ClockThứ Bảy, 02/01/2016 20:19

Người tạc tượng trầm hương các vua nhà Nguyễn

TTH - Trong trang viên “Nguyễn Phước tộc gia trang” rộng hơn 1.000m2 tọa lạc tại phường Thủy Biều, TP Huế, tượng những vị vua triều Nguyễn được anh Tôn Thất Tùng “rút ruột” khắc trên chất liệu trầm gió, từng níu không biết bao nhiêu bước chân.

“Thổi hồn” vào trầm

“Nguyễn Phước tộc gia trang” đài các bởi những cổng ngõ, vọng lâu... mang dáng vẻ lầu son gác tía. Đặc biệt, trong khuôn viên rộng hơn 1.000m2, giữa những hàng thanh trà xứ Thủy Biều nổi tiếng là tượng các vị vua nhà Nguyễn được khắc bằng cây trầm gió, chất liệu tạo giá trị về mặt tâm linh. Đối diện chủ nhân “Nguyễn Phước tộc gia trang” mảnh khảnh, có cảm giác người thợ mộc mỹ nghệ tuổi ngoài 40, bằng tất cả tinh túy của nghề và tâm huyết của một hậu duệ đối với tổ tiên đã rút đến cạn kiệt sức lực để thể hiện những tác phẩm để đời.

Nơi trưng bày tượng vua Gia Long

Anh Tùng bộc bạch, nung nấu muốn làm được một việc gì đó thật ý nghĩa, báo đáp nguồn cội tổ tiên nên từ lúc được thầy giỏi truyền bí quyết nghề mộc mỹ nghệ, anh đã ấp ủ ý tưởng sẽkhắc tượng 13 vị vua nhà Nguyễn trên chất liệu trầm. Sau thời gian chuẩn bị tích lũy, khi nghề đã đến độ tinh thông, cách đây bốn năm anh bắt đầu quá trình tìm nguyên liệu. Cây trầm dùng tạc tượng phải ít nhất trên 20 năm tuổi mới đáp ứng đường kính nguyên liệu để tạo hình. Từ Thừa Thiên Huế, anh lặn lội đến tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên nhưng cây trầm gió chỉ tầm 10 tuổi đã bị khoan lỗ để bỏ dầu. Tiếp tục “khăn gói” vào tận Bình Phước, anh vui mừng tìm thấy nguyên liệu đáp ứng “thông số kỹ thuật”. Lại nhiều chuyến ngược xuôi để đưa trầm gió trên 20 năm tuổi vượt gần cả ngàn cây số về xứ vườn thanh trà quê nhà.

Người xem thích thú trước những bức tượng trầm hương

“Ngoài hao tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức bỏ ra là không thể đong đếm. May mắn, người bạn đời, những người thân trong gia đình rất hiểu và ủng hộ tâm nguyện của tôi, sẵn sàng hỗ trợ tối đa về mọi mặt. Người thân đã “tiếp lửa” cho tôi trong quá trình thực hiện tâm huyết”, anh Tùng chia sẻ. Đó là ngày nối ngày người vợ cùng chồng “lật lại” những trang lịch sử, nghiên cứu về từng vị vua nhà Nguyễn qua các triều đại, để khi tạc, anh Tùng có thể “thổi hồn” vào từng bức tượng. Làm thế nào để người ngắm có thể cảm nhận tư tưởng hoặc nỗi trở trăn của từng vị vua trước thời cuộc, nhất là những vị vua yêu nước. Hay đó là những nửa khuya vợ lặng lẽ theo chồng ra xưởng, khi anh Tùng bật dậy đục đục đẽo đẽo. Anh bảo, khi cảm xúc ùa đến là lúc phải truyền ngay vào, để bức tượng không là gỗ mà là hồn cốt, là thần thái, tâm tư, tình cảm của mỗi Ngài. Mấy tháng trời ròng rã quên ăn quên ngủ, anh cùng một nghệ nhân trong nghề hoàn thành tượng 12 vị vua.

“Tạc” dấu ấn vào ký ức...

“Nguyễn Phước tộc gia trang” của vợ chồng anh Tôn Thất Tùng đài các bởi những cổng ngõ, vọng lâu... mang dáng vẻ lầu son gác tía xưa. Nhưng đến đây, du khách có thể “chạm” ngay vào cởi mở, thân thiện bởi cánh cổng luôn luôn rộng mở, miễn phí. Người đến có thể thoải mái tận hưởng cảm giác bình yên từ vườn thanh trà lúc lỉu trái hay chiêm ngưỡng thần thái 12 vịvua nhà Nguyễn, từ vị vua đầu tiên Gia Long- Nguyễn Phúc Ánh đến vị vua cuối cùng Bảo Đại- Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Dưới mỗi bức tượng đều có bảng thuyết minh tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp của các vị.

Chủ nhân “Nguyễn Phước tộc gia trang” cho biết, vì vua Dục Đức- Nguyễn Phúc Ưng Ái ở ngôi chỉ vỏn vẹn 3 ngày thì bị phế truất nên sử sách thời đó hầu như không lưu lại hình ảnh của Ngài. Hiện anh đang nhờ một nhà nghiên cứu sống ở Pháp tìm kiếm trong kho tư liệu của người Pháp viết về nhà Nguyễn, xem có hình của vua Dục Đức hay không, để tiếp tục hoàn thành tâm huyết và để bất cứ ai có hứng thú với lịch sử nước nhà- triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam với 13 đời vua Nguyễn không phải “hao khuyết” cảm xúc. Chị Trần Thị Lê và nhóm bạn từ thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình vào, sau khi thăm hết lượt tượng các vua, dừng lại rất lâu trước tượng 3 vị vua yêu nước, có tư tưởng chống pháp Hàm Nghi- Thành Thái- Duy Tân được chủ nhà sắp đặt riêng một nhóm, ở vị trí trang trọng. “Nghệ nhân đã “thổi hồn” vào tượng gỗ và kỳ diệu thay, những bức tượng vua trên chất liệu trầm hương trong trang viên này lại “thổi hồn” vào cảm xúc của người xem. Bây giờ trước tượng vua Hàm Nghi, lồng ngực chúng tôi đang căng đầy niềm khâm phục đối với người đã cùng quần thần phát hịch Cần Vương phát động phong trào kháng Pháp. Hay từ cảm nhận nỗi đau đáu, khắc khoải của vua Duy Tân khi Ngài thốt ra “nước dơ lấy gì mà rửa”, đến tự hào trước khí phách của một bậc đế vương tuổi nhỏ chí lớn khi Ngài khẳng khái “nước dơ phải lấy máu mà rửa..”-du khách Trần Thị Lê chia sẻ.

Anh Tôn Thất Tùng cho biết, ngoài du khách trong nước và nước ngoài (có hướng dẫn viên đi cùng) rất nhiều trường học, từ bậc phổ thông đến đại học đã tổ chức cho học sinh, sinh viên đến “Nguyễn Phước tộc gia trang” để thưởng ngoạn, vừa tìm hiểu một giai đoạn lịch sử nước nhà theo cách sinh động và hiệu quả nhất. Người đã “sống chết” với tâm huyết của mình cho rằng, tượng những vị hoàng đế trên chất liệu trầm hương nhân tạo đang được trưng bày nơi đây có giá trị tiền tỉ. Nhưng “bán” không bao giờ là khái niệm có trong ý nghĩ của anh Tùng. Bởi theo anh, khi tạc những bức tượng này, anh Tùng chỉ muốn tri ân với tổ tiên và hy vọng “tạc” vào ký ức du khách, người xem “dấu ấn” 13 triều đại nhà Nguyễn - điều góp phần làm nên “linh hồn” của mảnh đất thần kinh.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách “Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển”, sách dày 440 trang, được NXB Đại học Huế ấn hành.

Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn
Chén vỡ… hóa rồng!

Từ những mảnh sành sứ của chén bát vỡ được thu mua, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành sứ xứ Huế đã làm hồi sinh dáng vẻ uy nghi của rồng bay, phượng múa trên những di tích Cố đô Huế, đình chùa, miếu vũ…

Chén vỡ… hóa rồng
Lễ Ban Sóc mở màn Festival Huế 2024

Sáng 1/1, tại cửa Ngọ Môn, Ban Tổ chức Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Chương trình công bố Festival Huế 2024 và lễ hội đầu tiên của năm - Sân khấu hóa tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn. ​

Lễ Ban Sóc mở màn Festival Huế 2024

TIN MỚI

Return to top