ClockThứ Bảy, 07/10/2017 05:51

Quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

TTH - Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đánh giá, các chương trình TDCSXH không chỉ giải quyết nhu cầu vốn đúng thời điểm mà còn có tính nhân văn sâu sắc khi đối tượng hướng đến là người nghèo, cận nghèo.Từ nguồn vốn TDCSXH, nhiều gia đình, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo như có được đòn bẩy; từ đó, họ thay đổi phương thức làm ăn, cải thiện đời sống.

 Nông dân Phú Lộc có cuộc sống khá hơn từ mô hình nuôi cá lồng

Nhiều chương trình tín dụng hiệu quả

Chị Hoàng Thị Phượng ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) chưa quên ký ức nghèo khó khi lập gia đình với hai bàn tay trắng. Tài sản duy nhất của vợ chồng chị lúc đó (năm 1997) là mái nhà tranh vách đất, cộng với vài sào ruộng không đủ gạo ăn lúc giáp hạt. Nhiều đêm vợ chồng chị nghĩ cách cải thiện cuộc sống nhưng ở thôn quê, chuyển đổi nghề nghiệp không dễ, nhất là nguồn vốn thiếu hụt.

Đến năm 2008, khi được chi hội phụ nữ thôn giới thiệu vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là Ngân hàng Chính sách xã hội-VBSP)-Chi nhánh huyện Quảng Điền, gia đình chị mới có điều kiện thay đổi mô hình kinh tế.

Số tiền vay được khoảng 10 triệu đồng, tại thời điểm đó đã phần nào giải quyết được những khó khăn, bức bách về nguồn vốn đầu tư ban đầu để xây dựng chuồng trại nuôi gà, lợn. Sau hai năm, vợ chồng chị không chỉ trả được lãi, vốn mà còn tích lũy để đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị Phượng đã có nhà kiên cố và nuôi ba đứa con ăn học. Bé gái đầu lòng của chị Phượng sau khi đỗ đại học cũng được xem xét vay vốn sinh viên để phục vụ học tập.

Gia đình chị Phượng là một trong hàng ngàn hộ nông dân nhờ vay vốn TDCSXH chuyển đổi mô hình kinh tế đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

 Làng nghề mây tre đan Bao La được khôi phục một phần nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Theo VBSP -Chi nhánh tỉnh, từ khi mới thành lập (2002) đến nay, chi nhánh đã giúp cho 62.000 ngàn hộ thoát nghèo, 27.000 hộ thoát cận nghèo và hơn 48.000 hộ cải thiện đời sống. Tất cả đều thông qua các chương trình TDCSXH như cho vay hộ nghèo, cận nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và gần đây là các chương trình: vệ sinh nước sạch nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…

Ngoài các chương trình trên, chương trình cho vay học sinh-sinh viên (HSSV) đạt được nhiều kết quả. Đã có hơn hơn 60.000 lượt HSSV vay vốn, với tổng dư nợ hơn 600 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tại thời điểm hiện tại hơn 150 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều HSSV có điều kiện đến trường, các gia đình có con đậu đại học, cao đẳng bớt nỗi lo về tiền đóng học phí và các chi phí ban đầu.

Chương trình cho vay trồng rừng thương mại cũng góp phần đáng kể vào việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt trên 57%, với hơn 6.000 hộ được vay vốn. Ngoài ra, có hơn 8.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn, nhờ thế họ định canh định cư, ổn định cuộc sống, không còn du canh, du cư.

Quản lý tốt nguồn vốn

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện chương trình TDCSXH mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đánh giá, các chương trình TDCSXH không chỉ giải quyết nhu cầu vốn đúng thời điểm mà còn có tính nhân văn sâu sắc khi đối tượng hướng đến là người nghèo, cận nghèo. Hơn ai hết, những đối tượng này luôn cần sự giúp đỡ của toàn xã hội để xóa đi khoảng cách giàu nghèo. Nếu không có những sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình cho vay ưu đãi TDCSXH, số hộ nghèo sẽ khó giảm qua các năm và số hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu cũng ít đi, đời sống người dân cũng khó được cải thiện và đồng đều như hiện nay.

Tuy thế, ông Nguyễn Dung cũng lưu ý, dù có nhiều ưu điểm và mang tính nhân văn, song để phát huy hơn nữa hiệu quả các nguồn vốn, việc quản lý, thu hồi nợ cần được quan tâm hơn, tránh các trường hợp xâm tiêu, một số tổ trưởng thu hồi nợ nhưng chậm đóng hoặc không đóng cho ngân hàng...

Trên thực tế, một số trường hợp tổ trưởng tổ tín dụng một số hội, đoàn thể đã xâm tiêu vốn của VBSP. Nhiều người trong số đó đã trả giá bằng việc đi tù hoặc khắc phục hậu quả và tệ hơn là gây mất lòng tin của Nhân dân. Một số chương trình do thu hồi nợ không tốt dẫn đến nợ quá hạn (NQH)  và nợ xấu nhiều năm liền không thu hồi được. Ví như chương trình cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, đến thời điểm cuối tháng 6/2017, NQH hơn 1,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 43%. Đây là khoản NQH có tỷ lệ cao nhất trong tổng số 15 chương trình cho vay mà VBSP-Chi nhánh tỉnh đang triển khai.

Chương trình cho vay thương nhân vùng khó khăn có tỷ lệ NQH khá cao (hơn 4%), tương đương 11 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo dù NQH chỉ 0,23%, tương đương hơn 400 triệu đồng, song nợ khoanh hơn 900 triệu đồng. Đó là chưa kể một số khoản vay khác, dù mỗi món vay không lớn, song khả năng thu hồi nợ gần như bằng không khiến nguy cơ mất trắng nguồn vốn là hoàn toàn có thể và điều này đã từng xảy ra ở một số địa phương như Phú Lộc, Quảng Điền...

Cũng tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện TDCSXH trên địa bàn tỉnh, Phó Tổng Giám đốc VBSP Trần Lan Phương đánh giá cao các chương trình tín dụng do VBSP Chi nhánh tỉnh triển khai, gần như chương trình nào cũng đạt hiệu quả.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả các chương trình TDCSXH, bà Trần Lan Phương yêu cầu VBSP -Chi nhánh tỉnh tăng cường công tác quản lý, thu hồi nợ để ngày càng giảm tỷ lệ NQH, trở thành địa phương đi đầu trong công tác thu hồi nợ và có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống VBSP trên toàn quốc.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng: Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày đầu năm 2024, nhất là sau hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Điều này đủ để thấy, Ngân hàng Nhà nước coi đây là giải pháp quan trọng và xuyên suốt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ
Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển
"Bà đỡ "từ nguồn vốn giải quyết việc làm

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần giúp cho hàng ngàn lượt lao động trên địa bàn thành phố Huế có thêm cơ hội việc làm, mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh.

Bà đỡ từ nguồn vốn giải quyết việc làm
Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là thông điệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 20/2.

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế
Return to top