ClockThứ Sáu, 03/04/2020 10:29

Thăm lại vùng đất cách mạng Phong Bình

TTH - Xã Phong Bình (Phong Điền) là nơi đã sinh ra hàng trăm "hạt giống đỏ" cho cách mạng. Trong kháng chiến, đây là nơi ghi dấu nhiều phong trào đấu tranh ác liệt, cùng những chiến công oanh liệt của quân và dân ta.

Thủy Thanh - vùng đất anh hùngMãi là niềm tự hào

Căn cứ cách mạng trong kháng chiến

Bí thư Đảng ủy xã Phong Bình Nguyễn Ngọc Khánh, giới thiệu: Trong kháng chiến, Phong Bình có vị trí chiến lược, là điểm trung chuyển cung cấp nhân tài, vật lực cho chiến khu. Phong Bình trở thành địa bàn có chiến tranh du kích phát triển mạnh với nhiều hình thức phong phú. Người dân Phong Bình vừa hăng hái sản xuất, vừa tham gia chiến đấu, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến.

Thời kỳ đầu của kháng chiến chống Mỹ, Chi bộ xã Phong Bình (lúc này có tên là Phong Dinh) đã vận động đông đảo Nhân dân tham gia đấu tranh chính trị. Từ các cuộc đấu tranh này, nhiều cơ sở cách mạng được gây dựng, làm chỗ dựa tin cậy cho Đảng trong việc cũng cố lực lượng địa phương. Với phương châm “ngày địch đêm ta”, căn cứ Hỏa Chăm – Rú Cát được giữ vững trở thành nơi bám trụ của cán bộ, đảng viên liên xã Hòa – Bình – Chương. Cùng với đó, nhiều gia đình ở xóm Hóp, Tây Hồ, Đông Trung Hồ…không ngại hiểm nguy nuôi giấu cán bộ trong nhà và làm liên lạc đưa đón cán bộ lên, về căn cứ du kích.

Cùng chúng tôi thăm vùng Rú Cát – căn cứ cách mạng trong kháng chiến-dừng chân trên con đường thảm nhựa giữa Rú Cát, ông Nguyễn Ngọc Khánh thông tin: Trong kháng chiến, con đường này chỉ là đường mòn đầy cát trắng. Cả vùng rú toàn cây bản địa này lúc đó rất nhiều hầm hào, là căn cứ cách mạng của ta. Bên cạnh các hoạt động chính trị, quân sự, chi bộ và Nhân dân Phong Bình ra sức sản xuất, cất giấu lúa gạo, đóng góp cho kháng chiến, bởi đây là nơi gần với chiến khu Hoà Mỹ. Công việc được tiến hành vào ban đêm, đến mùa gặt, bà con cất giấu sẵn các bao lúa trong vườn nhà, các chiến sĩ du kích đi từng nhà nhận lúa rồi tập trung lên Rú Cát, đào hầm chôn, bên trên làm thành các mộ giả, sau đó báo tin để bộ đội về nhận.

Cuối năm 1960, mạng lưới cơ sở cách mạng ở Phong Bình phát triển mạnh, trên cơ sở đó, Chi bộ Đảng quyết định thành lập Đội tự vệ, tổ chức Đoàn thanh niên. Cũng thời kỳ này, rất nhiều thanh niên Phong Bình đã gia nhập các đơn vị bộ đội chính quy.

Ông Trần Văn Luyện (gần 65 năm tuổi Đảng), ở thôn Đông Mỹ, xã Phong Bình, nguyên Bí thư Huyện ủy Phong Điền cho biết, công tác địch vận ở Phong Bình thời kỳ đó được chú trọng. Các cơ sở cách mạng tiếp cận lính cộng hòa kêu gọi thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, trực tiếp vận động các gia đình có con em đi lính. Từ đó, nhiều cơ sở của ta được xây dựng ngay trong lực lượng lính cộng hòa…

Trải qua 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, Phong Bình ngày ấy là một trong những xã hình thành làng chiến đấu đầu tiên ở phía Bắc huyện Phong Điền. Đó là một chặng đường đầy tự hào và vẻ vang về đấu tranh chống giặc, bảo vệ quê hương.

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển

Đường đến Phong Bình bây giờ đã thuận lợi, giao thương nhộn nhịp hơn ở các tuyến đường xe đi qua.

Sau 45 năm giải phóng, ông Nguyễn Ngọc Viện ở thôn Rú Hóp, xã Phong Bình cảm nhận được sâu sắc sự đổi mới của quê hương. “Các tuyến đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh doanh sản xuất. Nhờ vậy, sản phẩm chăn nuôi của gia đình tôi được tư thương đến thu mua tận nơi nên đỡ bớt chi phí vận chuyển, tăng thêm hiệu quả kinh tế…”, ông Viện bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Thanh, hộ kinh doanh ở địa phương cho biết, nhờ giao thông thuận lợi, đời sống bà con trong xã ngày càng được nâng cao, việc buôn bán của gia đình chị phát đạt hơn. Mỗi năm gia đình chị có thêm khoản thu nhập gần 150 triệu đồng từ kinh doanh, buôn bán.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh thông tin, hiện tại, địa phương đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt 34,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của xã Phong Bình đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Địa phương đã mở nhiều lớp đào tạo nghề gia công lưới, tạo mẫu mã sản phẩm nghề đan lát cho lao động ở các thôn Vân Trình, Vĩnh An, Siêu Quần và Phò Trạch. Xã cũng đã lồng nghép vốn của các dự án, tạo điều kiện khuyến khích những ngành nghề phát triển theo hướng đa dạng hoá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút nhiều lao động...

Ông Nguyễn Ngọc Khánh cũng bày tỏ trăn trở: “Rú Cát hiện tại rất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và lịch sử cách mạng. Nếu được quan tâm đầu tư thỏa đáng, sẽ mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất và con người nơi đây”.

Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sen trắng trên đất Phong Bình

Hai tổ liên kết tổ hợp của phụ nữ xã Phong Bình (Phong Điền) có gần 30 chị tham gia. Họ trồng sen trắng và làm các mặt hàng thủ công truyền thống từ cỏ bàng, bước đầu cho thu nhập ổn định.

Sen trắng trên đất Phong Bình
“Cái gì dân đồng thuận, khó mấy cũng làm được"

Đó là đúc kết được lãnh đạo xã Phong Bình (huyện Phong Điền) báo cáo đến Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ tại buổi làm việc với Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam và hệ thống chính trị địa phương chiều 24/11.

“Cái gì dân đồng thuận, khó mấy cũng làm được
Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ

Ngày 20/10, Sở Xây dựng cho biết đã có văn bản gửi UBND huyện Phong Điền, UBND các xã Phong Chương, Phong Bình (huyện Phong Điền) về việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ thuộc địa bàn huyện này với diện tích khoảng 495ha.

Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ

TIN MỚI

Return to top