ClockThứ Tư, 01/06/2016 21:13

Sân chơi bổ ích cho trẻ ngày hè

TTH - Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, Nhà thiếu nhi Huế… những ngày này rất nhiều phụ huynh cùng các em nhỏ đến tìm hiểu, đăng ký tham gia các chương trình vui chơi, các lớp năng khiếu để bù đắp những ngày tháng bận rộn với học hành thi cử...

Sau khi tìm hiểu, chị Nguyễn Thị Ngọc ở phường Vỹ Dạ, TP. Huế quyết định đăng ký cho cậu con trai vừa học hết lớp 6 tham gia chương trình “Học làm người có ích” do Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức trong dịp hè này. Chị Ngọc tâm sự: “Năm trước con của người bạn đã tham gia chương trình này. Sau khóa học, cháu có nhiều tiến bộ như: ngủ dậy biết xếp chăn màn, tự động đi đánh răng, rửa mặt không cần bố mẹ nhắc nhở, biết kiềm chế sự tức giận, biết chăm sóc bản thân hơn… Hỏi ý kiến con trai, thấy con thích nên mình quyết định cho cháu tham gia”.

Các em thiếu nhi tham gia chương trình “Mặt trời xanh” tại Nhà Thiếu nhi Huế

Anh Nguyễn Đình Thành, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh cho biết: Với thời gian 2 ngày một đêm, tham gia chương trình “Học làm người có ích” các em sẽ được tham gia các trò chơi tập thể, sinh hoạt cộng đồng, dân vũ quốc tế, những thói quen có ích, học cách chăm sóc bản thân, thăm và tặng quà cho trẻ mồ côi, cùng sinh hoạt với các em tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Thông qua các hoạt động, giúp các em biết quan tâm, chia sẻ lẫn nhau, biết lễ phép, kính trọng người lớn, biết nói lời xin lỗi, cảm ơn, biết xếp hàng, phân biệt, giữ gìn cái chung, cái riêng… ”.

Chương trình “Khám phá và trải nghiệm thiên nhiên” cũng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia trong dịp hè, nhất là với các em từ 14 - 17 tuổi. Trong thời gian 5 ngày, các học viên được về một vùng quê tìm hiểu thiên nhiên, trải nghiệm cùng những người nông dân sản xuất, thu hoạch hoa màu, khai thác thủy sản, tham gia các trò chơi. Nguyễn Ngọc Đăng Khôi, học sinh Trường THCS Phạm Văn Đồng (TP. Huế) cho biết: “Được ba mẹ cho tự do lựa chọn nên em đăng ký tham gia chương trình “Khám phá và trải nghiệm thiên nhiên”. Hy vọng sau khi tham gia chương trình, em tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm sống cho bản thân, đồng thời thấu hiểu được sự vất vả một nắng hai sương của người nông dân như thế nào”.

So với năm trước, năm nay, các em thiếu nhi có thêm lựa chọn mới là “Trại hè bán trú tiếng Anh”. Tham gia chương trình này, các em được rèn luyện cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết thông qua các hoạt động bổ ích: Kể chuyện, đóng kịch bằng tiếng Anh; tập làm phóng viên nhí; tìm hiểu văn hóa các nước Âu, Mỹ; làm hoa giấy, cắt dán tranh... Ngoài ra, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tiếp tục duy trì các môn văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao cho các em lựa chọn theo sở thích của mình như: Karatedo, Vovinam, bóng rổ, bóng đá, luyện chữ đẹp, cờ vua, tham gia hoạt động xã hội với các câu lạc bộ đội, nhóm, giúp các em phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ.

Cùng với Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, Nhà Thiếu nhi Huế cũng đã xây dựng dựng nhiều chương trình hoạt động hè cho các em thiếu nhi. Anh Võ Tự Tuấn, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi Huế cho biết: Ngoài các lớp học năng khiếu truyền thống như vẽ, múa, đàn, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao dành cho các lứa tuổi mầm non và tiểu học, năm nay, Nhà Thiếu nhi mở thêm các lớp thiết kế sản phẩm mỹ thuật, phối hợp với Trường đại học Sư phạm mở các lớp giáo dục kỹ năng sống “Ươm mầm xanh”, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em khám phá, tìm hiểu những di tích văn hóa, lịch sử và danh lam thắng cảnh quê hương… Đối với những em nhỏ không có điều kiện tham gia các lớp học năng khiếu, Nhà thiếu nhi Huế cũng đã thành lập góc đọc sách “Thế giới tuổi thơ” với hơn 2.000 đầu sách, gồm truyện tranh, hạt giống tâm hồn, truyện cổ tích… để phục vụ các em. Chị Đặng Thị Châu, phường Phước Vĩnh, TP. Huế tâm sự: Cô con gái học lớp 6 vốn thích đọc sách, vì vậy từ ngày Nhà thiếu nhi có góc đọc sách, sáng nào đi làm tôi cũng chở con tới, trưa lại ghé đón về. “Chỉ 10 ngàn đồng một tháng, nhưng không gian thoáng mát, có nhiều đầu sách bổ ích, giúp con hình thành nhân cách, hạn chế được tình trạng chơi điện tử, tôi thấy rất hài lòng”, chị Châu nói.

Ngoài ra, các đơn vị Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang nỗ lực tạo sân chơi cho trẻ ngày hè. Tiêu biểu, Thành đoàn Huế đã có kế hoạch phối hợp với Nhà Thiếu nhi Huế về tại địa bàn khu dân cư tổ chức các hoạt động văn nghệ cho thiếu nhi ở các phường, tận dụng đồ tái chế làm các đồ chơi dân gian cho thiếu nhi tại phường Hương Sơ, thành lập câu lạc bộ “Mầm xanh” tại phường Xuân Phú cho các em sinh hoạt vào chủ nhật hàng tuần; Huyện đoàn Phú Vang xây dựng 2 mô hình sinh hoạt hè cho các thiếu nhi tại Phú Mỹ và Phú Đa…

Chị Trần Thị Kim Loan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Để tạo sân chơi cho các em thiếu nhi trong dịp hè, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư chuyển sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi, đồng thời phối hợp với Tổng phụ trách Đội các trường tổ chức các hoạt động như nghi thức Đội, đại hội cháu ngoan Bác Hồ, múa dân vũ, các trò chơi dân gian vào các dịp cuối tuần. Tuy nhiên, chị Loan cũng thừa nhận, những trò chơi, sân chơi mặc dù đã phong phú, đa dạng hơn nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở thành phố; học phí các chương trình hè tại các trung tâm không phải phụ huynh nào cũng đáp ứng được. Đối với các vùng nông thôn, sân chơi mùa hè cho trẻ vẫn còn là những khoảng trống, đang rất cần được sự quan tâm của các cơ quan chức năng để các em nhỏ có những ngày hè đúng nghĩa.

Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em

Phong trào rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) với nhiều loại hình phong phú của hội viên phụ nữ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế đã được các cấp Hội phát động, triển khai, duy trì và ngày càng được nhân rộng, thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em
'Luồng gió mới' để văn học thiếu nhi phát triển

Một thời gian dài, văn học thiếu nhi có phần bị xao nhãng, thậm chí bị bỏ trống và chưa đáp ứng được nhu cầu của thiếu nhi. Cuộc vận động sáng tác cho văn học thiếu nhi như một “luồng gió mới” khiến cho văn học thiếu nhi đang dần thức tỉnh.

Luồng gió mới để văn học thiếu nhi phát triển
Sân chơi của học sinh trường huyện

Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy học, Trường THPT An Lương Đông (huyện Phú Lộc) còn đặc biệt quan tâm tới việc phát triển kỹ năng và thể chất cho học sinh thông qua việc xây dựng các CLB (câu lạc bộ) trong nhà trường.

Sân chơi của học sinh trường huyện
Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ

Các cấp bộ Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) các cấp đã và đang phát triển các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ, đội, nhóm theo sở thích, nhu cầu của thanh niên, góp phần tạo sân chơi, môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh, định hướng lối sống đẹp cho người trẻ

Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ

TIN MỚI

Return to top