|
Các nhà khoa học làm việc trong một phòng thí nghiệm ở Argentina. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong đó, CEPI và WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng nghiên cứu để bao gồm toàn bộ các họ mầm bệnh có thể lây nhiễm cho con người, cũng như tập trung vào từng mầm bệnh. Phương pháp tiếp cận này đề xuất sử dụng các mầm bệnh nguyên mẫu làm hướng dẫn để phát triển cơ sở kiến thức đối với toàn bộ các họ mầm bệnh.
Ngoài ra, phương pháp tiếp cận này hướng đến tạo ra kiến thức, công cụ và các biện pháp đối phó có thể áp dụng một cách rộng rãi, có thể nhanh chóng đáp ứng với những mối đe dọa mới nổi.
Chiến lược này cũng nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình giám sát và nghiên cứu nhằm hiểu cách các mầm bệnh lây lan và truyền nhiễm cho con người, và cách hệ thống miễn dịch phản ứng với các mầm bệnh.
“Bằng cách nghiên cứu các mầm bệnh nguyên mẫu, có thể mở rộng khu vực được “chiếu sáng”, thu thập kiến thức và sự hiểu biết về các họ mầm bệnh hiện có thể đang ở trong “bóng tối”. Những không gian tối trong phép ẩn dụ này bao gồm nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là những nơi khan hiếm tài nguyên với đa dạng sinh học cao, vẫn chưa được giám sát và nghiên cứu đầy đủ. Những nơi này có thể chứa các mầm bệnh mới, nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lực để tiến hành nghiên cứu toàn diện”, một báo cáo của WHO nhận định.
Được biết, khung khoa học của WHO về công tác chuẩn bị sẵn sàng nghiên cứu dịch bệnh và đại dịch đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong cách thế giới tiếp cận quá trình phát triển các biện pháp đối phó, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ CEPI.
“Khuôn khổ này sẽ giúp định hướng và phối hợp nghiên cứu về toàn bộ các họ mầm bệnh, một chiến lược nhằm tăng cường khả năng ứng phó nhanh chóng của thế giới với các biến thể không lường trước, các mầm bệnh mới nổi, sự truyền nhiễm từ động vật sang người, và các mối đe dọa chưa biết được gọi là mầm bệnh X”, ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của CEPI cho hay.
Bên cạnh đó, CEPI và WHO cũng kêu gọi nghiên cứu hợp tác, phối hợp trên toàn cầu để chuẩn bị cho các đại dịch tiềm tàng. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý: “Chúng ta cần sự kết hợp giữa khoa học và quyết tâm chính trị để cùng nhau chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Việc nâng cao kiến thức về nhiều mầm bệnh xung quanh chúng ta là một dự án toàn cầu đòi hỏi sự tham gia của các nhà khoa học đến từ mọi quốc gia”.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này, WHO đang thu hút các tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới thành lập một Liên minh Nghiên cứu mở hợp tác (CORC) đối với mỗi họ mầm bệnh.
Các CORC này trên toàn thế giới sẽ có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà phát triển, nhà tài trợ, cơ quan quản lý, chuyên gia thử nghiệm…, với mục đích thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu lớn hơn và sự tham gia công bằng.