Moderna cho biết liều tăng cường của vaccine tạo ra kháng thể mạnh mẽ chống lại biến thể Delta. Ảnh minh họa: Nhân dân
Công ty cũng cho biết rằng họ đã gửi dữ liệu về tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 3 cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Moderna thông tin, dữ liệu nghiên cứu lâm sàng và các phân tích bổ sung cho thấy, liều tăng cường 50mg của vaccine COVID-19 do hãng tạo ra có phản ứng kháng thể mạnh mẽ chống lại biến thể Delta. Trong đó, vaccine gốc của Moderna chứa 100mg mRNA trong mỗi mũi tiêm.
Các đệ trình được đưa ra khi một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ đã cung cấp, hoặc có kế hoạch tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho những đối tượng dễ bị tổn thương, hoặc những người có hệ miễn dịch kém, trong bối cảnh sự lây lan của biến thể Delta vẫn rất mạnh mẽ.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) hồi đầu tuần cho biết, không cần thiết phải tiêm tăng cường vaccine COVID-19 cho những ai đã được tiêm chủng đầy đủ.
Cũng liên quan đến mũi vaccine tăng cường, chính phủ Singapore thông tin sẽ cung cấp mũi tiêm COVID-19 nhắc lại cho những đối tượng bị suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng, cũng như tiêm tăng cường cho người từ 60 tuổi trở lên và những ai sống tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Ông Gan Kim Yong, đồng chủ tịch của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 Singapore cho biết, Bộ Y tế (MOH) của nước này và Ủy ban chuyên gia về tiêm chủng COVID-19 đã đánh giá nhu cầu tiêm chủng tăng cường của nước này.
Sau khi xem xét các bằng chứng hiện có và xem xét kỹ lưỡng tính an toàn và hiệu quả của liều tăng cường được sử dụng trên toàn cầu, ủy ban đã đưa ra khuyến nghị và Bộ Y tế Singapore đã nhất trí bắt đầu một chương trình tiêm chủng tăng cường đối với vaccine COVID-19 cho các nhóm dân số này.
Theo Bộ Y tế, những người cao tuổi có nguy cơ nhiễm COVID-19 nghiêm trọng và có thể phát triển phản ứng miễn dịch thấp hơn dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19. Thêm vào đó, điều này cũng xuất hiện cùng với mức độ miễn dịch giảm theo thời gian khi nhiều người đã được tiêm chủng sớm.
Chính vì vậy, các nhóm dân số này nên tiêm thêm 1 liều tăng cường vaccine COVID-19 trong khoảng 6-9 tháng sau khi hoàn thành phác đồ tiêm chủng của mình.
Động thái nhằm mục tiêu “đảm bảo mức độ bảo vệ cao hơn khỏi sự lây nhiễm và nâng cao mức độ bảo vệ người dân tránh khỏi nguy cơ mắc COVID-19 nặng, cũng như giảm khả năng xuất hiện đột biến...”, Bộ Y tế Singapore cho hay.
Khoảng 6 tháng đã trôi qua để từ khi đợt đầu tiên trong số những người cao niên từ 60 tuổi trở lên hoàn thành liều tiêm thứ 2 vào tháng 3/2021 theo chương trình tiêm chủng của quốc gia. Những người này sẽ đủ điệu kiện tiêm mũi tiêm vaccine tăng cường trong tháng này. Thông tin cụ thể về tiến trình tổ chức tiêm chủng tăng cường sẽ được công bố sau.
Trong một thông tin có liên quan, Bộ Y tế Singapore cho biết, những người bị suy giảm hệ miễn dịch có “phản ứng miễn dịch kém” đối với vaccine sau khi tiêm chủng và cũng có nguy cơ cao bị bệnh nặng do COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhận định, một chương trình tiêm chủng tăng cường sẽ ngăn chặn sự gia tăng mạnh của số ca nhiễm. Kế hoạch rất có ý nghĩa, nhất là khi các biến thể mới của virus COVID-19 đã có nhiều đột biến đột phá hơn bất chấp người dân đã tiêm phòng, đồng thời khả năng bảo vệ giảm khi kháng thể mất dần theo thời gian.
Về tiêm chủng cho trẻ em, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung bày tỏ tin tưởng kế hoạch sẽ diễn ra, song vẫn cần mất một khoảng thời gian, bởi các thử nghiêm lâm sàng đang được tiến hành cho những người dưới 12 tuổi. Dự kiến tiến trình tiêm chủng cho trẻ em sẽ bắt đầu vào năm tới sau khi các nghiên cứu hoàn thành và các quy trình phê duyệt theo quy định được thực hiện.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)