ClockThứ Sáu, 15/11/2013 05:54

Thận trọng với kiểu buôn bán kỳ quặc

TTH - Trên thế giới, ít ai có kiểu buôn bán kỳ quặc như những thương lái Trung Quốc. Con trâu chỉ mua móng, mua sừng. Cây hồi chỉ mua rễ. Cây bắp chỉ mua râu. Cây điều chỉ mua lá. Mua rùa, mua rắn, mua mèo... và mua bao nhiêu mặt hàng động trời khác. Bây giờ họ lại mua ốc bưu vàng.
Nhìn vào hiện tượng thì đây là hành động tích cực, bởi ốc bưu vàng là loại sinh vật gây hại, đối tượng bị cấm nuôi ở Việt Nam. Ốc bưu được du nhập vào nước ta những năm 80 của thế kỷ trước và sinh sôi nảy nở một cách khủng khiếp. Ban ngày, chúng ẩn náu dưới bùn, dưới cỏ; ban đêm trồi lên mặt nước cắn đứt thân cây lúa, dưa hấu, rau màu... làm nhiều diện tích gieo trồng của người nông dân bị mất trắng.
Không ai biết thương lái Trung Quốc mua ốc bưu vàng để làm gì, nhưng hậu quả trước mắt cho thấy ở một số làng quê đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, người dân đã bỏ bê mùa vụ, nhiều học sinh bỏ bê học hành để đi bắt ốc. Ốc họ chỉ lấy phần thịt, còn phần vỏ, phần trứng bỏ lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhiều người lo lắng, nếu người dân vì lợi trước mắt mà không diệt trứng ốc như trước, thậm chí còn khoanh nuôi thì hậu quả sẽ khôn lường. Quy luật của các thương lái, ban đầu thì mua với giá cao ngất ngưởng, về sau khi người dân ồ ạt phá bỏ diện tích nuôi trồng truyền thống để chuyển sang nuôi trồng những gì mà họ đang thu mua, thì hạ giá hoặc không thu mua nữa; để lại hậu quả nặng nề trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, việc thu mua ốc bưu vàng chưa rầm rộ nhưng qua dư luận, nhiều người dân đã bắt đầu “quý” loại sinh vật vốn gây hại này. Nếu không vận động kịp thời thì người dân sẽ bỏ thói quen diệt ốc bưu vàng như trước.
Bài học về việc bắt rắn, bắt rùa từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước vẫn còn đó. Bạn tôi ngày đó mới học lớp 8, lớp 9; nhiều đứa đã bỏ bê học hành đi bắt rắn, bắt rùa để bán. Nông dân ra đồng bắt được con rùa, con rắn coi như ngày đó “trúng mánh”. Vùng Bàu Cọi (Quảng Phú, Quảng Điền) sát làng tôi ngày đó rùa nhiều vô kể. Nhiều con to bằng cái nón, bởi người dân coi rùa như một vị thần, không ai dám bắt. Ban đêm, tiếng rùa kêu inh ỏi. Vậy mà hơn chục năm nay không còn một con. Rắn thì cũng hiếm; những loại rắn lồng, rắn đạp nốn vốn rất hiền lành với người, khắc tinh với chuột đã bị bắt bán cả. Thay vào đó là chuột. Chuột ngang nhiên di chuyển trên các cánh đồng thành những đường mòn. Sào mạ mới gieo sạ đầu hôm, sáng mai đã bị chuột lượm sạch. Lúa đương đòng bị chuột cắn ngang. Cứng như cây mía cũng bị chuột cắn gãy rụi từng sào...
Điều này cho thấy, hậu quả của việc buôn bán kỳ quặc không chỉ để lại hậu quả trong một thời gian ngắn, mà còn kéo dài khủng khiếp. Nhìn người dân hồ hởi bắt ốc bưu vàng để bán cho thương lái Trung Quốc, chúng tôi nghĩ, cùng với việc cấm nuôi ốc bưu vàng, tại sao Nhà nước mình không có chính sách khuyến khích nông dân bắt ốc bưu vàng trong tự nhiên, làm thức ăn cho chăn nuôi góp phần bảo vệ mùa màng. Mặt khác, khoa học kỹ thuật đã tiến bộ nhiều, sao không có công trình nghiên cứu, tái tạo, bảo tồn, trả lại cho tự nhiên loài rắn có lợi cho nông nghiệp, mà không gây hại cho con người, để chúng diệt chuột bảo vệ mùa màng? Vấn đề quan trọng nữa là phải tuyên truyền, vận động người dân thận trọng với những kiểu buôn bán kỳ quặc; xử phạt nghiêm những hành vi ham cái lợi trước mắt, mà gây tổn hại lâu dài cho nền kinh tế và môi trường sinh thái nước nhà!
Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top