ClockThứ Bảy, 15/04/2017 21:31

Người cuối cùng mang họ A Ngang

TTH - A Ngang nghĩa là không biết sợ, nhưng có lẽ thời gian ngắn nữa thôi tên dòng họ này của người Tà Ôi giữa đại ngàn Trường Sơn sẽ lùi vào dĩ vãng. Đơn giản, bây giờ chỉ còn duy nhất một người mang họ A Ngang.

1 - Tuổi của già Ku Ro (tức A Ngang Ro, thôn A Đớt, xã A Đớt, huyện A Lưới) năm nay gần 80 mùa lúa. Nhưng đó là trên chứng minh nhân dân, tuổi thật - theo lời già Ku Ro - còn hơn thế...

Chiếc a tứt cuối cùng ông Ku Ro làm trước khi lâm bệnh

Gặp được già Ku Ro không phải dễ, tôi phải "bu bám" tại UBND xã A Đớt gần tiếng đồng hồ để hỏi đường. Chủ tịch UBND xã A Đớt Trần Văn Minh huy động gần chục người bản xứ nhưng chẳng ai tỏ. Mãi sau vài cuộc điện thoại với bà Nguyễn Thị Sửu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, tôi được một cậu sinh viên thực tập tại UBND xã A Đớt dẫn đến nhà Ku Ro. “Em tưởng ai chứ già Ro mấy năm trước em có đến giúp xây nhà tình thương, em sẽ giúp anh phiên dịch vì già không biết tiếng Kinh ”, cậu sinh viên tên Long ghé vào tai tôi trên đoạn đường đến nhà Ku Ro.

Gặp già Ku Ro, thấy ông vô tư pha chút hào sảng, chỉ có điều, bệnh tuổi già khiến đôi chân ông liệt 3 năm nay nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Không biết nói tiếng Kinh, Ku Ro giao tiếp với tôi bằng ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể, còn chuyện trò phải nhờ cậu sinh viên tên Long. Rồi ông khoe chiếc a tứt (như chiếc giỏ nhỏ đựng hạt giống để gieo trồng) cuối cùng ông đan trước khi lâm bệnh. Chiếc a tứt bóng màu thời gian. Ông khoe bởi nó gắn với tổ tiên của ông, phía bên kia ngọn đồi, nơi rừng sâu heo hút có một nhóm người mang họ A Ngang sinh sống.

Già Ro kể tổ tiên sống trên đất Lào, năm nào khai sinh lập làng không còn nhớ chỉ biết rằng, vùng đất ấy nằm sâu trong cánh rừng của vườn quốc gia Lào ngày trước, cạnh con suối A Ngang, nơi có thần Pơ Rong trấn giữ. Ông tổ thành lập dòng họ A Ngang là một thanh niên mồ côi trẻ tuổi, siêng năng chăm chỉ, cùng dân làng ngày ngày phát rẫy mới trồng lúa mùa. Đến khi những vùng đất màu mỡ dần cạn kiệt, chàng trai trẻ quyết đi thật xa, nơi dân làng phải thốt lên rằng “ôi yang ơi, đây là rừng thiêng nước độc”. Dù vậy, chàng trai quyết tâm bám trụ, bằng sự cần cù, chăm chỉ, anh dùng a tứt đựng những hạt giống gieo trồng ở vùng đất mới, chẳng bao lâu vùng đất tưởng chừng thiêng độc trở nên màu mỡ. Chàng không trở lại làng cũ mà cưới vợ, lập làng ở vùng đất mới, lấy họ của mình là A Ngang. “Thời tui sống ở trên đất đó, tất cả người mang họ A Ngang chừng 60 người thôi. Ngày lên rừng kiếm con thú, xuống suối kiếm con cá ăn, tối về say trong điệu múa của làng bản”, Ku Ro hoài niệm.

Chẳng thể chuyển tải câu hỏi trực tiếp bằng lời nói, tôi nhờ Long phiên dịch câu hỏi: “Bây giờ có buồn không khi dòng họ chỉ còn một mình già?”, sắc diện Ku Ro chuyển nét, lặng nhìn khoảng không một lúc rồi trầm ngâm: “Buồn và cô đơn lắm, nhớ tổ tiên nữa, nhưng chừ biết làm răng. May nhờ Đảng, Nhà nước và bộ đội mới có căn nhà che nắng mưa, chứ lúc về A Đớt chỉ một thân một mình, nhà cửa có mô, toàn sống nhờ núi rừng”.

Vợ chồng ông Ku Ro hàng ngày mưu sinh bằng nghề xâu cườm

“Trong gần một trăm dòng họ của người Tà Ôi, duy nhất họ A Ngang chỉ một người còn sống. Tên gọi dòng họ của người Tà Ôi có thể là sự vật, hiện tượng, địa danh tự nhiên nhưng cũng có thể là sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái của chính con người trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt và đối nhân xử thế”- bà Nguyễn Thị Sửu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

2 - Trong lúc chuyện trò cùng già Ku Ro, bà Plup Kăn Đol xâu từng hạt cườm bé như hạt sạn vào chiếc dây nhỏ chen vào câu chuyện: “Ông ấy già rồi, không mần chi được. Chừ vợ chồng tui sống nhờ 1,4 triệu đồng tiền từ chế độ chính sách và xâu cườm bán cho bà con trong thôn. Xâu 3-4 ngày được 50 nghìn đồng”. Mãi chuyện, tôi không để ý bà Plup Kăn Đol là vợ của già Ku Ro. Như hiểu ý, già Ro hướng mặt về phía Long, nói một tràng dài bằng ngôn ngữ Tà Ôi. Lát sau, Long quay sang bảo: “già Ro nói may mà cưới được bà Đol. Lúc trước sống và làm việc trong rừng sâu, hai người đều phục vụ cách mạng, có nhiệm vụ gùi hàng cho quân y tại bản A Bui (trên đất Lào). Một hôm bà Đol gùi hàng đi qua cây cầu treo bắc qua suối. Cầu khó đi trong khi gùi hàng nặng, bà Đol nhờ mọi người giúp đỡ, ông Ro giúp bà qua suối, thế là có vợ luôn”.

Nhắc đến chiến tranh, già Ku Ro giơ ba ngón tay về phía tôi nói: “A So, Xăng, A Tum”-  nghĩa là trong quá trình hoạt động du kích ở địa phương, ông tham gia vào 3 trận đánh lớn, một ở sân bay A So, hai trận ở Xăng và A Tum (trên đất Lào).

Kể về đường tình duyên và quá trình chiến đấu một hồi, mắt ông bỗng ươn ướt: “Sống đừng làm điều gì sai, thần Pơ Rong sẽ bắt đấy. Bởi rứa họ A Ngang bây gờ chỉ còn mình tui”. Ngày xưa, nơi sinh sống của dòng họ A Ngang có thần Pơ Rong cai quản suối A Ngang. Những ai làm điều xấu, thần  Pơ Rong đều biết, chỉ cần đi qua khe A Ngang sẽ chết. “Anh trai tui chết do chặt tre của thần Pờ Rong tạo ra. Cùng đi với anh trai rất nhiều người nhưng sau khi qua khe A Ngang một mình anh tui bị thần Pờ Rong bắt. Bắt cũng đúng thôi vì tre do chính tay anh chặt, mọi người chỉ vác tre nên không bị chi hết”, Ku Ro ngậm ngùi.

Là người cuối cùng mang họ A Ngang nhưng Ku Ro chẳng còn giữ lại vật gì của tổ tiên ngoài lưỡi giáo ông cùng anh trai rèn mấy chục năm về trước. Ba vật đặc trưng họ A Ngang là cất nhăng (một loại dụng cụ dùng để múa hát), xar (loại nhạc cụ hình hai cái dĩa đánh vào nhau tạo ra âm thanh), xơ lai (như chiếc nhẫn đeo vào ngón tay bằng đồng để lắc phát ra âm thanh) bây giờ không còn nữa. Những lễ hội của người Tà Ôi như, Aya (lễ tết gắn với lễ mừng cơm mới), Nnính (lễ kết giao giữa các làng lân cận), Koal (lễ hữu nghị) bây giờ thiếu vắng người mang họ A Ngang. “Tui có vợ nhưng không thể sinh con. Khi chết đi, chắc chắn họ A Ngang sẽ không còn ai. Về A Đớt, sống một mình tui không làm chi xấu, hàng ngày lên rừng chặt mây về đan gùi, a tứt, chổi cho bà con trong thôn, chỉ cho thôi chứ không bán. Số phận như rứa phải chịu thôi, lúc sống làm được điều chi tốt cho bà con thì cứ làm”, Ku Ro trầm tư.

Chia tay vợ chồng già Ku Ro trong cơn mưa nặng hạt, bà Plub Kăn Đol đội mưa ra tận ngõ, dùng những thanh tre dài gài chặt lối đi vào nhà. Tôi vọng  hỏi vì sao làm thế? – “Sợ trâu bò vào nhà phá, hư không có tiền sửa lại”. Và trong ngôi nhà “kín cổng” đó có một con người và cũng là đại diện duy nhất của một dòng họ đang sống những năm tháng cuối đời, một dòng họ của người Tà Ôi sắp chỉ còn là lịch sử.

Ông Đặng Sơn Tám, cán bộ LĐTB&XH xã A Đớt cho biết: “Vợ chồng ông Ku Ro có hoàn cảnh khó khăn, mất sức lao động, không có con cái và là những người có công giúp đỡ cách mạng, đang hưởng chế độ chính sách Nhà nước (750 nghìn đồng/người/tháng). Lúc còn khỏe mạnh, ông Ku Ro làm nghề làm đan lát và chỉ cho chứ không bán, bà con thương tình giúp đỡ ông thực phẩm hàng ngày”.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi

Bỏ ra gần 23 năm sưu tầm, khảo cứu (từ năm 2001), đến cuối năm 2023, nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong cho xuất bản cuốn “Đặc khảo về tết Aza cổ truyền của người Tà Ôi ở Việt Nam” (Nxb Thanh Niên, tháng 11/2023). Sách dày 145 trang, đặc biệt có rất nhiều ảnh tư liệu in màu, minh họa cho các nội dung, nên sách càng tăng tính mỹ thuật và giá trị nghiên cứu.

Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi
Tuyển người nào chắc người đó

Với phương châm tuyển người nào chắc người đó, công tác chuẩn bị giao nhận quân của huyện Quảng Điền được tổ chức chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy trình.

Tuyển người nào chắc người đó
Người nông dân có quyền làm giàu trên mảnh đất của mình

5 năm qua, công tác hội và phong trào nông dân toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Nhiệm kỳ mới, Hội Nông dân (HND) tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng và nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhằm góp phần cùng với toàn tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Về những kết quả nổi bật của công tác hội và phong trào nông dân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá:

Người nông dân có quyền làm giàu trên mảnh đất của mình
Nỗ lực phát triển người tham gia bảo hiểm

Sáu tháng đầu năm 2023, nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) và Nhân dân, tác động mạnh đến công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm nên Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm phát triển người tham gia các hình thức bảo hiểm.

Nỗ lực phát triển người tham gia bảo hiểm
Return to top