Những người di tản trong nước chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Ảnh: UNAMID
Trong một thông cáo báo chí về Kế hoạch Hành động 3 năm, ông Filippo Grandi, Cao ủy LHQ về người tị nạn cho biết, "giải quyết nhu cầu bảo vệ cho những người bị buộc phải di dời và tìm kiếm giải pháp cho hoàn cảnh của họ sẽ góp phần mang lại ổn định hơn cho các nước và toàn bộ khu vực".
Khung chính sách này được gọi là Kế hoạch Hành động nhằm thúc đẩy tiến trình phòng ngừa, bảo vệ và giải pháp cho người di cư trong nước (2018-2020), kêu gọi tất cả các bên liên quan tăng cường nỗ lực để ngăn chặn, phản hồi và giải quyết vấn đề di tản nội bộ. Đồng thời, kế hoạch cũng đề xuất các hoạt động cụ thể để tăng cường sự tham gia của những người di tản nội địa trong các quyết định liên quan đến họ, mở rộng luật pháp và chính sách quốc gia về di dời nội bộ cũng như các hành động để cải thiện việc thu thập và phân tích dữ liệu về sự dịch chuyển trên toàn cầu.
Đến cuối năm 2016, hơn 40 triệu người đã phải di tản bên trong quốc gia mình do tình trạng mất an ninh hoặc xâm phạm quyền lợi. Thêm 24 triệu người khác cũng buộc phải rời khỏi nhà cửa vì thiên tai. Hàng năm, khoảng 15 triệu người cũng bị di dời bởi các dự án phát triển.
Cần những bước đi táo bạo và đầy tham vọng
Trước tình hình này, Cecilia Jimenez-Damary, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền của những người di tản nội bộ cho rằng, cần phải có các bước đi "táo bạo và đầy tham vọng", "kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy một cuộc đối thoại chiến lược, hành động phối hợp và các nguồn lực đầy đủ để giải quyết tình trạng của người di tản nội bộ, đồng thời tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến họ".
Bên cạnh đó, Mark Lowcock, Phó Tổng Thư ký LHQ về Các vấn đề Nhân đạo cam kết rằng Tổ chức này sẽ tiếp tục làm việc với các Chính phủ và những người bị ảnh hưởng để đảm bảo rằng nhu cầu của họ được giải quyết.
Không ai bị bỏ lại phía sau
"Cộng đồng quốc tế cam kết sẽ không để ai tụt lại phía sau", ông Lowcock, người cũng là Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ, nhấn mạnh rằng lời hứa này phải bao gồm tất cả những người di tản.
Kế hoạch hành động được soạn thảo dưới sự lãnh đạo của Báo cáo viên Đặc biệt, Văn phòng Điều phối Nhân đạo (OCHA) và Văn phòng Cao ủy tị nạn Liên Hiệp quốc (UNHCR).
Tố Quyên (Lược dịch từ UN news)