ClockThứ Bảy, 23/10/2021 06:45

Tạo sự ràng buộc trong khâu tiêu thụ

TTH - Những cơn bão ập đến cùng là lúc hành trình vươn khơi tạm ngưng. Lúc này, đội tàu hậu cần nghề cá các địa phương cũng chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ đông. Nhìn lại mùa biển gian khó, ở đâu đó còn nỗi âu lo.

Khi cá tôm trở vềTìm giải pháp phát triển Đảng trong lao động nghề biển

Hải sản của ngư dân không có hợp đồng thu mua cụ thể

Không biết tự bao giờ, ngư dân cứ mặc định mỗi con tàu là 16 cổ phần. Số cổ phần ấy chủ tàu được nhận khi chia lợi nhuận lúc cập bờ. Cổ phần tăng thêm khi bạn tàu tăng thêm, nghĩa là mỗi con tàu xa bờ muốn vươn khơi ngoài chủ tàu phải có ít nhất 7-8 bạn tàu, mỗi bạn tàu là một cổ phần, còn chủ tàu chiếm 16 cổ phần. Nhắc đến “quy chế” ấy để thấy rằng, nếu sản lượng hải sản thụt lùi cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của những ngư dân sẽ càng ít đi.

Dù COVID-19 ảnh hưởng rất lớn, nhưng những con tàu vẫn cứ vươn khơi. Chỉ có điều, với tàu hậu cần nỗi lo tiêu thụ hải sản trên bờ đang rõ rệt. Qua một mùa biển, nhìn lại hành trình, ông Trần An (phường Thuận An, TP. Huế) đếm chuyến biển bằng đầu ngón tay, có tháng, tàu ông chỉ có một lần vươn khơi. Không phải không thu mua được cá mà độ vênh về giá trị khi bán trên bờ khiến tàu “nhác” cưỡi sóng. “Cá bán bị thương lái ép nên giá thấp. Nhiều chuyến biển lãi vài chục triệu đồng, thuyền viên chỉ nhận được chưa tới 1 triệu đồng/người”, ông An bày tỏ.

Thực tế từ trước đến nay, quy luật thu mua, tiêu thụ của tàu hậu cần dường như không bền vững. Họ không có một hợp đồng ràng buộc với thương lái, chủ cơ sở cấp đông khi tiêu thụ mà chỉ thỏa thuận miệng khiến giá cả hải sản không ổn định. Dịch bệnh khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó, và đó cũng là cái cớ để chủ cơ sở thu mua ép giá hải sản, thậm chí ngừng thu mua, dù trước đó đã có thỏa thuận.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Dũng (Phú Thuận, huyện Phú Vang) chia sẻ: “Sau nhiều chuyến thu mua vụ cá vừa rồi, dù sản lượng không thấp nhưng đầu ra quá khó. Dù trước khi vươn khơi, chúng tôi cũng có những đầu mối tiêu thụ, song khi tàu cập bờ, thương lái không thu mua nhiều lần xảy ra. Những lúc như thế chỉ biết bán cá mắm với giá thấp”.

Nghề đánh bắt xa bờ ngày càng phát triển thì vai trò của tàu hậu cần trên biển rất quan trọng. Chính những con tàu thu mua này là khâu trung gian để tiêu thụ hải sản của ngư dân. Mỗi chuyến biển của tàu hậu cần kéo dài từ 3-5 ngày, tùy theo công suất, năng lực tàu cá mà thu mua một khối lượng hải sản nhất định.

Tại các địa phương ven biển trên toàn tỉnh, những đội tàu hậu cần từ lâu làm “nức tiếng” cả vùng đất như, Thuận An, Lộc Trì (Phú Lộc)…, song đó chỉ là câu chuyện đầu tư tàu to, máy lớn hoạt động, hình thành nên những phiên chợ trên biển, còn việc kết nối đến bờ vẫn còn lắm gian truân.

Chủ tịch UBND phường Thuận An, ông Đào Quang Hưng cho biết, đội tàu hậu cần tại địa phương này thuộc dạng hùng hậu nhất tỉnh, việc thu mua trên biển không chỉ kết nối với tàu đánh bắt trong tỉnh mà còn liên lạc với các tàu cá tỉnh bạn. Do vậy, sản lượng thu mua hàng năm luôn ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. “Việc không có các hợp đồng tiêu thụ chính thống bởi từ trước đến nay, nhiều tàu cá là mối ruột của một cơ sở cấp đông nhất định, làm ăn dựa trên uy tín của nhau”, ông Hưng thông tin.

Những năm gần đây, cùng khó khăn chung, tàu hậu cần nghề cá cũng gặp không ít trở lực, đó là việc thiếu lao động, hạn chế cải tiến đầu tư, đặc biệt khâu tiêu thụ còn lắm gập ghềnh. Việc ở giữa “2 ngả đường” khiến tàu hậu cần không ít lần rơi vào trường hợp “tiến thoái lưỡng nan”. “Nếu tàu đánh bắt không khai thác được hải sản thì tàu hậu cần sẽ chết, còn nếu thu mua ổn định nhưng thương lái không tiêu thụ sản phẩm cũng chết. Do vậy, quá trình thu mua trên biển, chúng tôi phải làm sao hài hòa lợi ích đôi bên”, ông Dũng tâm sự.

Đến bây giờ, “quy chế” 16 cổ phần/tàu được ngư dân đặt ra dường như để khích lệ phát triển tàu cá xa bờ. Song, có một “quy chế” ngư dân tàu hậu cần đang bỏ qua đó là thiếu sự ràng buộc với cơ sở thu mua. Trong bối cảnh việc khai thác, thu mua hải sản đang bấp bênh, cần có sự ràng buộc rõ ràng để ngư dân tránh rơi vào thế bất lợi.

“Giá cả thường do thị trường quyết định. Muốn ổn định, tàu hậu cần phải ký hợp đồng tiêu thụ rõ ràng với các chủ cơ sở tiêu thụ. Hiện, nhiều tàu cá không xem trọng vấn đề này, song đây là khâu rất quan trọng giúp họ tự tin vươn khơi, giúp hải sản không ứ đọng sau mỗi chuyến biển. Cách làm việc này cũng sẽ tạo nên sự chuyên nghiệp”, ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Cảng cá Thuận An nói.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi

Lễ xuất quân đánh bắt thủy sản năm 2024 của ngư dân xã Phú Hải diễn ra vào sáng 27/2, khởi đầu cho một năm mới làm ăn trên biển, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi
Xuất quân đánh cá vụ Nam

Sáng 21/2, lễ xuất quân đánh cá vụ Nam năm 2024 đã được tổ chức tại phường Thuận An (TP. Huế).

Xuất quân đánh cá vụ Nam
Đời neo bên chân sóng

Họ bám biển có chăng bởi niềm đam mê truyền kiếp. Tôi đã thấy, sâu thẳm trong đôi mắt của những con người ấy chất chứa bao nỗi ưu tư.

Đời neo bên chân sóng
Return to top