ClockThứ Sáu, 27/01/2023 08:12

Nhìn về phía trước

TTH - Tăng trưởng kinh tế đi cùng với giữ vững ổn định, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo cân đối… là bức tranh kinh tế Thừa Thiên Huế năm 2022. Đối mặt với thách thức trong năm mới, kịch bản tăng trưởng và khả năng phục hồi nền kinh tế còn nhiều trở lực.

Linh hoạt các giải pháp, dựa vào nội lực để GDP năm 2023 tăng tốtTạo sức bật trong tăng trưởng kinh tế khối FDI

 Du khách hòa mình cùng lễ hội

Phục hồi khá ấn tượng

Năm 2022 đã đi qua trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình trong và ngoài nước. Song các dữ liệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà khả quan. Phục hồi và tăng đồng đều trên nhiều bình diện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Cục Thống kê tỉnh, dự ước tăng trưởng kinh tế (GDP) hơn 8,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ước tăng khoảng 3,6%; góp phần kiềm chế lạm phát, giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Riêng giải ngân vốn đầu tư công, Thừa Thiên Huế nằm “top 10” tỉnh, thành cơ bản đảm bảo.

Giám đốc Sở KH&ĐT, ông Nguyễn Đại Vui thông tin: Các dự án (DA) trọng điểm được đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, như đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn; mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Đối với các DA thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tỉnh đang tập trung công tác chuẩn bị đầu tư và các điều kiện để sẵn sàng triển khai DA ngay khi có vốn bố trí từ Trung ương. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các DA: Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2... Một số DA sản xuất, kinh doanh (SXKD) tạo năng lực mới đã đi vào hoạt động, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Khu Công nghiệp Phong Điền ngày khởi sắc

Có nguyên nhân từ sự nỗ lực trong điều hành của tỉnh, có yếu tố từ sự quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát là nền tảng căn bản cho duy trì sự ổn định xã hội. Các hoạt động kinh tế quay trở về trạng thái bình thường, ổn định và phát triển sau một thời gian dài “cửa đóng then cài”. Các chính sách hỗ trợ SXKD, an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng là tiền đề cho tiến trình khôi phục SXKD, đảm bảo an sinh. Đây là những nhân tố tích cực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo đà cho năm mới và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, đi sâu phân tích, cũng có nguyên nhân khách quan từ sự sụt giảm của nền kinh tế trong 2 năm đại dịch. Nói vậy là bởi xét về con số, tăng trưởng GDP của tỉnh đang ở mức khá cao, nhưng cũng cần phải thừa nhận, đây là mức tăng trưởng cao dựa trên nền tăng trưởng thấp của 2 năm đại dịch.

Đối mặt kịch bản khó lường

Dưới góc nhìn khác, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, ông Dương Tuấn Anh phân tích: Năm 2022, có gần 500 DN tạm ngưng hoạt động, giải thể gần 100…; trong đó một trong những nguyên nhân chủ yếu là “khát vốn”. Điều đó chứng tỏ “huyết mạch” nền kinh tế vẫn còn “tắc nghẽn”. Nền kinh tế phục hồi khá ấn tượng, song thực tế, hoạt động SXKD vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao… Đây là những nguyên nhân khiến hàng trăm DN rút lui khỏi thị trường.

Cầu cảng Chân Mây sẵn sàng đón những chuyến tàu biển

Cùng với đó, những áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp… FDI đăng ký mới chưa nhiều; ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn. Dù tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác và rất nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công, song mới đạt gần 70% kế hoạch năm.

Du lịch đang phục hồi, nhưng không đồng đều giữa khách nội địa và quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Huế chưa nhiều. Sức mua thị trường khôi phục trở lại, nhưng chủ yếu tiêu thụ vẫn tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu. Dù kinh tế phục hồi khá ấn tượng, nhưng tăng trưởng năm qua chưa thể bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước đại dịch. Quỹ đạo tăng trưởng cũ chưa thể quay lại. Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, để bù đắp những thiệt hại nghiêm trọng do COVID-19 gây ra.

Không chỉ là “chưa đủ bù đắp”, mà nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, thậm chí là nguy cơ suy thoái, ẩn chứa nhiều yếu tố bất định do xung đột chính trị toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp.

Đến nay, UBND tỉnh đã có 9 thông báo kết luận nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số DA sử dụng vốn ngoài ngân sách và DA trong ngân sách. Tuy nhiên, vẫn còn một số DA trọng điểm triển khai chậm tiến độ như: Tòa nhà của VNPT, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế, Bến thuyền du lịch trên sông Hương, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Hải Dương, Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải mở rộng, Khu nghỉ dưỡng Mộc Lan - Lăng Cô...

Để nền kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, và làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025 như kế hoạch đề ra thì còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần thúc đẩy nhanh và triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022 – 2023, vì hiện tại chương trình này giải ngân còn khiêm tốn. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, một trong những mắt xích quan trọng... Nếu việc này chậm triển khai có thể sẽ khiến nền kinh tế lỡ nhịp phục hồi.

Năm 2022, dự ước kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8%; thu ngân sách tăng 20%; tổng vốn đầu tư tăng 10%; thu từ du lịch gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Tỉnh đã cấp phép cho khoảng 30 DA; gồm 5 DA FDI vốn đăng ký hơn 230 triệu USD. Trong đó, địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 13 DA, 7 DA được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư…

Bài, ảnh: Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top