ClockThứ Năm, 17/11/2016 05:51

Nhiếp ảnh như một thú chơi

TTH - Đam mê có thừa, tay nghề dày dặn nhưng chưa một ai đi theo con đường chuyên nghiệp khi mà ảnh nghệ thuật không thể nuôi nổi niềm đam mê.

Triển lãm tác phẩm của CLB Nhiếp ảnh trẻ Cố đô Huế

Đam mê nhưng đành bỏ cuộc

N.Đ.T được đánh giá là nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ đầy triển vọng, có tay nghề và nhiệt huyết... Mới gia nhập làng nhiếp ảnh vài năm nhưng tác phẩm của T. ẵm nhiều giải thưởng, anh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Nhiều người kỳ vọng anh có thể theo đuổi con đường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm ấy, T. chia sẻ không thể theo sáng tác ảnh chuyên nghiệp do còn phải kiếm sống: “Phải chờ đến lúc kinh tế đầy đủ và không bị thời gian khống chế, tôi mới dám xách máy đi hàng tháng trời để săn ảnh theo những chủ đề mình yêu thích”.

Hai năm nay, T. phải tạm gác niềm đam mê với nhiếp ảnh do bận rộn công việc kinh doanh. T. kể: “Không có thời gian rảnh, tôi hầu như bỏ luôn niềm yêu thích chụp ảnh. Chờ công việc ổn định sẽ khởi động lại nhưng cũng chưa biết bao giờ. Chụp ảnh phải “đeo bám” mới có tác phẩm đẹp, đi chụp mà cứ lo việc trong đầu tư tưởng không thoải mái, chụp về cũng không có thời gian để soạn ảnh”. 

Công việc chụp ảnh dịch vụ tạo điều kiện cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Ngọc Sơn, Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Huế, được theo đuổi niềm đam mê ảnh nghệ thuật. Tuy vậy, anh cũng chỉ có thể xách máy rong ruổi khi lo xong công việc. Anh tâm sự: “Tôi mở tiệm chụp ảnh cưới ở nhà, có vậy mới nuôi nghệ thuật được. Nếu chỉ theo đuổi ảnh nghệ thuật thì không có tiền đi sáng tác, đầu tư mua máy, lo cho cuộc sống gia đình. Dù rất đam mê nhưng phải chờ lúc rảnh, tôi mới đi săn ảnh. Có khi hoàn thành công việc rồi thì khoảnh khắc lý tưởng đã qua”.

 Hồ Ngọc Sơn theo đuổi ảnh nghệ thuật hơn 20 năm nay với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tuy vậy, tác phẩm của anh cũng không bán được, họa hoằn lắm mới có vài tác phẩm được bạn bè ở TP. Hồ Chí Minh bán giúp nhưng chẳng đáng là bao. Anh cười: “Tôi hay nói vui là càng đam mê thì càng nghèo. Ở Huế, hầu như chưa có ai sống được nhờ ảnh nghệ thuật, chủ yếu chụp để thỏa đam mê, rồi dự thi, triển lãm”.

Chưa thể chuyên nghiệp

Nhiếp ảnh Huế có truyền thống và khá phát triển. Lực lượng hùng hậu, thành công cũng không thiếu với các giải thưởng nhiếp ảnh trong nước, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động nhiếp ảnh chủ yếu xuất phát từ đam mê và mang tính phong trào. vì không thể sống được bằng nghề. Chưa một ai nuôi nổi niềm đam mê nhờ ảnh nghệ thuật, chứ chưa nói đến việc có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Tý, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế trầm ngâm: “Đầu ra không có, nhiếp ảnh nghệ thuật không mang lại nguồn thu nên nhiều người buộc phải dừng cuộc chơi. Không phải họ không đam mê nhưng vì không thu xếp được thời gian khi còn phải mưu sinh. Đây cũng là lẽ thường”.

Huế chưa có thị trường tiêu thụ ảnh. Một số nghệ sĩ gửi tác phẩm ở các quầy lưu niệm, gallery bán cho khách du lịch nhưng không hiệu quả. Bây giờ, người người chụp ảnh, nhà nhà chụp ảnh nên hiếm ai bỏ tiền ra mua ảnh. Thỉnh thoảng, một số nghệ sĩ tên tuổi bán được tác phẩm nhưng cả năm cũng chỉ được 1-2 tấm, số tiền không đáng là bao. Nhiều nghệ sĩ dù đam mê nhưng không đủ điều kiện đầu tư tiền bạc, công sức, thời gian để sáng tác theo hướng chuyên nghiệp. Họ chỉ có thể dừng ở mức xem nhiếp ảnh là thú chơi

Đó có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến mấy năm trở lại đây, nhiếp ảnh Huế chững lại. Các tay máy đến với nhiếp ảnh chủ yếu tìm kiếm niềm vui. Họ chỉ dừng ở mức đó mà chưa đi vào chuyên nghiệp hóa. Ông Phạm Văn Tý cho hay: “Anh em chụp rồi cũng chỉ để đó, đợi một cuộc thi phù hợp thì gửi tham gia. Họ chơi theo cảm tính chủ quan, gặp gì chụp đó, không có định hướng rõ nét trong sáng tác nên nhiều khi tác phẩm không sâu”.

Với nhiếp ảnh, việc xác định được phong cách riêng rất khó, trong khi các nghệ sĩ lại chưa được đào tạo bài bản mà chủ yếu thông qua truyền nghề, học hỏi lẫn nhau rồi tự mày mò. Xu thế phát triển của nhiếp ảnh hiện đại đã khác, không chỉ là tác phẩm đẹp, thu hút ánh nhìn mà phải phản ánh được hiện thực cuộc sống, đi vào đời sống.

Để định hướng cho nghệ sĩ sáng tác, hàng năm, Hội Nhiếp ảnh tỉnh tổ chức các trại sáng tác, tập huấn trang bị nền tảng kiến thức cho hội viên để tìm sự mới lạ, tránh đi theo lối mòn, đồng thời hỗ trợ cho anh em đầu tư sáng tác. Tuy vậy, kinh phí hỗ trợ có hạn, “của ít con đông” nên chủ yếu do các nghệ sĩ tự thân vận động. Về việc tìm đầu ra cho tác phẩm nhiếp ảnh, ông Tý lắc đầu bảo khó: “Chúng tôi bây giờ xem nhiếp ảnh như một thú chơi, thỏa đam mê là chính chứ không phải là nghề kiếm sống”.

TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ánh sáng kinh đô” và cổ phục việt

Tại không gian xanh của Da:me space coffee, buổi offline với chủ đề “Ánh sáng kinh đô” dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên xứ Huế đã được diễn ra. Khách mời đặc biệt của chương trình lần này là anh Doãn Quang, một tay máy kỳ cựu gốc Huế đang làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng.

“Ánh sáng kinh đô” và cổ phục việt
Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại
Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ

Ngày 15/3, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam tại nhà thờ họ Đặng (Thanh Lương, Hương Xuân, Hương Trà).

Dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ
Sinh động với bể cá cảnh thủy sinh

Con trai thích nuôi cá cảnh, nhưng nghĩ bụng làm một hồ cá cũng khá phức tạp, rồi tốn công chăm sóc nên tôi cũng ậm ừ cho qua chứ không chiều theo sở thích của con.

Sinh động với bể cá cảnh thủy sinh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top