ClockChủ Nhật, 11/02/2018 17:03

Mãi là niềm tự hào

TTH - Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Thế kỷ XX để lại trong lịch sử Đảng bộ tỉnh những dấu ấn sâu sắc về những cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ, cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, chiến thắng Xuân Mậu Thân1968 là một trong những mốc son, một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Phóng viên Báo Cờ Giải Phóng trong Tết Mậu Thân 1968“Chào Huế anh hùng”Đóng góp của quân và dân Hương Trà trong chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968Thế trận lòng dân ở Quảng Điền

Đô thị Huế, một góc nhìn. Ảnh: Đình Huy

Những giá trị không bao giờ phai nhạt

50 năm trước-đúng vào Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, Huế, nhiều thị xã, thị trấn và căn cứ quân sự của Mỹ, ngụy trên toàn chiến trường miền Nam Việt Nam. Cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ đã tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực cấp cao của Mỹ, ngụy; đánh chiếm những mục tiêu trọng yếu của địch; phá hủy một khối lượng quan trọng các phương tiện chiến tranh và cơ sở hậu cần hiện đại nhất của Mỹ, ngụy thời bấy giờ; làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam mà còn rung chuyển Lầu Năm góc và cả nước Mỹ.

Thừa Thiên Huế là một trong những chiến trường trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Đúng 2 giờ 30 phút ngày 31/1/1968 (mồng Một Tết âm lịch), khi tiếng súng phát lệnh vang lên, lực lượng bên trong nội thành cùng với lực lượng bên ngoài đánh vào, các đội biệt động, tự vệ đã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu như: trụ sở hành chính quận Tả Ngạn, bốt cảnh sát Đông Ba, đồn cảnh sát ở miếu Đại Càn, cầu An Cựu…; bộ đội chủ lực, các đơn vị bộ binh, đặc công, biệt động, trinh sát, các đội công tác vũ trang, nhất là lực lượng quần chúng của TP. Huế và các huyện đồng loạt tiến công từ nhiều hướng, nhiều mũi, chiếm lĩnh nhiều mục tiêu quan trọng. Đúng 9 giờ ngày 31/1/1968, TP. Huế được giải phóng, cờ Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình TP.Huế phấp phới bay trên kỳ đài Huế.

Với thắng lợi đó, Đảng bộ TP. Huế được Trung ương điện biểu dương: “Đảng bộ kiên cường về tư tưởng, vững mạnh về tổ chức, trong sạch nội bộ, đoàn kết nhất trí”. Tại Hội nghị chiến tranh du kích toàn miền Nam lần thứ 4 (tháng 10/1968), Thừa Thiên Huế được chọn là một trong ba ngọn cờ đầu về chiến tranh du kích và được Bộ Chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam tuyên dương: “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Dòng chữ trên lá cờ đỏ thắm ấy được dệt nên từ những chiến công vang dội, có sức mạnh rung chuyển lúc bấy giờ; dòng chữ ấy thấm đẫm sự hy sinh anh dũng của biết bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, làm nên những giá trị lịch sử không bao giờ phai nhạt.

Xây dựng quê hương giàu đẹp

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nửa thế kỷ qua, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách; năng động, sáng tạo trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt, năm 2017, trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển và lũ lụt kéo dài, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt gần 8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: dịch vụ chiếm 57% GRDP; công nghiệp chiếm 32,5%; nông nghiệp giảm còn 10,5%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 6.800 tỷ đồng. Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xã hội đồng thuận, Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

50 năm đã đi qua nhưng chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là niềm tự hào không bao giờ quên, là động lực và hành trang để Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, sáng tạo; quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; trong đó, tập trung vào 3 mũi đột phá có tính chiến lược:

Thứ nhất, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đóng góp 25 - 30% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét đặc thù của vùng đất văn hoá Huế để nâng cao năng lực cạnh tranh, như: Du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; du lịch biển, đầm phá; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi, giải trí, mua sắm cao cấp; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE)...; đồng thời, phát triển các dịch vụ có thế mạnh về y tế, văn hoá, giáo dục gắn với phát triển du lịch và các dịch vụ công nghệ cao. Trọng tâm là giải tỏa di dời dân ở khu vực Đại Nội để đẩy nhanh tiến độ trùng tu Kinh thành Huế và khai thác cảnh quan thiên nhiên hai bờ sông Hương; hỗ trợ hình thành các khu du lịch, dịch vụ cao cấp như sân gôn, casino, trung tâm mua sắm cao cấp để thu hút du khách. Quy hoạch phát triển và khai thác có hiệu quả Vườn quốc gia Bạch Mã phục vụ du lịch để kết nối với Bà Nà - Vịnh đẹp Lăng Cô - phố cổ Hội An tạo thành trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới.

Thứ hai, huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng đô thị “Di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Tập trung phát triển đô thị, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn minh và hiện đại; trọng tâm là xây dựng, phát triển và mở rộng TP. Huế - đô thị hạt nhân để kết nối với các đô thị vệ tinh và thị trấn Thuận An, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hoá gắn với phát huy lợi thế của tỉnh có vùng bờ biển dài 128 km và 22.000 ha diện tích đầm, phá để thu hút đầu tư phát triển.

Đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng hàng không, cảng biển, hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để kết nối với Đà Nẵng và khu kinh tế mở Chu Lai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền để phát triển các ngành công nghiệp dệt may, chế biến khoáng sản và các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm kết nối Thừa Thiên Huế với các tỉnh Bắc miền Trung.

Thứ ba, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đã có; đồng thời, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế; hướng vào các đối tác có tiềm lực, kinh nghiệm và uy tín, nhất là các doanh nghiệp có thương hiệu đã được khẳng định trong nước và quốc tế. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư gắn với rà soát lại các dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ để thu hồi, chuyển đổi nhà đầu tư. Tổ chức lại bộ máy xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả gắn với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chân thành biết ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tổ chức quốc tế, bà con đồng hương Thừa Thiên Huế trong và ngoài nước đã dành cho Thừa Thiên Huế những tình cảm sâu nặng và sự giúp đỡ to lớn trong 2 cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại cũng như trong công cuộc đổi mới và dựng xây quê hương.

LÊ TRƯỜNG LƯU

(UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Return to top