Văn Lưỡng (47 tuổi). Hơn 5 năm trước, anh Lưỡng cũng “đầu quân” cho các chủ tàu cá ở làng An Bằng (xã Vinh An) đánh cá thuê trên đảo Hawaii (Hoa Kỳ). Làm được một thời gian, thấy công việc ổn định, anh Lưỡng tạo điều kiện đưa anh Dũng qua làm việc cùng. Vốn con nhà ngư nghiệp, ngày anh Dũng đi, hai vợ chồng bàn nhau giữ lại chiếc thuyền cũ máy D24 để tiếp tục bám biển. Chị Trần Thị Bé (vợ anh Lưỡng) ngày ngày vẫn đi biển gần bờ trên chiếc thuyền công suất nhỏ. “Số tiền hai vợ chồng tích cóp ngoài sửa sang nhà cửa, bọn tui có kế hoạch sau này anh Lưỡng trở về, sẽ đóng tàu xa bờ vươn khơi. Mình mang công nghệ về, có thuyền lớn, biển sẽ không “bạc” với mình”, chị Bé trải lòng. 

“Trên địa bàn huyện có khoảng 30 lao động theo nghề biển ở nước ngoài tập trung ở các địa phương như Vinh An, Phú Diên, Phú Mỹ, Thuận An. Ngoài thu nhập ổn định, đây cũng là cơ hội cho nhiều ngư dân có kinh nghiệm đầu tư máy móc, tàu lớn để vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo sau khi hồi hương

Ông Đoàn Thao, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang

“Ngóng” biển quê nhà

Những dấu chân ngư phủ một thời gắn với vùng biển quê nhà - vùng bãi ngang như chưa xóa nhòa bởi bao lớp sóng thời gian, bởi họ là những người đang thực hiện giấc mơ “đổi đời” của những làng chài ven biển. Ông Nguyễn Văn Quả, Trưởng thôn Phương Diên nhận định: “Toàn thôn có khoảng 6 lao động theo nghề biển ở nước ngoài. Nhìn mặt bằng chung, những gia đình này đều có thu nhập ổn định, có hộ vươn lên làm giàu, nhưng dù đi đâu, ngư dân xứ mình vẫn thế. Vẫn hướng về vùng biển quê hương”.

Ông Nguyễn Thanh Vy sắm mới ngư lưới cụ nhờ con lao động biển nước ngoài

Ông Quả nhớ lại, trong những ngày xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, nhiều gia đình lao động biển nước ngoài vẫn giữ liên lạc thường xuyên qua điện thoại, facebook. Ông Quả chỉ chiếc Nokia nhỏ xíu trên bàn, bảo: “Nó trở thành kênh tiếp nối giữa gia đình với lao động bên đó. Nhiều người điện về hỏi từ chuyện vùng bãi ngang đi biển khó như răng, giá cá hiện nay bao nhiêu, bà con kiếm được mấy ký mỗi ngày… tui đều cập nhật hết. Cập nhật cho bà con bên đó yên tâm, cũng là thêm động lực cho những người thân ở quê nhà”.

Hầu hết những lao động biển ở nước ngoài đều ấp ủ được mang những gì họ học từ kinh nghiệm cho đến công nghệ khi đánh cá xứ người về ứng dụng trên vùng biển quê mình. Đi dọc vùng bãi ngang từ Phú Diên về Vinh An, tiếp xúc với nhiều ngư dân được “nghỉ biển” trở về với gia đình, họ đều chung một ước vọng như thế. Anh Phạm Tuấn (thôn Hà Úc, xã Vinh An), đã làm tài công cho chủ tàu cá là ông Trương Phẩm (người gốc An Bằng) ở Hawaii được 5 năm. Ngoài làm tài công, anh Tuấn còn tham gia buông câu, gỡ lưới cá ngừ đại dương với thời gian làm việc gần 20 tiếng/ngày, anh Tuấn được chủ tàu trả 1.200 đô/ tháng. Anh Tuấn bảo: “Mình nhẩm tính cả rồi, từ máy dò cá, máy sản xuất nước mặn trên biển thành nước ngọt sinh hoạt, máy định vị cùng tay lưới, tổng giá tiền rất lớn, nhưng không phải ngư dân mình không sắm được nếu biết tích cóp và “chiến lược” dài hạn. Ở bên đó, tàu sắt bề ngang 7m, bề dài 32 mét, cỡ sóng cấp 7 cấp 8 vẫn hoạt động bình thường. Nếu ở vùng biển mình có tàu như thế mà vươn khơi xa, lo gì không sống nổi với nghề”.

Anh Tuấn cũng như nhiều ngư dân vẫn ấp ủ ước mơ của ngày về mang theo bao kinh nghiệm, sắm được máy móc để làm chủ ngư trường. “Nhà nước mình có chính sách cả rồi. Nhưng theo tôi cần mạnh mẽ hơn nữa, bởi đầu tư cho ngư nghiệp rất lớn. Nếu ở quê nhà có đủ điều kiện thì chắc chắn ngư dân sẵn sàng sống chết với nghề, ngư dân Phan Thiếc (thôn An Bằng), trải lòng.

Hiện ở đảo Hawaii có hàng chục tàu lớn có chủ là người Việt Nam, đang sử dụng 200 lao động là người các vùng miền ở nước ta. Trong đó, lao động biển phần nhiều đánh cá trên tàu cho bà Minh Hạnh (người gốc Việt). Cơ sở này có 23 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ, một siêu thị và hệ thống cung cấp xăng dầu, dịch vụ hậu cần nghề cá cho những tàu cá người Việt đánh bắt cá ở nước ngoài.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Return to top