ClockChủ Nhật, 11/06/2017 06:21

Hội nghị tương lai châu Á và những vấn đề cần quan tâm

TTH - Hội nghị tập trung thảo luận những thách thức về kinh tế và an ninh mà khu vực đang phải đối mặt. Là khách mời danh dự của hội nghị năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu mở đầu.

Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á” diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 5-6/6, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và giới học giả trên thế giới.

Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 làm nổi bật những thách thức và cơ hội trong khu vực. Ảnh: Nikkei

“Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu”

Tạp chí Nikkei dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Lịch sử cho thấy, dù chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ toàn cầu hóa, thì đó vẫn là xu thế tất yếu. Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người”.

Thủ tướng nói thêm, châu Á là châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, cũng là khu vực đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Châu Á là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa. Sự vươn lên của châu lục là sự vươn lên của những quốc gia luôn hướng tới hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ. Đáng chú ý, đây là châu lục đi đầu về hợp tác và hội nhập quốc tế, với trên 150 hiệp định thương mại tự do và khu vực, chiếm 58% tổng số hiệp định của thế giới.

Dù vậy, quá trình hội nhập toàn cầu cũng đặt ra nhiều thách thức đối với châu Á, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh cho khu vực. Đó là chủ nghĩa cực đoan và các mối đe dọa khủng bố, vấn đề hạt nhân, tên lửa trên bán đảo Triều Tiên, cũng như căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông.

Phát triển bền vững

Trong bối cảnh gia tăng xu thế bảo hộ mậu dịch, lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đề xuất các giải pháp đối với sự ổn định và phát triển bền vững của châu Á.

Ông Naotoshi Okada, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn truyền thông Nikkei (Nhật Bản), đơn vị tổ chức hội nghị cho rằng: "Tâm lý hướng nội đang lan rộng khắp thế giới. Nhằm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững ở châu Á, chúng ta phải đối phó với chủ nghĩa bảo hộ như thế nào? Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo và các chuyên gia sẽ trao đổi những quan điểm thẳng thắn".

Thảo luận về những biện pháp mà các quốc gia châu Á cần thực hiện trong bối cảnh mới nhằm duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất 3 nhóm giải pháp. Đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang đối diện với những thay đổi mang tính cấu trúc; giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; đồng thời tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng nói thêm, ngoài 12 thỏa thuận đã được ký kết, Việt Nam đang đàm phán 4 thỏa thuận thương mại tự do; đồng thời tiếp tục xem xét thực thi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với 11 thành viên còn lại của hiệp định thương mại này.

Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cam kết, khối 10 nước thành viên sẽ tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập khu vực. Cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết mang tính toàn cầu với các đối tác hiệp định tự do thương mại cũng như những quốc gia khác. ASEAN hướng tới thương mại với thế giới theo cách thức mở, Tổng Thư ký Lê Lương Minh khẳng định.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, RCEP là một thể chế thương mại đa phương với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 quốc gia thành viên ASEAN. Thủ tướng Abe cho biết, RCEP có khả năng trở thành một hiệp định chất lượng cao bằng việc xây dựng những quy định như của TPP. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ nỗ lực để thực thi hiệp định này.

Nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN trong năm nay, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tăng cường hợp tác an ninh chống lại các phần tử cực đoan có liên quan hoặc lấy "cảm hứng" từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN hồi năm 2015.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Nikkei, Reuters & Straitstimes)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Châu Á - Thái Bình Dương: Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu

Các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển toàn diện kiến thức về khí hậu và những kỹ năng xanh cần thiết cho các nền kinh tế carbon thấp, theo Sổ tay Biến đổi khí hậu và giáo dục vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Châu Á - Thái Bình Dương Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu
Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

TIN MỚI

Return to top