ClockThứ Bảy, 19/06/2010 14:48

Sẽ phát triển và đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa sinh viên với doanh nghiệp trong thời gian tới

TTH - Ðại học Huế có khoảng 18.000 sinh viên hệ chính quy, còn lại là các hệ tại chức, đào tạo từ xa. Do đặc điểm là đại học vùng và đào tạo đa ngành nghề do vậy công việc giải quyết nhu cầu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là một vấn đề hết sức cần thiết.

Nhằm giải quyết vấn đề này và đồng thời kết nối được những mắt xích trong xã hội về thị trường lao động, Ban giám Ðốc đã ra quyết định số 635/QÐ-ÐHH-TCNS ngày 03 tháng 12 năm 2001 về việc thành lập Trung tâm Tư vấn nghề nghiệp việc làm sinh viên Ðại học Huế.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2002, sau hơn 8 năm hoạt động, Trung tâm Tư vấn nghề nghiệp việc làm sinh viên Ðại học Huế đã trở thành cầu nối giữa sinh viên với các cơ sở sử dụng lao động, kết hợp với các công ty trong quá trình tuyển dụng lao động, là nơi cung cấp thông tin tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng giúp sinh viên trong quá trình tìm kiếm việc làm.
 
Ông Nguyễn Duy Chinh, Trưởng Ban công tác sinh viên, Giám đốc Trung tâm tư vấn nghề nghiệp việc làm sinh viên Đại học Huế cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động, trung tâm đã phối hợp với các báo như Báo Người lao động tổ chức các chương trình việc làm, Báo Tuổi trẻ, Thanh niên đăng thông tin tìm việc làm cho sinh viên ở trên báo.
 
Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã phối hợp với nhiều công ty ví dụ như công ty dược phẩm Astrazeneca tổ chức các chương trình việc làm cho sinh viên trường đại học Y Dược hay gần đây là phối hợp với công ty Coca Cola Đông Nam Á tổ chức Hội thảo kỹ năng tìm việc cho sinh viên Đại học Huế; công ty Nestlé Việt Nam tổ chức chương trình tuyển dụng việc làm cho sinh viên. Dự án PHE do Quỹ Ford tài trợ cũng đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tìm việc cho trên 1.000 sinh viên thiệt thòi từ năm 2003 đến nay…
 
Tuy nhiên sau hơn 8 năm thành lập, số lượng sinh viên tìm được việc làm do trung tâm giới thiệu mới chỉ khoảng trên 20 sinh viên. Theo ông Chinh, có ba cái khó từ 3 phía: thứ nhất là kỹ năng tìm kiếm việc làm (tiếp xúc, giao tiếp) của sinh viên Huế còn hạn chế; thứ hai là chính Trung tâm cũng chưa đủ mạnh, mặc dù nhiệm vụ đề ra thì nhiều nhưng do chưa đủ cả về nhân lực và kinh phí hoạt động nên chưa làm được nhiều như mong muốn. “Toàn Ban công tác sinh viên có 15 người, vừa làm nhiệm vụ của Ban vừa kiêm nhiệm công việc của Trung tâm Tư vấn nghề nghiệp việc làm sinh viên Ðại học Huế. Hơn nữa, để tổ chức nhiều hoạt động cần có kinh phí trong khi kinh phí hoạt động của Trung tâm là… tự xoay xở, việc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà tài trợ và một ít kinh phí của Đại học Huế hàng năm, ông Chinh cho biết. Cái khó thứ ba là: phía doanh nghiệp cũng mong muốn, mình cũng mong muốn nhưng chưa gặp nhau”.
 
Theo chỉ đạo của Đại học Huế (ĐHH), trong thời gian tới sẽ phát triển Trung tâm này và chức năng sẽ có sự thay đổi: ngoài tư vấn việc làm cho sinh viên còn có nhiệm vụ thống kê số sinh viên ĐHH sau khi ra trường có việc làm (đây là một tiêu chí trong kiểm định chất lượng giáo dục), kết nối với cựu sinh viên ĐHH trên cả nước và nước ngoài để tạo quỹ riêng tài trợ học bổng khuyến khích học tập và về tư vấn sẽ không chỉ tư vấn việc làm mà cả tư vấn về các kỹ năng mềm, đào tạo tín chỉ…
 
“Vừa qua trong chuyến đi Trung Quốc tìm hiểu tôi được biết, có trường chỉ một năm mà tổ chức đến 120 buổi gặp mặt với các doanh nghiệp để có sự hợp tác điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Có trường đại học của họ còn thành lập cả một phòng chức năng riêng – phòng tìm kiếm việc làm cho sinh viên và có nhiệm vụ liên kết với các doanh nghiệp. Các trường của mình hiện làm được điều này rất ít, chỉ tập trung một số trường như Trường đại học Kinh tế, Y Dược, Sư phạm… Sắp tới chúng tôi cũng sẽ đi học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh bạn để tạo ra những sân chơi mà học, chơi mà gắn với nghề nghiệp cho sinh viên ĐHH”. Cũng theo ông Chinh, thống kê của cho thấy có khoảng 80% sinh viên ĐHH ra trường có việc làm nhưng không thể biết con số đó có chính xác hay không bởi các sinh viên có việc thì không liên lạc gì với trường còn sinh viên chưa có việc mới liên lạc…”
 
                                                                                                Thanh Vân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Return to top