ClockThứ Sáu, 29/01/2021 17:38

Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú: Tư duy đổi mới Báo Thừa Thiên Huế - dấu ấn không thể nào quên

TTH.VN - 9 giờ 30 phút, ngày 26/1/2021, anh Đoàn Ngọc Phú hết nợ trần gian. Ra đi ở tuổi 83, anh đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ, trách nhiệm của một nhà báo - cán bộ quản lý báo chí địa phương. 25 năm cùng làm báo qua các thời kỳ, tôi rất trân quý tính nghiêm túc, trách nhiệm của anh trong tác nghiệp báo chí.

Nhớ mãi giọng anh cười

Anh Đoàn Ngọc Phú cùng đoàn trong chuyến thăm khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: T.L

Những ngày còn là phóng viên, anh lao động báo chí với tâm thế sung sức bằng những tác phẩm đi vào lòng bạn đọc. Đó là những tiểu phẩm với văn phong nhẹ nhàng nhưng sâu sắc phê bình thói quan liêu vô trách nhiệm của cán bộ được bạn đọc đón đọc như một sự chờ đợi. Trúc Thanh là bút danh của anh như chiếm lĩnh trên chuyên mục "Chuyện quản lý" - một chuyên mục hấp dẫn của báo Dân - Bình Trị Thiên thời bấy giờ. Lao động nghiêm túc, anh lần lượt được đề bạt vào các chức vụ, chức trách quan trọng của tờ báo: Thư ký Toà soạn, Phó Tổng biên tập rồi Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế vào năm 1993.

“Cờ đến tay là anh phất “ - những ý tưởng và trăn trở của anh được thực hiện với những bước đi rất chắc nhưng hầu như ít ai nhận biết. Anh lặng lẽ triển khai kế hoạch đào tạo cán bộ mà trước hết là "vi tính hoá" cán bộ chế bản; "chuyên sâu hoá" phóng viên trong môi trường chuyên ngành, chuyên địa bàn. Sắp đặt cán bộ vào các phòng ban đúng người đúng việc, anh bắt tay thực hiện kế hoạch tăng kỳ xuất bản báo. Từ 2 số báo/tuần lên 3, 4, 5 số/tuần; chú trọng nâng cao chất lượng số báo Cuối tuần.   

Năm 1995, một sự kiện làm nức lòng giới hâm mộ bóng đá khi bất ngờ Đội tuyển bóng đá Thừa Thiên Huế lội ngược dòng giành ngôi vị Á quân trong mùa giải Quốc gia. Người hâm mộ bóng đá, hâm mộ đội bóng Cố đô như mở cờ đẩy không khí thể dục thể thao của Thừa Thiên Huế lên đỉnh cao, trong đó coi đội bóng đá tỉnh nhà là “màu cờ sắc áo”. Tổng biên tập Đoàn Ngọc Phú không máu bóng đá lắm, anh thường nhường vé cho anh em vào Sân Tự Do kể cả những trận cầu “bốc lửa”. Vậy mà anh có một quyết định "bốc cháy" hơn, đó là kịp thời xin giấy phép xuất bản Phụ trương Thể thao đuổi theo đội bóng phục vụ người hâm mộ.

Không say bóng đá nhưng say báo ngày, anh lồng sự kiện lên ngôi của đội bóng vào việc rèn luyện cho đội ngũ phóng viên, nhân viên Báo Thừa Thiên Huế chuẩn bị tâm thế vào sân: ra nhật báo. Thời gian ra phụ trương thể thao không dài nhưng với phong cách làm báo khẩn trương, thời sự, Toà soạn báo làm việc có lúc mãi đến giữa khuya. Thú vị nhất là vào sáng sớm hôm sau báo phát hành đến từng ngõ ngách, tận tay bạn đọc bởi một người phát hành đã đăng ký số lượng từ đêm hôm trước. Cũng chỉ hơn 10 số phụ trương thể thao, anh đã truyền lửa cho đội ngũ những người làm báo Thừa Thiên Huế một tâm thế mới: Ra báo ngày.

Quả đúng như vậy, sau khi thực hiện kết nghĩa cùng hai nhật báo lớn là Hà Nội mới và Sài Gòn Giải phóng, đầu năm 2000, Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú ấn nút công bố Nhật báo Thừa Thiên Huế ra mắt bạn đọc.

Công việc nhiều hơn, áp lực hơn nhưng niềm vui, niềm tự hào ánh lên trên gương mặt của toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Thừa Thiên Huế. Dấu ấn không thể nào quên ấy là sự thầm lặng đóng góp trí lực của Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú. Thời gian không ủng hộ anh, chưa được bao lâu, nhật báo vừa định hình thì anh đến tuổi nghỉ hưu. Tháng 7/2000, anh tạm biệt chia tay cơ quan. Tính đến nay cũng gần 20 năm, anh trở về cuộc sống đời thường, hạnh phúc bên mái ấm gia đình cùng con cháu, cũng lên facebook nói chuyện với bạn bè. Thỉnh thoảng, tôi cũng biết được tin anh ốm đau theo quy luật sinh lão bệnh tử của kiếp người. Bây giờ thì anh đã thanh thản đi xa, không chỉ 20 năm mà xa mãi nghìn trùng. Đồng nghiệp, thế hệ nối tiếp của anh đang còn ở lại mãi theo nghiệp báo với bao đột phá mới để nâng cao ý tưởng của anh, làm cho tờ báo đáp ứng xu hướng phát triển của báo chí thời hiện đại.

Báo Thừa Thiên Huế bây giờ trình bày theo công nghệ số, đẹp và bắt mắt hơn; nội dung phong phú, chất lượng hơn. Phóng viên, biên tập viên, ban biên tập phân công công việc, duyệt bài và chỉ đạo tác nghiệp qua những nút nhấn thông minh; ở nhà hay tác nghiệp ngoài hiện trường đều dễ dàng nhận lệnh từ tổng biên tập để có tin bài nhanh hơn chính xác hơn. Từ những đổi mới về chất trong hoạt động báo chí hôm nay, thế hệ đi sau làm sao quên được những dấu ấn vượt khó mà anh vừa là đạo diễn vừa là diễn viên trong tác nghiệp của tờ nhật báo thứ tư của báo Đảng bộ địa phương thời bấy giờ.

Anh mãi đi xa không một lời kể lể, chúng em ở lại không được lãng quên, điệp khúc này chắc chắn sẽ làm cho tờ báo ngày càng bắt nhịp, đồng hành với sự phát triển của báo chí đa phương tiện. Cứ mãi vi vu cùng mây trời gió bụi anh nhé!

    Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt phóng viên tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa

Sáng 3/1, tại TP.Cam Ranh (Khánh Hòa), Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức gặp mặt, quán triệt cho phóng viên, diễn viên đội nghệ thuật xung kích Hải quân và các lực lượng đi thăm chúc tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đang làm việc, sinh sống trên Quần đảo Trường Sa nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Đại tá Nguyễn Hữu Minh chủ trì buổi gặp mặt.

Gặp mặt phóng viên tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa
Tưởng niệm phu nhân cố danh họa Lê Bá Đảng

Trong Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) trên ngọn đồi Kim Sơn (phường Thủy Bằng, TP. Huế), những người yêu nghệ thuật cũng như bạn hữu, có mối thâm tình đã cùng tưởng niệm bà Myshu Lebadang – phu nhân cố họa sư Lê Bá Đảng – vừa qua đời hôm 26/12 tại Pháp ở tuổi 94.

Tưởng niệm phu nhân cố danh họa Lê Bá Đảng
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời

​Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vừa qua đời vào lúc 5 giờ sáng 6/7 tại nhà riêng ở TP.HCM, sau thời gian dài bị bệnh Alzheimer, hưởng thọ 75 tuổi.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời
Tác nghiệp nơi biển, đảo

Trên đảo Cồn Cỏ, tôi chỉ có thể tranh thủ thời gian ít ỏi lúc đoàn công tác ăn trưa để “gõ” laptop hết tốc độ. Khi biên đội tàu hụ còi rời đảo, tiếp tục rẽ sóng tuần tra, cũng là lúc thông tin từ chuyến tác nghiệp nơi biển, đảo đã “lên sóng” đến với bạn đọc, nóng hổi. Đối với người làm báo, đó là niềm hạnh phúc lớn. Cái bụng đói cồn cào hay đôi mắt thiếu ngủ chỉ là “chuyện nhỏ”.

Tác nghiệp nơi biển, đảo

TIN MỚI

Return to top