Nhu cầu tái định cư của người tị nạn ngày càng tăng cao. Ảnh: Reuters
Theo Kế hoạch Nhu cầu tái định cư toàn cầu năm 2017 vừa được phát hành hôm qua của Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) tại Geneva, hơn 1 triệu người tị nạn đã đăng ký được tái định cư ở hơn 30 quốc gia trong thập kỷ qua, và số người có nhu cầu tái định cư vượt xa cơ hội để được bố trí ở một nước thứ ba.
Số lượng người có nhu cầu tái định cư vào năm 2017 có khả năng sẽ hơn 1,19 triệu người, tăng 72% so với nhu cầu dự kiến 691.000 người vào năm 2014, trước khi nhu cầu tái định cư trên quy mô lớn của người Syria bắt đầu.
"Chúng ta đang thấy nhu cầu tái định cư đã tăng lên một cấp độ mới và điều đó chứng tỏ, chú trọng vào việc tái định cư có thể là một phương tiện hiệu quả của việc chia sẻ trách nhiệm bảo vệ người tị nạn", Cao ủy về người tị nạn Filippo Grandi nhận định. "Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bắt kịp con số ngày càng tăng những người dễ bị tổn thương sâu sắc", Cao ủy Grandi cho biết thêm.
Theo báo cáo, trong năm 2017, Syria dự kiến chiếm 40% nhu cầu tái định cư, tiếp theo là Sudan ở mức 11%, Afghanistan 10% và Cộng hòa Dân chủ Congo với 9%.
UNHCR dự tính sẽ trình đơn xin tái định cư của 170.000 người tị nạn trong năm tới, dựa trên hạn ngạch toàn cầu dự kiến từ các quốc gia tái định cư, một sự gia tăng từ mục tiêu hiện tại là 143.000 đơn vào năm 2016 và hơn 100.000 đơn cho mỗi năm 2015 và 2014.
Mặc dù gia tăng hạn ngạch tái định cư từ một số quốc gia, mở rộng công suất tái định cư toàn cầu, và số lượng đơn đệ trình cũng tăng lên, nhưng khoảng cách thực tế so với nhu cầu vẫn còn rất lớn.
Báo cáo cũng cho biết, năm 2015 là năm có mức đệ trình kỷ lục với 134.044 trường hợp, tăng 29% từ mức 103.890 được ghi nhận trong năm 2014.
"Tái định cư hiện nay đóng vai quan trọng như một giải pháp hơn bao giờ hết, và chúng ta phải nắm bắt cơ hội này để tăng số lượng người tị nạn được hưởng lợi từ kế hoạch đó, cũng như các phương thức khác để hỗ trợ họ", ông Grandi nói. UNHCR ước tính có hơn 1 triệu người có nhu cầu tái định cư vì họ không thể trở về nhà hoặc hòa nhập vào các nước đang tạm trú vì một số các lý do.
Cuộc khủng hoảng Syria đánh dấu một sự thay đổi lớn trong các trọng tâm của tái định cư. Đến năm 2014, Syria là nhóm lớn nhất yêu cầu tái định cư và, vào năm 2015, trung bình cứ 2 trong số 5 đơn đệ trình là người Syria, so với tỷ lệ chỉ 1/5 trong năm 2014.
Trong năm 2015, Syria chiếm 53.305 đơn đệ trình xin tái định cư, tiếp theo là Cộng hòa Dân chủ Congo với 20.527 đơn, Iraq 11.161, Somalia 10.193 và Myanmar 9.738. Năm nước này tổng cộng đã tăng gần 80% đơn đệ trình vào năm đó.
Trong năm 2015, Hoa Kỳ chấp nhận 82.491 đơn đệ trình tái định cư từ UNHCR, chiếm 62% tất cả đơn nộp lên, tiếp theo là Canada với 22.886, Úc 9.321, Na Uy 3.806 và Vương quốc Anh có 3.622 đơn.
UNHCR cũng đang tập trung vào các phương cách bổ sung, chẳng hạn như thị thực nhân đạo, đoàn tụ gia đình và chương trình học bổng để có thể giúp thu hẹp khoảng cách cần thiết.
Báo cáo này được phát hành vào ngày đầu tiên của cuộc tham vấn ba bên thường niên về tái định cư, quy tụ các đại diện từ UNHCR, các quốc gia định cư và các tổ chức phi chính phủ.
Tố Quyên (Lược dịch từ UN & Sputnik)